Để hiểu hơn về VTA và cơ chế giải quyết tranh chấp tại VTA, vui lòng trao đổi thông tin tại mục Hỏi – Đáp

  1. Những lĩnh vực tranh chấp nào thuộc thẩm quyền giải quyết của VTA ?
  2. Luật sư người nước ngoài có thể tham gia tranh tụng tại VTA hay không?
  3. Muốn giải quyết tranh chấp bằng trọng tài phải có điều kiện gì?
  4. Trường hợp các bên đã ký thỏa thuận trọng tài nhưng khi tranh chấp phát sinh, một bên có thể khởi kiện tại Tòa án được hay không?
  5. Thỏa thuận trọng tài vô hiệu trong những trường hợp nào?
  6. Trường hợp nào thì thỏa thuận trọng tài bị coi là không thể thực hiện được?
  7. Thỏa thuận trọng tài được thể hiện bằng những hình thức nào?
  8. Trường hợp các bên vừa thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài vừa thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng Tòa án thì cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết?
  9. Thời hiện khởi kiện tại Trọng tài được quy định như thế nào?
  10. Khi nào thì được coi là mất quyền phản đối?
  11. Để trở thành Trọng tài viên thì phải có những tiêu chuẩn gì?
  12. Những ai không được làm Trọng tài viên?
  13. Khi nào thì tố tụng trọng tài tại VTA bắt đầu?
  14. Khi nào thì tố tụng trọng tài tại VTA kết thúc?
  15. Tố tụng trọng tài tại VTA bắt đầu như thế nào?
  16. Thông báo, tài liệu của mỗi bên gửi tới VTA có thể gửi bằng những hình thức nào?
  17. Tài liệu kèm theo Đơn khởi kiện, Bản tự bảo vệ, Đơn kiện lại và các tài liệu khác có phải công chứng không?
  18. Khi nào thì VTA gửi Thông báo và Đơn khởi kiện của Nguyên đơn cho Bị đơn ?
  19. VTA có thể gửi Thông báo và Đơn khởi kiện của Nguyên đơn cho Bị đơn ngay sau khi nhận được Đơn khởi kiện của Nguyên đơn hay không?
  20. Đơn khởi kiện gồm những nội dung gì?
  21. Kèm theo Đơn khởi kiện phải có những tài liệu nào?
  22. Ai là người có thẩm quyền ký Đơn khởi kiện?
  23. Bản tự bảo vệ gồm những nội dung gì?
  24. Thời hạn nộp Bản tự bảo vệ là bao lâu?
  25. Bị đơn có thể gia hạn nộp Bản tự bảo vệ không?
  26. Trường hợp Bị đơn không nộp Bản tự bảo vệ thì tố tụng trọng tài có được tiếp tục hay không?
  27. Bản tự bảo vệ có thể gộp chung với Đơn kiện lại hay không?
  28. Bị đơn có thể kiện lại Nguyên đơn được không? Trình tự giải quyết đơn kiện lại như thế nào?
  29. Đơn kiện lại gồm những nội dung gì?
  30. Phí trọng tài bao gồm những chi phí gì?
  31. Việc nộp phí trọng tài được thực hiện như thế nào?
  32. Phí trọng tài có thể nộp từng phần được không?
  33. Phí trọng tài được nộp tại đâu?
  34. Trường hợp một bên không nộp phí trọng tài thì Đơn khởi kiện, Đơn kiện lại có được chấp nhận giải quyết hay không?
  35. Bên nào phải trả phí trọng tài? Phí trọng tài được phân bổ như thế nào?
  36. Phí luật sư có nằm trong trị giá vụ tranh chấp hay không và có phải nộp phí trọng tài cho yêu cầu phí luật sự không?
  37. Việc hoàn phí trọng tài được quy định như thế nào và mức hoàn phí là như thế nào? Những trường hợp nào được hoàn phí trọng tài, những trường hợp nào không được hoàn phí trọng tài ?
  38. Phí luật sư có được chấp nhận tại trọng tài hay không?
  39. Bên nào phải trả chi phí triệu tập người làm chứng?
  40. Bên nào phải trả chi phí giám định, định giá tài sản?
  41. Bên nào phải trả chi phí tham vấn chuyên gia?
  42. Nguyên đơn có thể rút Đơn khởi kiện, Bị đơn có thể rút Đơn kiện lại được không và vào thời điểm nào?
  43. Nguyên đơn có thể sửa đổi bổ sung Đơn khởi kiện, Bị đơn có thể sửa đổi, bổ sung Đơn kiện lại và/hoặc Bản tự bảo vệ được không và vào thời điểm nào?
  44. Hội đồng trọng tài có bao nhiêu Trọng tài viên? Nếu các bên không có thỏa thuận về số lượng Trọng tài viên thì tranh chấp được giải quyết bởi Hội đồng Trọng tài có bao nhiêu Trọng tài viên?
  45. Việc thành lập Hội đồng Trọng tài gồm ba Trọng tài viên được tiến hành như thế nào ?
  46. Việc thành lập Hội đồng Trọng tài gồm Trọng tài viên duy nhất được thực hiện như thế nào?
  47. Trường hợp Bị đơn không chọn Trọng tài viên thì việc thành lập Hội đồng Trọng tài sẽ được tiến hành như thế nào?
  48. Khi có khiếu nại về thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài thì ai có thẩm quyền xem xét khiếu nại và trong thời gian khiếu nại thì tố tụng trọng tài có bị dừng lại hay không?
  49. Hội đồng trọng tài có thẩm quyền ban hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không?
  50. Hội đồng Trọng tài có thẩm quyền thu thập chứng cứ hay không?
  51. Hội đồng trọng tài có thẩm quyền triệu tập người làm chứng hay không?
  52. Các bên có thể thỏa thuận địa điểm trọng tài được không? Trường hợp các bên không có thỏa thuận thì địa điểm trọng tài được xác định như thế nào?
  53. Các bên có thể thỏa thuận ngôn ngữ trọng tài được không? Trường hợp các bên không có thỏa thuận thì ngôn ngữ trọng tài được xác định như thế nào?
  54. Các bên có thể thỏa thuận luật áp dụng để giải quyết vụ tranh chấp được không? Trường hợp các bên không có thỏa thuận thì việc xác định luật áp dụng được thực hiện như thế nào?
  55. . Những ai có quyền tham dự phiên họp giải quyết vụ tranh chấp?
  56. Các bên có thể ghi âm hoặc quay phim tại phiên họp giải quyết vụ tranh chấp hay không?
  57. Trọng tài có thể tiến hành phiên họp khi một bên hoặc cả hai bên vắng mặt được không?
  58. Trường hợp nào thì một bên có quyền yêu cầu hoãn phiên họp? Việc yêu cầu hoãn phiên họp phải có những điều kiện kiện gì? Bên nào phải chịu chi phí phát sinh do hoãn phiên họp
  59. Trường hợp nào thì vụ tranh chấp được đình chỉ giải quyết?
  60. Phán quyết trọng tài được lập theo nguyên tắc nào?
  61. Phán quyết trọng tài có thể bị kháng cáo không?
  62. Phán quyết trọng tài được lập bằng hình thức nào và gồm những nội dung gì?
  63. Có cơ chế sửa chữa và giải thích Phán quyết trọng tài; lập Phán quyết trọng tài bổ sung hay không?
  64. Phán quyết trọng tài VTA được thi hành theo trình tự như thế nào?

1. Những lĩnh vực tranh chấp nào thuộc thẩm quyền giải quyết của VTA ?

Theo Điều 2 Luật Trọng tài thương mại, VTA có thẩm quyền giải quyết:

a) Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại.

b) Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại.

c) Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Trọng tài.

Go Top

2. Luật sư người nước ngoài có thể tham gia tranh tụng tại VTA hay không?

Luật sư người nước ngoài có thể tham gia tranh tụng tại VTA như luật sư người Việt Nam.

Go Top

3. Muốn giải quyết tranh chấp bằng trọng tài phải có điều kiện gì?

Điều kiện để giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài là phải có thỏa thuận trọng tài, bởi theo Khoản 1 Điều 5 Luật Trọng tài thương mại, tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài nếu các bên có thỏa thuận trọng tài. Thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp.  

Go Top

4. Trường hợp các bên đã ký thỏa thuận trọng tài nhưng khi tranh chấp phát sinh, một bên có thể khởi kiện tại Tòa án được hay không?

Theo Điều 6 Luật Trọng tài thương mại, trong trường hợp các bên tranh chấp đã có thỏa thuận trọng tài mà một bên khởi kiện tại Tòa án thì Toà án phải từ chối thụ lý, trừ trường hợp thoả thuận trọng tài vô hiệu hoặc không thể thực hiện được.

Go Top

5. Thỏa thuận trọng tài vô hiệu trong những trường hợp nào?

Theo Điều 18 Luật Trọng tài thương mại, thoả thuận trọng tài vô hiệu trong các trường hợp sau:

a) Tranh chấp phát sinh trong các lĩnh vực không thuộc thẩm quyền của Trọng tài quy định tại Điều 2 của Luật này.
b) Người xác lập thoả thuận trọng tài không có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
c) Người xác lập thoả thuận trọng tài không có năng lực hành vi dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự.
d) Hình thức của thoả thuận trọng tài không phù hợp với quy định tại Điều 16 của Luật này.
đ) Một trong các bên bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép trong quá trình xác lập thoả thuận trọng tài và có yêu cầu tuyên bố thoả thuận trọng tài đó là vô hiệu.
e) Thỏa thuận trọng tài vi phạm điều cấm của pháp luật.
 

Go Top

6. Trường hợp nào thì thỏa thuận trọng tài bị coi là không thể thực hiện được?

Theo Điều 4 Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP, thoả thuận trọng tài bị coi là không thể thực hiện được là các trường hợp:

•    Trung tâm trọng tài nơi các bên đã có thoả thuận giải quyết tranh chấp đã chấm dứt hoạt động mà không có tổ chức kế thừa và các bên không có thoả thuận thay thế;

•    Trọng tài viên trọng tài vụ việc mà các bên đã có thoả thuận lựa chọn không thể tham gia giải quyết tranh chấp vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan; hoặc Toà án không thể tìm được Trọng tài viên như các bên yêu cầu và các bên không có thoả thuận thay thế; 

•    Trọng tài viên trọng tài vụ việc mà các bên đã có thoả thuận lựa chọn từ chối hoặc Trung tâm trọng tài từ chối việc chỉ định Trọng tài viên và các bên không có thoả thuận thay thế;

•    Các bên có thỏa thuận giải quyết tranh chấp tại một Trung tâm trọng tài nhưng lại thỏa thuận áp dụng Quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài khác mà điều lệ của Trung tâm trọng tài các bên chọn không cho phép và các bên không thỏa thuận được về việc lựa chọn Quy tắc tố tụng trọng tài thay thế.

•    Nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ và người tiêu dùng có điều khoản về thỏa thuận trọng tài được ghi nhận trong các điều kiện chung về cung cấp hàng hóa, dịch vụ do nhà cung cấp soạn sẵn nhưng khi phát sinh tranh chấp, người tiêu dùng không đồng ý lựa chọn Trọng tài giải quyết tranh chấp.
 

Go Top

7. Thỏa thuận trọng tài được thể hiện bằng những hình thức nào?

Theo Khoản 2 Điều 16 Luật Trọng tài thương mại, thoả thuận trọng tài phải được xác lập dưới dạng văn bản. Các hình thức thỏa thuận sau đây cũng được coi là xác lập dưới dạng văn bản:

a) Thoả thuận được xác lập qua trao đổi giữa các bên bằng telegram, fax, telex, thư điện tử và các hình thức khác theo quy định của pháp luật;
b) Thỏa thuận được xác lập thông qua trao đổi thông tin bằng văn bản giữa các bên;
c) Thỏa thuận được luật sư, công chứng viên hoặc tổ chức có thẩm quyền ghi chép lại bằng văn bản theo yêu cầu của các bên;
d) Trong giao dịch các bên có dẫn chiếu đến một văn bản có thể hiện thỏa thuận trọng tài như hợp đồng, chứng từ, điều lệ công ty và những tài liệu tương tự khác;
đ) Qua trao đổi về đơn kiện và bản tự bảo vệ mà trong đó thể hiện sự tồn tại của thoả thuận do một bên đưa ra và bên kia không phủ nhận.
 

Go Top

8. Trường hợp các bên vừa thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài vừa thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng Tòa án thì cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết?

Khoản 4 Điều 2, Nghị quyết số: 01/2014/NQ-HĐTP ngày 20/03/2014 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao Hướng dẫn thi hành một số quy định Luật Trọng tài thương mại quy định như sau:

“4. Trường hợp các bên vừa có thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài, vừa có thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng Tòa án mà các bên không có thỏa thuận lại hoặc thỏa thuận mới về cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp và không thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này mà phát sinh tranh chấp thì xử lý như sau:

a) Trường hợp người khởi kiện yêu cầu Trọng tài giải quyết tranh chấp trước khi yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hoặc yêu cầu Trọng tài giải quyết tranh chấp khi Tòa án chưa thụ lý vụ án quy định tại điểm b khoản 4 Điều này thì Tòa án căn cứ quy định tại Điều 6 Luật Trọng tài thương mại để từ chối thụ lý, giải quyết. Trong trường hợp này, khi nhận được đơn khởi kiện Tòa án phải trả lại đơn khởi kiện, nếu đã thụ lý vụ án thì căn cứ quy định tại điểm i khoản 1 Điều 192 BLTTDS ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án vì không thuộc thẩm quyền của Tòa án, trả lại đơn khởi kiện và các tài liệu gửi kèm theo đơn khởi kiện.
b) Trường hợp người khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp, thì ngay sau khi nhận được đơn khởi kiện, Tòa án phải xác định một trong các bên đã yêu cầu Trọng tài giải quyết hay chưa.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện mà Tòa án xác định người bị kiện, người khởi kiện đã yêu cầu Trọng tài giải quyết tranh chấp thì Tòa án trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện, trường hợp người bị kiện, người khởi kiện chưa yêu cầu Trọng tài giải quyết tranh chấp thì Tòa án xem xét thụ lý giải quyết theo thủ tục chung.

Trường hợp Tòa án đã thụ lý vụ án mà phát hiện tranh chấp đã có yêu cầu Trọng tài giải quyết trước thời điểm Tòa án thụ lý vụ án thì Tòa án căn cứ quy định tại điểm i khoản 1 Điều 192 BLTTDS ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án vì không thuộc thẩm quyền của Tòa án, trả lại đơn khởi kiện và các tài liệu gửi kèm theo đơn khởi kiện.”
 

Go Top

9. Thời hiện khởi kiện tại Trọng tài được quy định như thế nào?

Theo Điều 33 Luật Trọng tài thương mại, trừ trường hợp luật chuyên ngành có quy định khác, thời hiệu khởi kiện theo thủ tục trọng tài là 02 năm, kể từ thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm.

Go Top

10. Khi nào thì được coi là mất quyền phản đối?

Theo Điều 13 Luật Trọng tài thương mại, trong trường hợp một bên phát hiện có vi phạm quy định của Luật này hoặc của thỏa thuận trọng tài mà vẫn tiếp tục thực hiện tố tụng trọng tài và không phản đối những vi phạm trong thời hạn do Luật này quy định thì mất quyền phản đối tại Trọng tài hoặc Tòa án.

Điều 6 Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định Luật Trọng tài thương mại quy định như sau:

“Điều 6. Mất quyền phản đối quy định tại Điều 13 Luật Trọng tài thương mại

1. Trường hợp một bên phát hiện có vi phạm quy định Luật Trọng tài thương mại hoặc của thỏa thuận trọng tài mà vẫn tiếp tục thực hiện tố tụng trọng tài và không phản đối với Hội đồng trọng tài, Trung tâm trọng tài những vi phạm đó trong thời hạn do Luật Trọng tài thương mại quy định thì mất quyền phản đối tại Trọng tài, hoặc tại Tòa án đối với những vi phạm đã biết đó. Trường hợp Luật Trọng tài thương mại không quy định thời hạn thì thời hạn được xác định theo thỏa thuận của các bên hoặc quy tắc tố tụng trọng tài. Trường hợp các bên không thỏa thuận hoặc quy tắc tố tụng trọng tài không quy định thì việc phản đối phải được thực hiện trước thời điểm Hội đồng trọng tài tuyên phán quyết.

2 .Trước khi xem xét yêu cầu của một hoặc các bên về việc có vi phạm quy định Luật Trọng tài thương mại hoặc của thỏa thuận trọng tài, Tòa án phải kiểm tra các tài liệu, chứng cứ, quy tắc tố tụng trọng tài để xác định đối với yêu cầu đó, một hoặc các bên có mất quyền phản đối hay không mất quyền phản đối.

Trường hợp Tòa án xác định vi phạm đã mất quyền phản đối quy định tại Điều 13 Luật Trọng tài thương mại và hướng dẫn tại khoản 1 Điều này thì bên đã mất quyền phản đối không được quyền khiếu nại quyết định của Hội đồng trọng tài, yêu cầu hủy phán quyết trọng tài đối với những vi phạm đã mất quyền phản đối đó. Tòa án không được căn cứ vào các vi phạm mà một hoặc các bên đã mất quyền phản đối để quyết định chấp nhận yêu cầu của một hoặc các bên.

Khi giải quyết yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, Tòa án có trách nhiệm xem xét theo quy định tại điểm đ khoản 2 và điểm b khoản 3 Điều 68 Luật Trọng tài thương mại. Trường hợp xét thấy có đủ căn cứ để chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu thì Tòa án có quyền quyết định ngay cả khi một hoặc các bên đã mất quyền phản đối”.

 

Go Top

11. Để trở thành Trọng tài viên thì phải có những tiêu chuẩn gì?

Theo Điều 20 Luật Trọng tài thương mại, tiêu chuẩn để trở thành Trọng tài viên bao gồm:

a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của Bộ luật dân sự;
b) Có trình độ đại học và đã qua thực tế công tác theo ngành đã học từ 5 năm trở lên;
c) Trong trường hợp đặc biệt, chuyên gia có trình độ chuyên môn cao và có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, tuy không đáp ứng được yêu cầu nêu tại điểm b khoản này, cũng có thể được chọn làm Trọng tài viên.

Theo Điều lệ VTA, điều kiện trở thành Trọng tài viên VTA gồm:

1.1.    Điều kiện chung:

a)    Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; có sức khỏe, lý lịch rõ ràng;
b)    Tuổi từ 30 đến 65;
c)    Tốt nghiệp đại học và đã qua thực tế công tác theo ngành đã học từ tám năm trở lên, trừ trường hợp chuyên gia có trình độ chuyên môn cao, có nhiều kinh nghiệm;
d)    Cam kết tham gia và giải quyết vụ kiện một cách độc lập, khách quan, công bằng và nhanh chóng;
e)    Sẵn sàng tham gia vào các hoạt động của VTA; nỗ lực cống hiến vì sự phát triển của VTA.

1.2.    Điều kiện bổ sung:

Ngoài các điều kiện quy định tại Khoản 1 trên đây, cá nhân nộp đơn đề nghị xét kết nạp làm Trọng tài viên phải đáp ứng thêm một trong các điều kiện sau đây:

a)    Đã là Trọng tài viên trong ít nhất năm vụ tranh chấp được giải quyết bằng trọng tài trước đó, hoặc
b)    Có giới thiệu của hiệp hội nghề nghiệp trong phạm vi toàn quốc, hoặc trường đại học hoặc viện nghiên cứu, hoặc
c)    Được ít nhất một thành viên trong Ban điều hành VTA giới thiệu

Việc cá nhân đáp ứng đầy đủ các điều kiện nêu trên không bảo đảm rằng cá nhân đó sẽ đương nhiên được Trung tâm kết nạp làm trọng tài viên. Việc xem xét kết nạp một cá nhân làm Trọng tài viên thuộc thẩm quyền của Ban điều hành VTA.
 

Go Top

12. Những ai không được làm Trọng tài viên?

Theo Khoản 2 Điều 20 Luật Trọng tài thương mại, trường hợp sau đây không được làm Trọng tài viên:

a) Người đang là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên, Chấp hành viên, công chức thuộc Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Cơ quan điều tra, Cơ quan thi hành án;
b) Người đang là bị can, bị cáo, người đang chấp hành án hình sự hoặc đã chấp hành xong bản án nhưng chưa được xóa án tích.
 

Go Top

13. Khi nào thì tố tụng trọng tài tại VTA bắt đầu?

Theo Điều 5 Quy tắc VTA, tố tụng trọng tài bắt đầu từ ngày VTA nhận được Đơn khởi kiện của Nguyên đơn theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Quy tắc.

Go Top

14. Khi nào thì tố tụng trọng tài tại VTA kết thúc?

Quy tắc VTA không quy định về thời điểm kết thúc tố tụng trọng tài nhưng theo Khoản 10 Điều 43 Luật Trọng tài thương mại thì tố tụng trọng tài chấm dứt từ thời điểm Hội đồng Trọng tài ban hành (lập) Phán quyết trọng tài.

Go Top

15. Tố tụng trọng tài tại VTA bắt đầu như thế nào?

Tố tụng trọng tài tại VTA bắt đầu bằng việc Nguyên đơn gửi Đơn khởi kiện tới VTA.

Go Top

16. Thông báo, tài liệu của mỗi bên gửi tới VTA có thể gửi bằng những hình thức nào?

Thông báo, tài liệu có thể nộp trực tiếp tại VTA hoặc Chi nhánh của VTA được VTA ủy quyền bằng những hình thức sau:

- Thư bảo đảm, chuyển phát nhanh;
- Thư điện tử (email);
- Fax;
- Nộp trực tiếp tại VTA hoặc Chi nhánh của VTA được VTA ủy quyền.

Theo Khoản 1 Điều 3 Quy tắc VTA, Thông báo, tài liệu do một bên gửi tới VTA phải đủ số bản để VTA gửi cho thành viên của Hội đồng Trọng tài mỗi người một bản, cho bên kia một bản và lưu một bản. Từ thực tiễn giải quyết tranh chấp tại VTA, nếu Hội đồng Trọng tài gồm ba Trọng tài viên thì số bản mỗi bên phải gửi là năm (05). Nếu Hội đồng Trọng tài gồm một trọng tài viên thì số bản mỗi bên phải gửi là ba (03). Khi gửi thông báo, tài liệu tới VTA bằng fax hoặc thư điện tử, các bên phải đồng thời gửi các thông báo, tài liệu đó tới VTA với số bản nêu trên qua phương thức thư bảo đảm, chuyển phát nhanh hoặc nộp trực tiếp tại VTA.
 

Go Top

17. Tài liệu kèm theo Đơn khởi kiện, Bản tự bảo vệ, Đơn kiện lại và các tài liệu khác có phải công chứng không?

Các tài liệu kèm theo Đơn khởi kiện, Bản tự bảo vệ, Đơn kiện lại và các tài liệu khác có thể là bản chính, bản sao hoặc bản sao có công chứng. Trong trường hợp cần thiết Hội đồng Trọng tài có thể yêu cầu các bên cung cấp tài liệu theo hình thức mà Hội đồng Trọng tài quyết định.

Go Top

18. Khi nào thì VTA gửi Thông báo và Đơn khởi kiện của Nguyên đơn cho Bị đơn ?

Theo Điều 8 Quy tắc VTA, trừ khi các bên có thỏa thuận khác về thời hạn, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày VTA nhận được Đơn khởi kiện, thỏa thuận trọng tài, các tài liệu khác có liên quan và phí trọng tài quy định tại Điều 35 của Quy tắc VTA, VTA gửi tới Bị đơn Thông báo, Đơn khởi kiện, thỏa thuận trọng tài và các tài liệu khác có liên quan.

Go Top

19. VTA có thể gửi Thông báo và Đơn khởi kiện của Nguyên đơn cho Bị đơn ngay sau khi nhận được Đơn khởi kiện của Nguyên đơn hay không?

VTA có thể gửi ngay Thông báo và Đơn khởi kiện của Nguyên đơn cho Bị đơn trong trường hợp Nguyên đơn đã nộp Đơn khởi kiện theo Khoản 2 Điều 7 Quy tắc VTA và Nguyên đơn nộp đủ phí trọng tài theo Quy định tại Điều 35 Quy tắc VTA.

Go Top

20. Đơn khởi kiện gồm những nội dung gì?

Theo khoản 2 Điều 7 Quy tắc VTA, Đơn khởi kiện gồm các nội dung sau đây:

a) Ngày, tháng, năm làm Đơn khởi kiện;
b) Tên, địa chỉ của các bên;
c) Tóm tắt nội dung của vụ tranh chấp;
d) Cơ sở khởi kiện;
đ) Trị giá của vụ tranh chấp và các yêu cầu khác của Nguyên đơn;
e) Tên của người được Nguyên đơn chọn làm Trọng tài viên hoặc yêu cầu Trung tâm chỉ định Trọng tài viên theo quy định tại khoản 1 Điều 12 hoặc Điều 13 của Quy tắc.
g) Chữ ký của người đại diện theo pháp luật hoặc của người đại diện theo ủy quyền trong trường hợp Nguyên đơn là tổ chức; chữ ký của cá nhân hoặc của người đại diện theo ủy quyền trong trường hợp Nguyên đơn là cá nhân
 

Go Top

21. Kèm theo Đơn khởi kiện phải có những tài liệu nào?

Theo Khoản 3 Điều 7 Quy tắc VTA, kèm theo Đơn khởi kiện phải có thỏa thuận trọng tài và các tài liệu khác có liên quan.

Go Top

22. Ai là người có thẩm quyền ký Đơn khởi kiện?

Theo điểm g Khoản 2 Điều 7 Quy tắc VTA, Đơn khởi kiện phải có chữ ký của người đại diện theo pháp luật hoặc của người đại diện theo ủy quyền trong trường hợp Nguyên đơn là tổ chức; chữ ký của cá nhân hoặc của người đại diện theo ủy quyền trong trường hợp Nguyên đơn là cá nhân

Go Top

23. Bản tự bảo vệ gồm những nội dung gì?

Theo Khoản 1 Điều 9 Quy tắc VTA, Bản tự bảo vệ gồm các nội dung:

a) Ngày, tháng, năm làm Bản tự bảo vệ;
b) Tên, địa chỉ của Bị đơn;
c) Cơ sở tự bảo vệ;
d) Tên của người được Bị đơn chọn làm Trọng tài viên hoặc yêu cầu Trung tâm chỉ định Trọng tài viên theo quy định tại khoản 2 Điều 12 hoặc Điều 13 của Quy tắc;
đ) Chữ ký của người đại diện theo pháp luật hoặc của người đại diện theo ủy quyền trong trường hợp Bị đơn là tổ chức; chữ ký của cá nhân hoặc của người đại diện theo ủy quyền trong trường hợp Bị đơn là cá nhân.

Trong trường hợp Bị đơn cho rằng thỏa thuận trọng tài không tồn tại, thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện thì Bị đơn phải nêu rõ điều đó trong Bản tự bảo vệ. Nếu Bị đơn không nêu rõ điều đó trong Bản tự bảo vệ thì Bị đơn mất quyền phản đối. Trong trường hợp này, Bị đơn vẫn phải chọn Trọng tài viên hoặc yêu cầu Trung tâm chỉ định Trọng tài viên
 

Go Top

24. Thời hạn nộp Bản tự bảo vệ là bao lâu?

Theo Khoản 1 Điều 9 Quy tắc VTA, trừ khi các bên có thỏa thuận khác, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày tiếp theo của ngày nhận được Thông báo, Đơn khởi kiện, thỏa thuận trọng tài và các tài liệu khác có liên quan, Bị đơn phải gửi tới Trung tâm Bản tự bảo vệ.

Go Top

25. Bị đơn có thể gia hạn nộp Bản tự bảo vệ không?

Theo Khoản 2 Điều 9 Quy tắc VTA, theo yêu cầu của Bị đơn, Trung tâm có thể gia hạn thời hạn gửi Bản tự bảo vệ. Yêu cầu gia hạn phải được lập bằng văn bản và phải gửi để Trung tâm nhận được trước khi hết thời hạn gửi Bản tự bảo vệ hoặc trước khi hết thời  hạn gia hạn Bản tự bảo vệ. Trong trường hợp có yêu cầu gia hạn thời hạn gửi Bản tự bảo vệ, Bị đơn vẫn phải chọn Trọng tài viên hoặc yêu cầu Trung tâm chỉ định Trọng tài viên trong thời hạn 30 ngày theo Quy định tại khoản 1 Điều 9 Quy tắc VTA.

Go Top

26. Trường hợp Bị đơn không nộp Bản tự bảo vệ thì tố tụng trọng tài có được tiếp tục hay không?

Theo Khoản 4 Điều 9 Quy tắc VTA, trường hợp Bị đơn không gửi Bản tự bảo vệ, tố tụng trọng tài vẫn được tiếp tục tiến hành.

Go Top

27. Bản tự bảo vệ có thể gộp chung với Đơn kiện lại hay không?

Do Bản tự bảo vệ và Đơn kiện lại độc lập với nhau, có nội dung khác nhau nên Đơn kiện lại không thể gộp chung vào Bản tự bảo vệ.

Go Top

28. Bị đơn có thể kiện lại Nguyên đơn được không? Trình tự giải quyết đơn kiện lại như thế nào?

Theo Khoản 1 Điều 10 Quy tắc VTA, Bị đơn có quyền kiện lại Nguyên đơn. Đơn kiện lại phải căn cứ vào thỏa thuận trọng tài mà dựa vào đó Nguyên đơn đã khởi kiện Bị đơn. Đơn kiện lại phải bằng văn bản riêng, độc lập với Bản tự bảo vệ. Đơn kiện lại phải được gửi tới Trung tâm vào cùng thời điểm gửi Bản tự bảo vệ.

Theo Khoản 6 Điều 10 Quy tắc VTA, Đơn kiện lại được giải quyết đồng thời bởi chính Hội đồng Trọng tài giải quyết Đơn khởi kiện của Nguyên đơn.
 

Go Top

29. Đơn kiện lại gồm những nội dung gì?

Theo Khoản 2 Điều 10 Quy tắc VTA, Đơn kiện lại phải có các nội dung sau:

a) Ngày, tháng, năm làm Đơn kiện lại;
b) Tên, địa chỉ của các bên;
c) Tóm tắt nội dung của vụ kiện lại;
d) Cơ sở kiện lại;
đ) Trị giá của vụ kiện lại và các yêu cầu khác của Bị đơn;
e) Chữ ký của người đại diện theo pháp luật hoặc của người đại diện theo ủy quyền trong trường hợp Bị đơn là tổ chức; chữ ký của cá nhân hoặc của người đại diện theo ủy quyền trong trường hợp Bị đơn là cá nhân.
 

Go Top

30. Phí trọng tài bao gồm những chi phí gì?

Theo Điều 34 Quy tắc VTA, phí trọng tài gồm:

1. Chi phí để trả thù lao cho các Trọng tài viên giải quyết vụ tranh chấp;

2. Chi phí hành chính của VTA liên quan đến việc giải quyết vụ tranh chấp;

3. Chi phí đi lại, ở và các chi phí có liên quan khác của các Trọng tài viên giải quyết vụ tranh chấp được quy định tại Văn bản hướng dẫn của VTA có hiệu lực tại thời điểm lập dự tính chi phí; chi phí cho các trợ giúp khác theo yêu cầu của Hội đồng Trọng tài.

4. Chi phí giám định, định giá tài sản, chi phí tham vấn ý kiến chuyên gia 
 

Go Top

31. Việc nộp phí trọng tài được thực hiện như thế nào?

Theo Khoản 1 và Khoản 2 Điều 35 Quy tắc VTA, nếu các bên không có thoả thuận, Nguyên đơn phải nộp đủ phí trọng tài tại thời điểm nộp Đơn khởi kiện. Bị đơn phải nộp đủ phí trọng tài tại thời điểm nộp Đơn kiện lại (gồm chi phí để trả thù lao cho các Trọng tài viên giải quyết vụ tranh chấp và chi phí hành chính của VTA liên quan đến việc giải quyết vụ tranh chấp). Việc nộp phí trọng tài sẽ được thực hiện theo thông báo và trong thời hạn do VTA ấn định.

Các chi phí nêu tại khoản 3 Điều 34 của Quy tắc VTA sẽ được tạm ứng sau khi Hội đồng Trọng tài được thành lập. VTA tham khảo ý kiến của Hội đồng Trọng tài để lập dự tính, quyết định một bên hoặc các bên phải tạm ứng các chi phí này và thông báo cho các bên biết. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của VTA, bên hoặc các bên được yêu cầu phải tạm ứng đủ các chi phí này, trừ khi các bên có thoả thuận khác. Nếu các chi phí này không được tạm ứng đủ, VTA có thể yêu cầu Hội đồng Trọng tài tạm dừng giải quyết vụ tranh chấp. Trong trường hợp này, một bên có thể tạm ứng thay cho bên kia theo yêu cầu của VTA để quá trình tố tụng trọng tài được tiếp tục. Nếu các chi phí này không được tạm ứng đủ thì Hội đồng Trọng tài có thể tạm dừng việc giải quyết vụ tranh chấp.

Các chi phí nêu tại khoản 4 Điều 34 của Quy tắc VTA được nộp theo Quy định tại Khoản 3 và 4 Điều 19 của Quy tắc VTA.
 

Go Top

32. Phí trọng tài có thể nộp từng phần được không?

VTA không có quy định về việc nộp phí từng phần. Theo Điều 35 Quy tắc VTA, khi nộp Đơn khởi kiện hoặc Đơn kiện lại, các bên phải nộp đủ phí trọng tài.

Go Top

33. Phí trọng tài được nộp tại đâu?

Phí trọng tài được nộp vào tài khoản của VTA như sau:
Tài khoản số: 1339007 (VND)
Tên ngân hàng: Ngân hàng ACB – CN Nguyễn Văn Trỗi
Tên người thụ hưởng:  Trung tâm Trọng tài Thương nhân Việt Nam
 

Go Top

34. Trường hợp một bên không nộp phí trọng tài thì Đơn khởi kiện, Đơn kiện lại có được chấp nhận giải quyết hay không?

Theo Khoản 1 Điều 35 Quy tắc VTA, trường hợp Nguyên đơn không nộp phí trọng tài đối với Đơn khởi kiện trong thời hạn do VTA ấn định thì được coi là rút Đơn khởi kiện nhưng không ảnh hưởng đến quyền được nộp lại Đơn khởi kiện.

Theo Khoản 2 Điều 35 Quy tắc VTA, trường hợp Bị đơn không nộp phí trọng tài đối với Đơn kiện lại trong thời hạn do VTA ấn định thì được coi là rút Đơn kiện lại.
 

Go Top

35. Bên nào phải trả phí trọng tài? Phí trọng tài được phân bổ như thế nào?

Theo Khoản 3 Điều 34 Luật Trọng tài thương mại, bên thua kiện chịu phí trọng tài trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác hoặc quy tắc tố tụng trọng tài quy định khác hoặc Hội đồng trọng tài có sự phân bổ khác.

Theo Khoản 1 Điều 36 Quy tắc VTA, phí trọng tài do Hội đồng trọng tài phân bổ trừ khi các bên có thoả thuận khác. Hội đồng Trọng tài có quyền quyết định một bên phải trả toàn bộ hoặc một phần chi phí pháp lý hoặc chi phí hợp lý khác của bên kia.
 

Go Top

36. Phí luật sư có nằm trong trị giá vụ tranh chấp hay không và có phải nộp phí trọng tài cho yêu cầu phí luật sự không?

Khi tính phí trọng tài, VTA không tính yêu cầu đòi phí luật sư vào trị giá vụ tranh chấp hay nói cách khác VTA không tính phí trọng tài đối với yêu cầu đòi phí luật sư.

Go Top

37. Việc hoàn phí trọng tài được quy định như thế nào và mức hoàn phí là như thế nào? Những trường hợp nào được hoàn phí trọng tài, những trường hợp nào không được hoàn phí trọng tài ?

Phí trọng tài được hoàn trả trong các trường hợp sau đây:

1.1.    Trường hợp rút Đơn khởi kiện; sửa đổi, bổ sung Đơn khởi kiện; rút Đơn kiện lại; sửa đổi, bổ sung Đơn kiện lại:

a)    Nếu Đơn khởi kiện; sửa đổi, bổ sung Đơn khởi kiện; Đơn kiện lại; sửa đổi, bổ sung Đơn kiện lại được rút trước khi Hội đồng Trọng tài được thành lập, VTA hoàn trả 70% phí trọng tài.
b)    Nếu Đơn khởi kiện; sửa đổi, bổ sung Đơn khởi kiện; Đơn kiện lại; sửa đổi, bổ sung Đơn kiện lại được rút sau khi Hội đồng Trọng tài được thành lập, VTA hoàn trả 40% phí trọng tài. 
c)    Nếu Đơn khởi kiện; sửa đổi, bổ sung Đơn khởi kiện; Đơn kiện lại; sửa đổi, bổ sung Đơn kiện lại được rút sau khi VTA gửi Giấy triệu tập Phiên họp giải quyết vụ tranh chấp và trước ngày mở phiên họp giải quyết vụ tranh chấp, VTA hoàn trả 20% phí trọng tài.

1.2.    Trường hợp Hội đồng Trọng tài ra Quyết định đình chỉ giải quyết vụ tranh chấp do thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được, VTA hoàn trả 70% phí trọng tài.

1.3.    Trường hợp Hội đồng Trọng tài ra Quyết định đình chỉ giải quyết vụ tranh chấp khi có Quyết định của Tòa án cho rằng tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Trọng tài, VTA hoàn trả 20% phí trọng tài.
 

Go Top

38. Phí luật sư có được chấp nhận tại trọng tài hay không?

Theo Khoản 2 Điều 36 Quy tắc VTA, Hội đồng Trọng tài có quyền quyết định một bên phải trả toàn bộ hoặc một phần chi phí pháp lý hoặc chi phí hợp lý khác của bên kia.

Go Top

39. Bên nào phải trả chi phí triệu tập người làm chứng?

Theo Khoản 1 Điều 20 Quy tắc VTA, chi phí cho người làm chứng do bên yêu cầu triệu tập người làm chứng chịu hoặc do Hội đồng trọng tài phân bổ.

Go Top

40. Bên nào phải trả chi phí giám định, định giá tài sản?

Theo Khoản 3 Điều 19 Quy tắc VTA, phí giám định, định giá tài sản do bên yêu cầu nộp hoặc do Hội đồng trọng tài phân bổ.

Go Top

41. Bên nào phải trả chi phí tham vấn chuyên gia?

Theo Khoản 4 Điều 19 Quy tắc VTA, chi phí tham vấn chuyên gia do bên yêu cầu chịu hoặc do Hội đồng trọng tài phân bổ.

Go Top

42. Nguyên đơn có thể rút Đơn khởi kiện, Bị đơn có thể rút Đơn kiện lại được không và vào thời điểm nào?

Theo Khoản 1 Điều 14 Quy tắc VTA, trước khi Hội đồng Trọng tài lập Phán quyết trọng tài, các bên có quyền rút Đơn khởi kiện, Đơn kiện lại.

Go Top

43. Nguyên đơn có thể sửa đổi bổ sung Đơn khởi kiện, Bị đơn có thể sửa đổi, bổ sung Đơn kiện lại và/hoặc Bản tự bảo vệ được không và vào thời điểm nào?

Theo Khoản 2 Điều 14 Quy tắc VTA, các bên có thể sửa đổi, bổ sung Đơn khởi kiện, Đơn kiện lại, Bản tự bảo vệ và Bản tự bảo vệ đối với Đơn kiện lại trước thời điểm kết thúc phiên họp cuối cùng giải quyết vụ tranh chấp. Việc sửa đổi, bổ sung này phải được lập thành văn bản với số bản theo quy định tại khoản 1 Điều 3 của Quy tắc. Hội đồng Trọng tài có quyền không chấp nhận các sửa đổi, bổ sung này nếu thấy rằng các sửa đổi, bổ sung đó bị lạm dụng nhằm gây khó khăn, trì hoãn việc ra Phán quyết trọng tài hoặc vượt quá phạm vi thỏa thuận trọng tài áp dụng cho vụ tranh chấp.

Go Top

44. Hội đồng trọng tài có bao nhiêu Trọng tài viên? Nếu các bên không có thỏa thuận về số lượng Trọng tài viên thì tranh chấp được giải quyết bởi Hội đồng Trọng tài có bao nhiêu Trọng tài viên?

Theo Điều 11 Quy tắc VTA, vụ tranh chấp được giải quyết bởi Hội đồng Trọng tài gồm ba Trọng tài viên hoặc Trọng tài viên duy nhất. Trong trường hợp các bên không có thỏa thuận vụ tranh chấp được giải quyết bởi Trọng tài viên duy nhất thì vụ tranh chấp được giải quyết bởi Hội đồng Trọng tài gồm ba Trọng tài viên.

Go Top

45. Việc thành lập Hội đồng Trọng tài gồm ba Trọng tài viên được tiến hành như thế nào ?

Việc thành lập Hội đồng Trọng tài gồm ba Trọng tài viên được quy định chi tiết tại Điều 12 Quy tắc VTA, tuy nhiên có thể mô tả tóm tắt như sau:
- Nguyên đơn chọn một Trọng tài viên hoặc yêu cầu Chủ tịch VTA chỉ định một Trọng tài viên thay cho Nguyên đơn.
- Bị đơn chọn một Trọng tài viên hoặc yêu cầu Chủ tịch VTA chỉ định một Trọng tài viên thay cho Bị đơn.
- Hai Trọng tài viên được Nguyên đơn, Bị đơn chọn hoặc được Chủ tịch VTA chỉ định sẽ bầu Trọng tài viên thứ ba làm Chủ tịch Hội đồng Trọng tài.
 

Go Top

46. Việc thành lập Hội đồng Trọng tài gồm Trọng tài viên duy nhất được thực hiện như thế nào?

Điều 13 Quy tắc VTA, trừ khi các bên có thỏa thuận khác, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày tiếp theo của ngày Bị đơn nhận được Thông báo, Đơn khởi kiện, thỏa thuận trọng tài và các tài liệu khác có liên quan, các bên phải thống nhất chọn Trọng tài viên duy nhất hoặc yêu cầu VTA chỉ định Trọng tài viên duy nhất và phải thông báo cho VTA. Trong trường hợp tên của người được chọn làm Trọng tài viên duy nhất không có trong Danh sách Trọng tài viên thì các bên phải thông báo cho VTA địa chỉ liên lạc của Trọng tài viên này.

Trong trường hợp VTA không nhận được thông báo, trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày hết thời hạn 30 ngày nêu trên, Chủ tịch VTA ra quyết định chỉ định Trọng tài viên duy nhất.
 

Go Top

47. Trường hợp Bị đơn không chọn Trọng tài viên thì việc thành lập Hội đồng Trọng tài sẽ được tiến hành như thế nào?

Theo Điều 12 và Điều 13 Quy tắc VTA, trong trường hợp các bên không thống nhất được việc chọn Trọng tài viên hoặc Bị đơn không chọn Trọng tài viên, không yêu cầu VTA chỉ định Trọng tài viên thì Chủ tịch VTA sẽ ra quyết định chỉ định Trọng tài viên thay cho các bên.

Go Top

48. Khi có khiếu nại về thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài thì ai có thẩm quyền xem xét khiếu nại và trong thời gian khiếu nại thì tố tụng trọng tài có bị dừng lại hay không?

Điều 28 Quy tắc VTA quy định như sau:

1. Hội đồng Trọng tài có thẩm quyền quyết định về thẩm quyền của chính mình, cho dù có phản đối về sự tồn tại hoặc hiệu lực của thỏa thuận trọng tài. Điều khoản trọng tài là một phần của hợp đồng được coi là một thỏa thuận độc lập với các điều khoản khác của hợp đồng. Quyết định của Hội đồng Trọng tài rằng hợp đồng vô hiệu không làm mất hiệu lực của thỏa thuận trọng tài.

2. Trước khi xem xét nội dung của vụ tranh chấp, Hội đồng Trọng tài phải xem xét sự tồn tại của thỏa thuận trọng tài, hiệu lực của thỏa thuận trọng tài, thỏa thuận trọng tài có thể thực hiện được hay không và xem xét phạm vi thẩm quyền của mình cho dù có hay không có khiếu nại của một bên về các vấn đề này.
Trong trường hợp Hội đồng Trọng tài cho rằng thỏa thuận trọng tài có tồn tại, thỏa thuận trọng tài có hiệu lực và thỏa thuận trọng tài có thể thực hiện được thì Hội đồng Trọng tài tiếp tục giải quyết vụ tranh chấp.

Trong trường hợp Hội đồng Trọng tài cho rằng thỏa thuận trọng tài không tồn tại hoặc thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được thì Hội đồng Trọng tài ra Quyết định đình chỉ giải quyết vụ tranh chấp.

3. Hội đồng Trọng tài có thể lập riêng Quyết định về thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài hoặc quyết định vấn đề thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài trong Phán quyết trọng tài.

4. Trong quá trình giải quyết tranh chấp, nếu phát hiện Hội đồng Trọng tài vượt quá thẩm quyền, các bên có quyền khiếu nại với Hội đồng Trọng tài. Hội đồng Trọng tài phải xem xét, quyết định

 

Go Top

49. Hội đồng trọng tài có thẩm quyền ban hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không?

Theo Khoản 2 Điều 49 Luật Trọng tài thương mại, Hội đồng trọng tài có thể áp dụng một hoặc một số biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với các bên tranh chấp. Các biện pháp khẩn cấp tạm thời bao gồm:

a) Cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp;

b) Cấm hoặc buộc bất kỳ bên tranh chấp nào thực hiện một hoặc một số hành vi nhất định nhằm ngăn ngừa các hành vi ảnh hưởng bất lợi đến quá trình tố tụng trọng tài;

c) Kê biên tài sản đang tranh chấp;

d) Yêu cầu bảo tồn, cất trữ, bán hoặc định đoạt bất kỳ tài sản nào của một hoặc các bên tranh chấp;

đ) Yêu cầu tạm thời về việc trả tiền giữa các bên;

e) Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp.

 

Go Top

50. Hội đồng Trọng tài có thẩm quyền thu thập chứng cứ hay không?

Theo Điều 46 Luật Trọng tài thương mại, các bên có quyền và nghĩa vụ cung cấp chứng cứ cho Hội đồng trọng tài và theo yêu cầu của một hoặc các bên, Hội đồng trọng tài có quyền yêu cầu người làm chứng cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan, có quyền trưng cầu giám định, định giá tài sản, có quyền tham vấn ý kiến chuyên gia và nếu đã áp dụng các biện pháp cần thiết mà vẫn không thu thập được chứng cứ, Hội đồng trọng tài có thể gửi đơn yêu cầu Toà án hỗ trợ.

Go Top

51. Hội đồng trọng tài có thẩm quyền triệu tập người làm chứng hay không?

Căn cứ điều 47 Luật Trọng tài thương mại, theo yêu cầu của một hoặc các bên và xét thấy cần thiết, Hội đồng trọng tài có quyền yêu cầu người làm chứng có mặt tại phiên họp giải quyết tranh chấp. Chi phí cho người làm chứng do bên yêu cầu triệu tập người làm chứng chịu hoặc do Hội đồng trọng tài phân bổ. Trường hợp người làm chứng đã được Hội đồng trọng tài triệu tập hợp lệ mà không đến phiên họp nhưng không có lý do chính đáng và việc vắng mặt của họ gây cản trở cho việc giải quyết tranh chấp, thì Hội đồng trọng tài gửi văn bản đề nghị Tòa án có thẩm quyền ra quyết định triệu tập người làm chứng đến phiên họp của Hội đồng trọng tài. 

Go Top

52. Các bên có thể thỏa thuận địa điểm trọng tài được không? Trường hợp các bên không có thỏa thuận thì địa điểm trọng tài được xác định như thế nào?

Theo Điều 22 Quy tắc VTA, địa điểm trọng tài do các bên thỏa thuận. Trong trường hợp không có thỏa thuận thì Hội đồng Trọng tài quyết định địa điểm trọng tài mà Hội đồng Trọng tài cho là phù hợp. Trừ khi các bên có thỏa thuận khác, Hội đồng Trọng tài có thể tiến hành các phiên họp giải quyết vụ tranh chấp tại bất kỳ nơi nào mà Hội đồng Trọng tài cho là phù hợp. Hội đồng Trọng tài có thể tổ chức các cuộc họp bằng hình thức và tại bất kỳ nơi nào mà Hội đồng Trọng tài cho là phù hợp.

Go Top

53. Các bên có thể thỏa thuận ngôn ngữ trọng tài được không? Trường hợp các bên không có thỏa thuận thì ngôn ngữ trọng tài được xác định như thế nào?

Điều 23 Quy tắc VTA quy định như sau:

1. Đối với vụ tranh chấp không có yếu tố nước ngoài, ngôn ngữ trọng tài là tiếng Việt.

2. Đối với vụ tranh chấp có yếu tố nước ngoài hoặc vụ tranh chấp trong đó có ít nhất một bên là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, ngôn ngữ trọng tài do các bên thỏa thuận. Trong trường hợp các bên không có thỏa thuận, Hội đồng Trọng tài quyết định ngôn ngữ hoặc các ngôn ngữ sử dụng trong tố tụng trọng tài, có tính đến các yếu tố có liên quan bao gồm ngôn ngữ của hợp đồng.

3. Nếu một tài liệu được lập bằng ngôn ngữ không phải là ngôn ngữ trọng tài thì Hội đồng Trọng tài hoặc Trung tâm, nếu Hội đồng Trọng tài chưa được thành lập, có thể yêu cầu một bên hoặc các bên cung cấp bản dịch.
 

Go Top

54. Các bên có thể thỏa thuận luật áp dụng để giải quyết vụ tranh chấp được không? Trường hợp các bên không có thỏa thuận thì việc xác định luật áp dụng được thực hiện như thế nào?

Điều 24 Quy tắc VTA quy định như sau:

1. Đối với vụ tranh chấp không có yếu tố nước ngoài, Hội đồng Trọng tài áp dụng pháp luật Việt Nam.

2. Đối với vụ tranh chấp có yếu tố nước ngoài, Hội đồng Trọng tài áp dụng pháp luật do các bên thỏa thuận; trong trường hợp các bên không có thỏa thuận về pháp luật áp dụng thì Hội đồng Trọng tài quyết định áp dụng pháp luật mà Hội đồng Trọng tài cho là phù hợp nhất.

3. Trong mọi trường hợp, Hội đồng Trọng tài phải xem xét các điều khoản của hợp đồng, nếu có, để giải quyết vụ tranh chấp.

4. Hội đồng Trọng tài có thể áp dụng tập quán thích hợp để giải quyết vụ tranh chấp
 

Go Top

55. . Những ai có quyền tham dự phiên họp giải quyết vụ tranh chấp?

Khoản 3 Điều 25 Quy tắc VTA quy định như sau: Phiên họp giải quyết vụ tranh chấp không công khai, trừ khi các bên có thỏa thuận khác. Các bên có quyền mời người làm chứng, mời người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp tham dự phiên họp giải quyết vụ tranh chấp và phải thông báo cho Hội đồng Trọng tài trước ngày mở phiên họp giải quyết vụ tranh chấp. Hội đồng Trọng tài tự mình hoặc theo yêu cầu của một bên, có quyền mời tổ chức, cá nhân giám định, định giá tài sản và chuyên gia theo quy định tại Điều 19 của Quy tắc tham dự phiên họp giải quyết vụ tranh chấp. Trong trường hợp có sự đồng ý của các bên, Hội đồng Trọng tài có thể cho phép những người khác tham dự phiên họp giải quyết vụ tranh chấp.

Go Top

56. Các bên có thể ghi âm hoặc quay phim tại phiên họp giải quyết vụ tranh chấp hay không?

Theo Khoản 1 Điều 55 Luật Trọng tài thương mại, phiên họp giải quyết tranh chấp là không công khai, trừ khi có thoả thuận khác của các bên. Như vậy, việc ghi âm hoặc quay phim là không được phép trừ khi các bên có thoả thuận chấp nhận việc này.

Go Top

57. Trọng tài có thể tiến hành phiên họp khi một bên hoặc cả hai bên vắng mặt được không?

Theo Khoản 3 và Khoản 4 Điều 27 Quy tắc VTA, theo yêu cầu của các bên, Hội đồng Trọng tài có thể căn cứ vào tài liệu và chứng cứ hiện có để tiến hành phiên họp giải quyết vụ tranh chấp mà không cần sự có mặt của các bên. Hội đồng Trọng tài có thể tiến hành phiên họp giải quyết vụ tranh chấp kể cả khi có một bên yêu cầu được vắng mặt.

Go Top

58. Trường hợp nào thì một bên có quyền yêu cầu hoãn phiên họp? Việc yêu cầu hoãn phiên họp phải có những điều kiện kiện gì? Bên nào phải chịu chi phí phát sinh do hoãn phiên họp

Theo Khoản 1 Điều 26 Quy tắc VTA, nếu có lý do chính đáng, một bên hoặc các bên có thể yêu cầu Hội đồng Trọng tài hoãn phiên họp giải quyết vụ tranh chấp. Yêu cầu hoãn phiên họp giải quyết vụ tranh chấp phải bằng văn bản, nêu rõ lý do, kèm theo chứng cứ và gửi tới Trung tâm. Trong trường hợp Trung tâm không nhận được yêu cầu hoãn trước ngày mở phiên họp giải quyết vụ tranh chấp chậm nhất là 07 ngày làm việc thì bên yêu cầu hoãn phải chịu mọi chi phí phát sinh, nếu có. Hội đồng Trọng tài quyết định chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu hoãn, thời hạn hoãn và thông báo cho các bên.

Go Top

59. Trường hợp nào thì vụ tranh chấp được đình chỉ giải quyết?

Theo Khoản 1 Điều 30 Quy tắc VTA, vụ tranh chấp được đình chỉ trong các trường hợp sau đây:

a) Nguyên đơn hoặc Bị đơn là cá nhân đã chết mà quyền và nghĩa vụ của họ không được thừa kế; Nguyên đơn hoặc Bị đơn là tổ chức đã chấm dứt hoạt động, bị phá sản, giải thể, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách hoặc chuyển đổi hình thức tổ chức mà không có tổ chức nào tiếp nhận quyền và nghĩa vụ của tổ chức đó;

b) Nguyên đơn rút Đơn khởi kiện, trừ trường hợp Bị đơn có Đơn kiện lại;

c) Nguyên đơn được coi là đã rút Đơn khởi kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 27 của Quy tắc, trừ trường hợp Bị đơn có yêu cầu tiếp tục giải quyết vụ tranh chấp;

d) Các bên thỏa thuận chấm dứt giải quyết vụ tranh chấp;

đ) Khi có Quyết định của Hội đồng Trọng tài theo quy định tại khoản 2 Điều 28 của Quy tắc;

e) Khi có Quyết định của Tòa án theo quy định của pháp luật.
 

Go Top

60. Phán quyết trọng tài được lập theo nguyên tắc nào?

Theo Điều 31 Quy tắc VTA, trong trường hợp Hội đồng Trọng tài gồm ba Trọng tài viên, Phán quyết trọng tài và các Quyết định của Hội đồng Trọng tài được lập theo nguyên tắc đa số. Nếu không đạt được đa số, Phán quyết trọng tài và các Quyết định của Hội đồng Trọng tài được quyết định bởi Chủ tịch Hội đồng Trọng tài.

Go Top

61. Phán quyết trọng tài có thể bị kháng cáo không?

Theo Khoản 5 Điều 4 Luật Trọng tài thương mại, phán quyết trọng tài là chung thẩm

Go Top

62. Phán quyết trọng tài được lập bằng hình thức nào và gồm những nội dung gì?

Theo Khoản 1 Điều 32 Quy tắc VTA, Phán quyết trọng tài phải được lập bằng văn bản và có các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Ngày, tháng, năm và địa điểm lập Phán quyết trọng tài;
b) Tên, địa chỉ của Nguyên đơn và Bị đơn;
c) Tên của các Trọng tài viên hoặc Trọng tài viên duy nhất;
d) Tóm tắt Đơn khởi kiện và các vấn đề tranh chấp; tóm tắt Đơn kiện lại và các vấn đề tranh chấp (nếu có);
đ) Căn cứ lập Phán quyết trọng tài, trừ khi các bên thỏa thuận không cần nêu căn cứ trong Phán quyết trọng tài;
e) Kết quả giải quyết vụ tranh chấp;
g) Thời hạn thi hành Phán quyết trọng tài;
h) Phân bổ phí trọng tài và các chi phí khác có liên quan;
i)  Chữ ký của các Trọng tài viên hoặc Trọng tài viên duy nhất.
 

Go Top

63. Có cơ chế sửa chữa và giải thích Phán quyết trọng tài; lập Phán quyết trọng tài bổ sung hay không?

Cơ chế sửa chữa và giải thích Phán quyết trọng tài; lập Phán quyết trọng tài bổ sung được quy định tại Điều 33 Quy tắc VTA, cụ thể như sau:

Điều 33. Sửa chữa và giải thích Phán quyết trọng tài; lập Phán quyết trọng tài bổ sung

1. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được Phán quyết trọng tài, trừ khi các bên có thỏa thuận khác về thời hạn, một bên có thể yêu cầu Hội đồng Trọng tài sửa lỗi chính tả, lỗi in, lỗi đánh máy và các lỗi khác có bản chất tương tự; lỗi số liệu do nhầm lẫn hoặc tính toán sai trong Phán quyết trọng tài và phải thông báo ngay cho bên kia. Nếu Hội đồng Trọng tài thấy yêu cầu này là chính đáng và có chứng cứ về việc yêu cầu này đã được thông báo cho bên kia thì phải lập Quyết định sửa chữa trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu.

2. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày lập Phán quyết trọng tài, Hội đồng Trọng tài có thể chủ động lập Quyết định sửa chữa các lỗi trên.

3. Trừ khi các bên có thỏa thuận khác về thời hạn, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được Phán quyết trọng tài, một bên có thể yêu cầu Hội đồng Trọng tài giải thích Phán quyết trọng tài và phải thông báo ngay cho bên kia. Nếu Hội đồng Trọng tài thấy yêu cầu này là chính đáng và có chứng cứ về việc yêu cầu này đã được thông báo cho bên kia thì phải lập Quyết định giải thích trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu.

4. Trừ khi các bên có thỏa thuận khác về thời hạn, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được Phán quyết trọng tài, một bên có thể yêu cầu Hội đồng Trọng tài lập Phán quyết trọng tài bổ sung đối với các yêu cầu đã được trình bày trong quá trình tố tụng trọng tài nhưng không được ghi trong Phán quyết trọng tài và phải thông báo ngay cho bên kia. Nếu Hội đồng Trọng tài thấy yêu cầu này là chính đáng và có chứng cứ về việc yêu cầu này đã được thông báo cho bên kia thì phải lập Phán quyết trọng tài bổ sung trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu.

5. Trong trường hợp cần thiết, Hội đồng Trọng tài có thể gia hạn thời hạn sửa chữa, giải thích Phán quyết trọng tài hoặc lập Phán quyết trọng tài bổ sung theo quy định tại các khoản 1, 3 và 4 Điều này.

6. Quyết định sửa chữa, Quyết định giải thích hoặc Phán quyết trọng tài bổ sung là một phần của Phán quyết trọng tài.

7. Việc sửa chữa, giải thích Phán quyết trọng tài và việc lập Phán quyết trọng tài bổ sung thực hiện theo nguyên tắc quy định tại Điều 31 và khoản 2 Điều 32 của Quy tắc.
 

Go Top

64. Phán quyết trọng tài VTA được thi hành theo trình tự như thế nào?

Để biết trình tự thi hành phán quyết trọng tài các bên cần xác định phán quyết trọng tài sẽ được thi hành tại Việt Nam hay tại nước ngoài.

Trường hợp thi hành tại Việt Nam

Theo Khoản 1 Điều 66 Luật Trọng tài thương mại, nếu hết thời hạn thi hành phán quyết trọng tài mà bên phải thi hành phán quyết không tự nguyện thi hành, bên được thi hành phán quyết trọng tài có quyền làm đơn yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài. Theo Khoản 1 Điều 8 Luật Trọng tài thương mại, cơ quan thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi Hội đồng Trọng tài ra phán quyết là cơ quan có thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài.

Như vậy, để tiến hành thủ tục yêu cầu thi hành phán quyết trọng tài, bên yêu cầu thi hành phán quyết trọng tài phải làm Đơn yêu cầu thi hành phán quyết trọng tài và nộp tại cơ quan thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi Hội đồng Trọng tài ra phán quyết trọng tài. Để xác định nơi Hội đồng Trọng tài ra phán quyết trọng tài, các bên cần dựa vào phán quyết trọng tài, trong đó chỉ rõ nơi lập phán quyết trọng tài. Ví dụ: Nếu phán quyết trọng tài ghi nơi lập phán quyết trọng tài là tại Hà Nội thì Đơn yêu cầu thi hành phán quyết trọng tài sẽ  được nộp tại Cục thi hành án dân sự thành phố Hà Nội (Địa chỉ: 142 Trần Phú, Văn Mỗ, Hà Đông, Hà Nội. Điện thoại:+84 4 3382 5097). Nếu phán quyết trọng tài ghi nơi lập phán quyết trọng tài là tại thành phố Hồ Chí Minh thì Đơn yêu cầu thi hành phán quyết trọng tài sẽ  được nộp tại Cục thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh (Địa chỉ: 200C Võ Văn Tần, Phường 5, Quận 3, Tp.Hồ Chí Minh. Điện thoại: +84 8 39292146. Email: hochiminh@moj.gov.vn )

Theo Điều 31 Luật thi hành án dân sự năm 2008. Đơn yêu cầu thi hành án có các nội dung chính sau đây:

a) Họ, tên, địa chỉ của người yêu cầu;
b) Tên cơ quan thi hành án dân sự nơi yêu cầu;
c) Họ, tên, địa chỉ của người được thi hành án; người phải thi hành án;
d) Nội dung yêu cầu thi hành án;
đ) Thông tin về tài sản hoặc điều kiện thi hành án của người phải thi hành án.

Người làm đơn yêu cầu thi hành án phải ghi rõ ngày, tháng, năm và ký tên hoặc điểm chỉ; trường hợp là pháp nhân thì phải có chữ ký của người đại diện hợp pháp và đóng dấu của pháp nhân. Kèm theo đơn yêu cầu thi hành án, phải có bản án, quyết định được yêu cầu thi hành và tài liệu khác có liên quan, nếu có. Đơn yêu cầu thi hành án có thể nộp trực tiếp tại cơ quan thi hành án dân sự hoặc gửi qua bưu điện. Ngày gửi đơn yêu cầu thi hành án được tính từ ngày người yêu cầu thi hành án nộp đơn hoặc ngày có dấu bưu điện nơi gửi (Điều 32 Luật thi hành án dân sự).

Trường hợp thi hành phán quyết trọng tài VTA tại nước ngoài

Việc thi hành phán quyết trọng tài tại nước ngoài sẽ được thực hiện theo thủ tục quy định tại Công ước New York năm 1958 về công nhận và thi hành các phán quyết trọng tài nước ngoài (Công ước New York) và pháp luật của quốc gia, vùng lãnh thổ nơi bên phải thi hành phán quyết trọng tài.
Theo Điều IV Công ước New York, để đạt được việc công nhận và thi hành một phán quyết trọng tài, bên yêu cầu công nhận và thi hành, khi nộp đơn yêu cầu phải cung cấp:

a)  Bản chính hoặc bản sao hợp pháp phán quyết trọng tài;
b)  Bản chính hoặc bản sao hợp pháp thỏa thuận trọng tài.

Nếu phán quyết hoặc thỏa thuận nói trên không được lập bằng thứ tiếng chính thức của nước nơi phán quyết sẽ được thi hành, bên yêu cầu công nhận và thi hành phán quyết trọng tài phải xuất trình bản dịch các tài liệu đó ra thứ tiếng nói trên. Bản dịch phải được chứng nhận bởi một thông dịch viên chính thức hay đã tuyên thệ hoặc bởi một cơ quan ngoại giao hoặc lãnh sự.

Do mỗi quốc gia có quy định khác nhau về trình tự, thủ tục công nhận và thi hành phán quyết trọng tài nên các bên cần tìm hiểu kỹ pháp luật của nước, vùng lãnh thổ nơi được yêu cầu công nhận và thi hành phán quyết trọng tài. Nơi được yêu cầu công nhận và thi hành phán quyết trọng tài thường là nơi bên phải thi hành có trụ sở chính hoặc nơi có tài sản của bên phải thi hành.

Các bên cần liên hệ với luật sư của nước nơi được yêu cầu công nhận và thi hành phán quyết trọng tài để được tư vẫn, hỗ trợ. Các bên cũng có thể liên hệ với cơ quan đại diện ngoại giao, thương mại của Việt Nam tại quốc gia nơi yêu cầu thi hành phán quyết trọng tài để được hỗ trợ và cung cấp các thông tin về luật sư.
Ví dụ: Trường hợp phán quyết trọng tài nước ngoài muốn được thi hành tại Việt Nam thì sẽ được thi hành theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự và Luật thi hành án dân sự:

Theo Điều 364 Bộ luật tố tụng dân sự, bên muốn yêu cầu công nhận và thi hành quyết định trọng tài nước ngoài tại Việt Nam phải làm Đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định của Trọng tài nước ngoài (Đơn yêu cầu). Đơn yêu cầu phải được gửi đến Bộ Tư pháp Việt Nam (Địa chỉ: 60 Trần Phú, Ba Đình, Hà Nội. Điện thoại: 04.62739450. Fax:  04.62739359. Email: plqt@moj.gov.vn ) và phải có các nội dung chính sau đây:

a)  Họ, tên, địa chỉ nơi cư trú hoặc nơi làm việc của người được thi hành, người đại diện hợp pháp tại Việt Nam của người đó; nếu người được thi hành án là cơ quan, tổ chức thì phải ghi đầy đủ tên và địa chỉ trụ sở chính của cơ quan, tổ chức đó;
b)  Họ, tên, địa chỉ nơi cư trú hoặc nơi làm việc của người phải thi hành; nếu người phải thi hành là cơ quan, tổ chức thì ghi đầy đủ tên và địa chỉ trụ sở chính của cơ quan, tổ chức đó; trường hợp người phải thi hành là cá nhân không có nơi cư trú hoặc nơi làm việc tại Việt Nam, người phải thi hành là cơ quan, tổ chức không có trụ sở chính tại Việt Nam thì trong đơn yêu cầu còn phải ghi rõ địa chỉ nơi có tài sản và các loại tài sản liên quan đến việc thi hành quyết định của Trọng tài nước ngoài tại Việt Nam;
c)  Yêu cầu của người được thi hành.

Đơn yêu cầu bằng tiếng nước ngoài phải được gửi kèm theo bản dịch ra tiếng Việt, được công chứng, chứng thực hợp pháp. Kèm theo đơn yêu cầu phải có: (i) Bản chính hoặc bản sao hợp pháp quyết định trọng tài; (ii) Bản chính hoặc bản sao hợp pháp thỏa thuận trọng tài. Giấy tờ, tài liệu gửi kèm theo đơn yêu cầu bằng tiếng nước ngoài thì phải được gửi kèm theo bản dịch ra tiếng Việt, được công chứng, chứng thực hợp pháp.

Go Top