PHÁP LUẬT VỀ CƠ CHẾ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP TRONG KINH DOANH

18-05-2023 - 11:09

Sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế thị trường ở nước ta trong những năm gần đây đã từng bước khẳng định Việt Nam là bộ phận không thể thiếu được của thị trường thế giới. Tranh chấp trong kinh tế nói chung và trong kinh doanh nói riêng là hệ quả tất yếu của quá trình này cũng trở nên phong phú hơn về chủng loại, phức tạp hơn về tính chấp và quy mô.

Giải quyết các tranh chấp phát sinh trong kinh doanh là đòi hỏi tự thân của các quan hệ kinh tế, do vậy trong phạm vi bài viết này sẽ trao đổi những biện pháp, phương thức giải quyết tranh chấp trong kinh doanh một cách phù hợp nhất, đáp ứng được những yêu cầu trong điều kiện nền kinh tế thị trường là: nhanh chóng, thuận lợi, không làm cản trở và hạn chế các hoạt động kinh doanh; khôi phục và duy trì các quan hệ hợp tác, tín nhiệm giữa các bên trong kinh doanh; giữ bí mật kinh doanh, uy tín của các bên trên thương trường và kinh tế nhất.

Để đáp ứng được các yếu tố đó, khi giải quyết các mâu thuẫn, bất đồng phát sinh trong kinh doanh, mà chủ yếu là giữa các chủ thể kinh doanh thì có 4 phương thức giải quyết tranh chấp trong kinh doanh là: Thương lượng, hòa giải, trọng tài thương mại (TTTM) và Tòa án. Tất nhiên việc lựa chọn hình thức giải quyết nào là quyền của các bên đảm bảo có lợi nhất cho các bên trên cơ sở tôn trọng lợi ích và sự hợp tác.

Thứ nhất, tranh chấp kinh doanh được giải quyết bằng thương lượng: Đây là phương thức giải quyết đầu tiên trong quá trình giải quyết tranh chấp.

Là phương thức được các bên tranh chấp lựa chọn trước tiên và trong thực tiễn phần lớn các tranh chấp trong kinh doanh, thuơng mại được giải quyết bằng phương thức này. Nhà nước khuyến khích áp dụng phương thức tự thương lượng để giải quyết tranh chấp trên tinh thần hoàn toàn tôn trọng quyền thỏa thuận của các bên.

Tuy vậy, có thể thấy rằng chỉ khi tính chất của các tranh chấp là đơn giản, giá trị của các tranh chấp là không nhiều, các bên lại có thiện chí và am hiểu pháp luật thì phương pháp này mới được sử dụng nhiều. Pháp luật nhiều quốc gia luôn khuyến khích các bên tranh chấp sử dụng phương thức thương lượng để tìm kiếm sự thỏa thuận và thống nhất với nhau về cam kết trong kinh doanh. Thương lượng trở thành một điều kiện bắt buộc phải có trước khi các bên áp dụng các phương thức giải quyết tranh chấp khác.

Tranh chấp trong kinh doanh là các tranh chấp rất phức tạp, thế nhưng khi các bên có thiện chí và ngồi lại với nhau để tháo gỡ bất đồng thì nó trở nên rất thuận lợi trong việc giải quyết tranh chấp. Thương lượng là phương thức thể hiện thiện chí của các bên mong muốn giải quyết ổn thỏa những bất đồng một cách nhẹ nhàng và đơn giản nhất.

Thứ hai, tranh chấp kinh doanh được giải quyết bằng hòa giải:  Đây là việc các bên tiến hành thương lượng nhưng với sự hỗ trợ của bên thứ ba.

Hòa giải là một trong những biện pháp giải quyết tranh chấp thương mại ngoài tố tụng được đánh giá cao về tính hiệu quả. Tuy nhiên, ở Việt Nam, biện pháp này lại chưa được các DN “ưa chuộng”. Hệ thống pháp luật về hòa giải hiện hành chủ yếu điều chỉnh hoạt động hòa giải ngoài tố tụng và hòa giải các tranh chấp, bất đồng dân sự ở cơ sở, đời sống cộng đồng. Riêng hòa giải với tính chất là một biện pháp giải quyết tranh chấp thương mại ngoài tố tụng là một khai niệm được ghi nhận tại Điều 317 Luật Thương mại, theo đó “hòa giải giữa các bên do một cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân được các bên thỏa thuận chọn làm trung gian hòa giải” là hình thức giải quyết tranh chấp. Ngày 24/02/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định 22/2017/NĐ- CP về hòa giải thương mại (HGTM) quy định chi tiết trình tự, thủ tục về HGTM.

Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Man (VIAC) là hiện thực hóa quy định tại Luật Thương mại thành Quy tắc hòa giải của VIAC. Đây là bộ quy tắc “nội bộ”, áp dụng cho các DN có nhu cầu đề nghị VIAC làm trung gian hòa giải, trên cơ sở quy định pháp luật và nhu cầu của DN. Ngày 29/05/2018, VIAC đã thành lập Trung tâm Hòa giải Việt Man (VMC), trực thuộc VIAC tại Hà Nội. VMC là đơn vị đầu tin cung cấp dịch vụ HGTM chuyên nghiệp tại Việt Man theo Nghị định 22/2017/NĐ – CP.

Rõ ràng, dù hòa giải trong giải quyết tranh chấp thương mại được đánh giá là có nhiều ưu điểm về thời gian giải quyết ngắn, chi phí tương đối thấp, thủ tục đơn giản và giữ được hòa khí của các bên tranh chấp…Tuy nhiên, hoạt động hòa giải tranh chấp thương mại ở nước ta bước đầu đang từng bước đi vào chuyên nghiệp và quy định hòa giải (như một biện pháp giải quyết tranh chấp) bắt đầu “hiện hữu” trong các hợp đồng giao thương giữa các DN trong nước với nhau và giữa DN trong nước với DN nước ngoài.

Hoạt động hòa giải trong giải quyết tranh chấp thương mại tiếp tục được hoàn thiện và xem như một thiết chế tư pháp và bổ trợ tư pháp (luật sư, TTTM, công chứng, giám định tư pháp) để hỗ trợ các DN xử lý tranh chấp khi tham gia hoạt động thương mại quốc tế. Đồng thời, để hòa giải có thể được các DN lựa chọn như một biện pháp giải quyết tranh chấp cần có cơ chế hỗ trợ tư pháp đối với việc giải quyết các tranh chấp. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện một đội ngũ hòa giải viên có năng lực và các trung tâm hòa giải chuyên nghiệp ở Việt Nam.

Thứ ba, tranh chấp kinh doanh được giải quyết bằng Trọng tài: Đây là một hình thức giải quyết tranh chấp không thể thiếu trong quá trình phát triển và được các chủ thể ưa chuộng.

Thông tin từ Bộ KH & ĐT cho biết, tính đến tháng 6/2018 hiện cả nước có gần 60.000 DN đăng ký hoạt động. Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đã dẫn đến các tranh chấp thương mại, đầu tư có yếu tố nước ngoài ngày càng trở nên phước tạp. Giải quyết tranh chấp trong kinh doanh quốc tế bằng phương thức Trọng tài đang được cộng đồng DN trên thế giới ưa chuộng. Bởi Trọng tài có các điểm ưu việt đó là: tính chung thẩm và hiệu lực của quyết định Trọng tài đối với việc giải quyết tranh chấp trong kinh doanh quốc tế, tính bí mật, liên tục, linh hoạt, tiết kiệm thời gian, duy trì được quan hệ đối tác và cho phép các bên sử dụng kinh nghiệm của các chuyên gia trong quá trình giải quyết tranh chấp.

TTTM là phương thức giải quyết tranh chấp khá phổ biến trên thế giới, nhất là tại những nước có nền kinh tế thị trường phát triển. Thống kê cho thấy, trung bình Tòa án Trọng tài quốc tế của Phòng Thương mại Quốc tế (ICC) đã thụ lý hơn 500 vụ việc mỗi năm. Các tổ chức trọng tài quốc tế khác cũng tiếp nhận và giải quyết một số lượng vụ việc tương đối lớn.

Tại Việt Nam, tuy vẫn còn xa lạ với nhiều DN, nhưng trọng tài cũng được khuyến khích sử dụng trong một loạt các luật như Luật Thương mại, Luật Đầu tư, Luật DN, Bộ luật Hàng hải….Hiện nay, Việt Nam đã có Luật TTTM là văn bản quy định khá chi tiết về trọng tài, trình tự giải quyết tranh chấp bằng trọng tài. Trọng tài vốn phổ biến và được sử dụng rộng rãi trong thương mại quốc tế bởi có nhiều tính ưu việt, đáp ứng được nhu cầu của các DN. Lợi thế đầu tiên khi DN lựa chọn hình thức giải quyết tranh chấp này là thủ tục tố tụng linh hoạt. Đây là một trong những tiêu chí mà các DN thường quan tâm khi lựa chọn hình thức giải quyết tranh chấp.

Cùng với nền kinh tế thị trường và quá trình hội nhập ngày càng đi vào chiều sâu, các tranh chấp thương mai đang phát sinh ngày càng nhiều với tính chất phức tạp ngày càng cao. Với những điểm ưu việt như trên, trọng tài là phương thức giải quyết tranh chấp đang được giới luật gia quốc tế và trong nước khuyến cáo sử dụng để tiết kiệm thời gian và chi phí cho DN, đồng thời làm giảm sự quá tải về số lượng vụ việc cho hệ thống tòa án.

Xu hướng lựa chọn hình thức giải quyết tranh chấp thương mại và đầu tư trên thế giới thì với Dn, vấn đề thắng thua trong tranh chấp không nặng nề như đối với người dân bình thường về mặt giá trị, song lại nặng nề về uy tín thương mại. DN, thương nhân mất hợp đồng này, có thể có hợp đồng khác. Đó chính là điểm mà việc giải quyết tranh chấp theo hình thức Trọng tài có được lợi thế để phát huy, do vậy, trong các quan hệ thương mại và đầu tư quốc tế, các DN, thương nhân ở các nước thường có xu hướng lựa chọn TTTM để giải quyết các tranh chấp với nhau và TTTM quốc tế để giải quyết tranh chấp với các đối tác nước ngoài.

Thứ tư, tranh chấp kinh doanh thương mại được giải quyết bằng Tòa án: Cách thức giải quyết truyền thống.

Mấy năm trở lại đây, do những diễn biến phức tạp của đời sống xã hội nên các tranh chấp kinh doanh, thương mại cũng ngày càng nhiều và phức tạp hơn, một trong số những việc đó là những tranh chấp liên quan đến kinh doanh, thương mại. Phản ánh một thực tế về sự gia tăng của các tranh chấp kinh tế cũng như những loại án đặc thù, mới phát sinh mà để giải quyết ổn thỏa, đảm bảo quyền lợi cho các bên là một công việc không phải đơn giản. Theo quy định tại Bộ luật Tố tụng Dân sự (BLTTDS) thì tranh chấp về kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án rất đa dạng, phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực kinh tế, trong đó có tranh chấp vừa được điều chỉnh bởi quy định của Bộ luật Dân sự, vừa được điều chỉnh bởi Luật chuyên ngành. Chính vì lý do này mà việc xét xử các tranh chấp kinh doanh, thương mại tại một số Tòa án còn lúng túng, vướng mắc hoặc sai lầm khi áp dụng quy định của Bộ luật Dân sự và quy định của Luật chuyên ngành như Luật Thương mại (thường xảy ra khi giải quyết các tranh chấp về hợp đồng mua bán tài sản đã được quy định trong Bộ luật Dân sự), hợp đồng mua bán hàng hóa (được quy định trong Luật Thương mại), về hợp đồng dịch vụ (quy định trong Bộ luật Dân sự), hợp đồng cung ứng dịch vụ (được quy định trong Luật Thương mại), hợp đồng liên kết, liên doanh, hợp đồng hợp tác kinh doanh….theo quy định của Luật DN và Luật Đầu tư, hợp đồng bảo hiểm (quy định trong Luật Kinh doanh bảo hiểm)…

Trong điều kiện kinh tế ngày càng phát triển, các tranh chấp về kinh doanh, thương mại ngày càng đa dạng và phức tạp. Mặt khác khi nước ta đã gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Nhiều quan hệ kinh tế cũng mang những diện mạo sắc thái mới. Tương ứng với sự đa dạng phong phú của các quan hệ này, các tranh chấp kinh tế ngày càng muôn hình muôn vẻ và với số lượng lớn. Ở Việt Nam các đương sự thường lựa chọn hình thức giải quyết tranh chấp kinh tế bằng Tòa án như một giải pháp cuối cùng để bảo vệ có hiệu quả nhất các quyền và lợi ích của mình khi thất bại trong việc sử dụng cơ chế thương lượng, hòa giải. Chính vì vậy, Tòa án có vai trò vô cùng quan trọng. Hơn nữa, Tòa án là một thiết chế của Nhà nước; hoạt động của Tòa án là một hoạt động rất đặc biệt và mang tính kỹ năng nghề nghiệp cao; vì lẽ đó, hoạt động xét xử của Tòa án phải đảm bảo công minh, nhanh chóng, chính xác và kịp thời tránh tình trạng tồn đọng án, giải quyết án kéo dài, dễ gây phiền hà, mệt mỏi cho các đương sự. Tuy nhiên, trong điều kiện hoàn cảnh hoàn thiện nhân sự ngành Tòa án như hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề cần trao đổi nhằm đáp ứng được nhu cầu giải quyết tranh chấp nhanh chóng, kịp thời các tranh chấp thương mại của DN, do vậy, việc nghiên cứu thực tiễn về giải quyết tranh chấp kinh tế, thương mại bởi các phương thức giải quyết tranh chấp nêu trên trong đó có cả Tòa án cần tiếp tục được các chuyên gia và cả DN, các thương nhân quan tâm, nghiên cứu để đảm bảo việc giải quyết tranh chấp trong kinh doanh thương mại góp phần đảm bảo quyền và lợi ích của đương sự, thúc đẩy sự phát triển của kinh tế, xã hội, đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh và an ninh quốc gia.

Ths. Trần Minh Sơn