Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong các lĩnh vực

17-11-2023 - 08:11

Mô hình kinh tế tuần hoàn là xu thế tất yếu đối với tiến trình thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững của thế giới, trong đó có Việt Nam. Các ngành như năng lượng, công nghiệp, nhựa… là những lĩnh vực ưu tiên hàng đầu để triển khai thành công mục tiêu giảm phát thải bằng 0...

Các diễn giả tham gia thảo luận về việc thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong một số ngành và lĩnh vực. Ảnh: Việt Dũng.
Các diễn giả tham gia thảo luận về việc thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong một số ngành và lĩnh vực. Ảnh: Việt Dũng.

Chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn Việt Nam 2023, các chuyên gia cho rằng các ngành như năng lượng, công nghiệp, nhựa… là những lĩnh vực ưu tiên hàng đầu để triển khai thành công mục tiêu giảm phát thải bằng 0...

VIỆT NAM CẦN NHỮNG SÁNG KIẾN MẠNH MẼ ĐỂ XỬ LÝ THÁCH THỨC VỀ RÁC THẢI NHỰA

Theo ông Christian Kaufholz, Giám đốc Chương trình Hợp tác Hành động toàn cầu về Nhựa (GPAP), Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), sự tham gia của Việt Nam vào tiến trình thương thảo của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) đã rất hữu ích trong việc cùng nhau tạo dựng nền tảng thực hiện mục tiêu nền kinh tế tuần hoàn, giảm thải rác thải nhựa. Đây cũng là điều chúng ta cần tâm niệm và thực hiện hàng ngày. Những mục tiêu về kinh tế tuần hoàn và phát triển không loại trừ nhau mà nó là song hành trong quá trình phát triển.

Ông Christian Kaufholz.
Ông Christian Kaufholz.

"Sự tham gia của Việt Nam vào tiến trình thương thảo của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) đã rất hữu ích trong việc cùng nhau tạo dựng nền tảng thực hiện mục tiêu nền kinh tế tuần hoàn, giảm thải rác thải nhựa.Chúng ta sẽ tiếp tục xu thế này để đến năm 2050 đại dương sẽ không có vật thể nhựa nữa. Sự hiện diện của rác thải nhựa trong đại dương đe doạ cuộc sống và sức khoẻ của con người".

Tại Diễn đàn kinh tế toàn cầu đã thúc đẩy mối quan hệ đối tác về hợp tác hành động nhựa toàn cầu (GPAP) và đã có sáng kiến được đưa ra từ năm 2018 với mục tiêu định hình lại cách tiếp cận trước đó vốn còn manh mún, phân mảnh nhằm tích hợp cách phát triển. Sự hợp tác giữa các bên không chỉ ở cấp độ toàn cầu mà còn ở cấp độ quốc gia quy tụ sự tham gia của chính quyền, tổ chức xã hội dân sự, của người dân vì mục tiêu phát triển chung này.

Chúng ta cần có những nghiên cứu để tìm ra bằng chứng từ đó xây dựng công cụ đánh giá cơ sở, giúp các quốc gia có lộ trình mang tính thực tiễn để phát triển nền kinh tế tuần hoàn và carbon thấp.

Trong vòng 30 năm qua Việt Nam có sự phát triển kinh tế rất mạnh mẽ, có sự tham gia đầu tư của khu vực công và tư, mang lại sự gia tăng đáng kể về tiêu dùng nhưng theo đó rác thải cũng gia tăng. 3,7 triệu tấn nhựa sau tiêu dùng mỗi năm – là con số cao, do đó Việt Nam cần những sáng kiến mạnh mẽ để xử lý thách thức này.

Không còn nghi ngờ gì nữa, hiện nay Việt Nam đã và đang có được tầm nhìn, trở thành một trong những quốc gia hàng đầu thế giới có tác động mạnh mẽ trong lĩnh vực tuần hoàn, trong xử lý rác thải nhựa giúp hành tinh có được sự phát triển bền vững hơn, tạo nhiều công ăn việc làm liên quan.

Năm 2020, Việt Nam đã tham gia vào GPAP và hơn 200 tổ chức đã tham gia vào quan hệ đối tác này của Việt Nam. Chính phủ song hành sát cánh cùng khu vực tư nhân, giảm thiểu ô nhiễm nhựa và bảo vệ đại dương vào năm 2023. Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn đã xây dựng và đưa ra báo cáo về lộ trình liên quan đến chương trình hành động quốc gia về xử lý nhựa của Việt Nam. Điều này giúp chúng ta có thêm nguồn tài chính nguồn lực cho mục tiêu này.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn nhiều việc cần làm để hướng tới kinh tế tuần hoàn, tuần hoàn nhựa. Thời gian tới, Việt Nam đưa ra chương trình hành động quốc gia về kinh tế tuần hoàn, là phần quan trọng trong hiện thực hoá những nội dung như Luật môi trường (sửa đổi năm 2020) về hợp tác với các quốc gia (như với Nauy), xây dựng khung khổ cho quá trình hoạt động và thực thi của các quan hệ đối tác.

Để chuyển hoá các nội dung quy phạm thành hành động cần có một quá trình chuyển đổi kinh tế mang tính chất bao trùm. Để hỗ trợ quá trình đó, vấn đề tuần hoàn về nhựa là vấn đề vô cùng quan trọng.

Chúng tôi mong muốn Chính phủ Việt Nam cũng như các bên liên quan trong quan hệ đối tác công - tư cần có những hoạt động đầu tư mang tính chiến lược để thực hiện Kế hoạch và hiện thực hoá nhanh chóng những chương trình về chống ô nhiễm nhựa. Việt Nam đã và đang thể hiện vai trò dẫn dắt lãnh đạo và cam kết cho các quốc gia khác noi theo. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực này.

NGÀNH NĂNG LƯỢNG ĐẶT MỤC TIÊU GIẢM PHÁT THẢI KHÍ NHÀ KÍNH KHOẢNG 40-45 TRIỆU TẤN CO2 VÀO NĂM 2050

Bộ Công Thương được Chính phủ giao là cơ quan đầu mối thực hiện chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững cũng như chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiêm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030.

Ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương), cho biết thông qua các chương trình, Bộ Công Thương đánh giá các doanh nghiệp có tiềm năng phát triển kinh tế tuần hoàn rất lớn, từ khai thác khoáng sản, chế biến, sản xuất hàng hoá đến phân phối và tiêu dùng sản phẩm… Có rất nhiều mô hình kinh tế tuần hoàn có thể áp dụng được.

Trong những năm qua, thực hiện chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững Bộ Công Thương đã hỗ trợ hàng chục doanh nghiệp thực hiện thí điểm các mô hình kinh tế tuần hoàn trong các lĩnh vực sản xuất, phân phối và tiêu dùng.

Ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn 2023. Ảnh: Việt Dũng.
Ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn 2023. Ảnh: Việt Dũng.

Đơn cử như tiến hành thí điểm tái chế các vật liệu điện tử sau sử dụng – rác thải điện tử để tái sử dụng cho các ngành công nghiệp khác. Viết sổ tay hướng dẫn thực hiện quy trình sản xuất. Nếu chúng ta có đầy đủ căn cứ pháp lý, quy chuẩn, tiêu chuẩn thì việc thúc đẩy các mô hình kinh tế tuần hoàn trong ngành công thương sẽ được tiến hành trên quy mô lớn hơn rất nhiều.

Để thực hiện thành công nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam trong thời gian tới chúng ta tập trung vào năng lượng. Năm 2021 Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về phát triển năng lượng gió ven bờ và ngoài khơi, thách thức rất lớn liên quan tới công nghệ, truyền tải, lưu trữ năng lượng gió ngoài khơi. Do đó đây cũng là những yêu cầu cần có đặt ra.

Việt Nam đã có các cam kết mạnh mẽ tại COP 21, 26 đạt net zero về phát thải khí nhà kính vào năm 2050. Để đạt mục tiêu này lĩnh vực năng lượng đóng vai trò rất quan trọng. Báo cáo kiểm kê phát thải khí nhà kính, năng lượng đóng góp hơn 70% tổng phát thải trên toàn quốc. Do vậy để giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực năng lượng, Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch phát triển điện 8, theo đó các dạng năng lượng tái tạo có trọng tăng lên rất cao từ năm 2030 và những năm tiếp sau.

Tuy nhiên, so với kịch bản phát triển thông thường trước đây, chúng ta cần một nguồn tài chính bổ sung rất lớn để tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo cùng các giải pháp để vận hành hệ thống điện an toàn.

Hy vọng chương trình phát triển năng lượng công bằng, mà Việt Nam là một trong nhiều quốc gia tham gia trong thời gian tới sẽ đóng góp vào việc cung cấp nguồn tài chính ổn định và tin cậy với mức ưu đãi lãi suất hợp lý, để ngành năng lượng Việt Nam đạt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính khoảng 40-45 triệu tấn CO2 vào năm 2050, đóng góp cho mục tiêu net zero của Việt Nam vào năm 2050.

TĂNG CƯỜNG NHẬN THỨC VỀ CÁC MÔ HÌNH KINH TẾ TUẦN HOÀN

Chia sẻ tại diễn đàn, ông Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc WWF Việt Nam cho biết chúng tôi có mặt tại Việt Nam gần 30 năm, phối hợp với các bộ ban ngành Chính phủ và địa phương đã làm được nhiều điều, cùng nhau bẻ đường cong của sự mất đa dạng sinh học. Làm được nhiều nhưng mất mát cũng không ít, chúng ta đang đứng trước thách thức lớn về nguy cơ của sự mất đa dạng sinh học.

30 năm trước dân số của Việt Nam gần 70 triệu người, giờ là 100 triệu người. 30 năm trước dân số thế giới hơn 6 tỷ người, giờ 8 tỷ người. Nếu như 30 năm nữa chắc chắn số lượng này tăng lên rất lớn, vì thế áp lực với hành tinh, áp lực với tài nguyên thiên nhiên cũng gia tăng.

Ông Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc WWF Việt Nam phát biểu tại phiên thảo luận chuyên đề, Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn 2023. Ảnh: Việt Dũng.
Ông Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc WWF Việt Nam phát biểu tại phiên thảo luận chuyên đề, Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn 2023. Ảnh: Việt Dũng.

Theo ông Thịnh, nếu chúng ta vận hành nền kinh tế tuyến tính, sử dụng tài nguyên đa dạng sinh học để phát triển kinh tế, cũng giống như những năm qua nền kinh tế thế giới và Việt Nam phát triển rất mạnh, nếu vận hành theo quan điểm này thì mất mát đa dạng sinh học rất lớn. Càng phát triển, đa dạng sinh học càng mất mát. Nhưng may mắn, cả thế giới và VIệt Nam đã nhận thức vận hành theo con đường kinh tế tuần hoàn.

Phát triển nền kinh tế tuần hoàn bên cạnh thách thức về chính sách, nguồn lực tài chính, cơ sở hạ tầng, ông Thịnh cho rằng nhận thức của con người là rào cản lớn. Khi nói đến vấn đề tái sử dụng nguồn nước từ các khu công nghiệp, liệu chúng ta có dám uống không, dù xử lý nước đảm bảo nhưng nhận thức lúc này là vấn đề.

Hoặc việc đánh giá tác động môi trường của doanh nghiệp, có mức độ thải cho phép, có công cụ giám sát, nhưng nguồn phát thải lâu dài đi về đâu, tác động ngược trở lại môi trường thế nào… là hàng loạt thách thức. Chúng ta cần phải tiếp cận vấn đề này một cách bài bản hơn.

Thời gian qua WWF cùng với Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có những quyết sách hỗ trợ phối hợp ở cấp quốc tế, đặc biệt Chính phủ đã có cam kết toàn cầu về thiên nhiên và con người. Con người hạnh phúc, an toàn thì nền kinh tế sẽ phát triển bền vững, tài nguyên thiên nhiên được bảo vệ. Nữa là cam kết rõ ràng net zero; cam kết thoả thuận nhựa toàn cầu…

Đặc biệt trong các chính sách như sửa Luật Tài nguyên và môi trường, đưa trách nhiệm nhà sản xuất (EPR) vào luật. Đây là lần đầu tiên Việt Nam đưa vào Luật và đang xây dựng các nghị định, thông tư dưới luật để triển khai.

Cách đây 2 tuần, WWF cùng với Cục biển và Hải đảo, Ủy ban Khoa học công nghệ môi trường Quốc hội tổ chức diễn đàn kêu gọi 63 tỉnh thành cam kết không xả rác thải nhựa ra môi trường dựa trên Sáng kiến 1.000 thành phố trên thế giới không xả rác thải ra môi trường.

Không những cam kết, hiện đã có 10 thành phố Việt Nam đang triển khai và có hiệu quả rất lớn. Đây là cơ hội không chỉ cho một mà toàn thể chính quyền, địa phương và người dân Việt Nam hướng tới nền kinh tế tuần hoàn. Nhiều mô hình nhỏ áp dụng kinh tế tuần hoàn, chứng chỉ rừng bền vững, như kinh tế hộ gia đình mà không cần những quyết sách lớn.

Trong vấn đề nhận thức, WWF đã phối hợp cùng với tất cả các sở ban ngành liên quan nhằm tăng cường nhận thức từ cộng đồng giới trẻ để đảm bảo người dân hiểu và hành động, như Giờ trái đất… Tất cả các bên chung tay cùng hành động, lan toả, nhân rộng các mô hình, khi đồng lòng việc thực hiện thành công nền kinh tế tuần hoàn sẽ nằm trong tầm tay và thực hiện được trong tương lai.

Theo Vũ Khuê_Vneconomy