Một án lệ cần thiết cho doanh nghiệp
Ngày 01/10/2023, Tòa án Nhân dân Tối cao đã ban hành Quyết định số 364/QĐ- CA về việc công bố án lệ, trong đó có Án lệ số 69/2023/AL về thẩm quyền giải quyết tranh chấp của Trọng tài thương mại đối với thỏa thuận bảo mật thông tin và không cạnh tranh (“Án lệ số 69/2023/AL”).
Tình huống Án lệ là: Người lao động và người sử dụng lao động ký kết thỏa thuận bảo mật thông tin và không cạnh tranh về việc sau khi chấm dứt hợp đồng lao động, người lao động không được làm công việc tương tự hoặc công việc cạnh tranh với người sử dụng lao động trong thời hạn nhất định, nếu có tranh chấp sẽ giải quyết bằng Trọng tài thương mại.
Người lao động vi phạm thỏa thuận
Bà Đỗ Thị Mai T (“bà T”) là người lao động, làm việc cho Công ty TNHH R (“Công ty R”) theo hợp đồng lao động với thời hạn mười hai (12) tháng (từ ngày 10/10/2015 đến 31/10/2016) và được gia hạn 12 tháng tiếp theo (từ ngày 01/11/2016 đến 31/10/2017) với vị trí là Trưởng Bộ phận Tuyển dụng.
Ngày 21/10/2015, Công ty R và bà T đã ký kết Thỏa thuận bảo mật thông tin và không Cạnh tranh (“NDA”), trong đó Khoản 1, Điều 3 NDA có nội dung: “Trong quá trình cá nhân được tuyển dụng hoặc làm việc với Công ty R và trong thời gian mười hai (12) tháng dương lịch sau khi chấm dứt tuyển dụng hoặc kết thúc làm việc với Công ty X, không xét đến nguyên nhân chấm dứt tuyển dụng hoặc kết thúc làm việc, cá nhân đồng ý không, trực tiếp hoặc gián tiếp và trên toàn bộ phạm vi lãnh Thổ, thực hiện công việc tương tự Công việc hoặc về bản chất tương tự công việc vào bất kỳ công việc kinh doanh nào cạnh tranh với L.vn (…), đang hoặc trong tương lai sẽ cạnh tranh với công việc kinh doanh của L.vn,Công ty R và/hoặc các đơn vị liên kết và các đối tác của Công ty R”. Các bên cùng thỏa thuận nếu xảy ra tranh chấp sẽ được giải quyết bằng trọng tài.
Đến ngày 18/11/2016, bà T chấm dứt Hợp đồng lao động với Công ty R. Sau đó, bà T đi làm cho Ngân hàng Z; Công ty R theo đó, cho rằng bà T đã vi phạm cam kết tại Khoản 1, Điều 3 NDA.
Doanh nghiệp khởi kiện tại Trọng tài và yêu cầu bồi thường được chấp nhận
Ngày 02/10/2017, Công ty R nộp đơn khởi kiện kèm theo các chứng cứ tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), yêu cầu bà T bồi thường cho Công ty R số tiền 205.197.300 đồng, bằng 03 (ba) lần tiền lương tháng liền kề trước khi bà T đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động vì bà T đã vi phạm Khoản 1, Điều 3 NDA (làm việc cho đối thủ cạnh tranh).
Ngày 19/02/2018, Hội đồng Trọng tài thuộc VIAC đã ban hành Phán quyết Trọng tài số 75/17 HCM, theo đó: Chấp nhận toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, buộc bị đơn phải thanh toán cho nguyên đơn tiền bồi thường là 205.197.300 VND; chịu toàn bộ phí trọng tài là 24.600.000 VND; và các khoản lãi phát sinh nếu chậm thanh toán.
Không đồng ý với nội dung phán quyết trọng tài, ngày 22/3/2018, bà T đã nộp đơn khởi kiện tại Toà án Nhân dân Tp. HCM với yêu cầu xem xét huỷ toàn bộ nội dung Phán quyết Trọng tài số 75/17 HCM.
Một trong các lý do được bà T đưa ra làm cơ sở để yêu cầu hủy phán quyết trọng tài là “Vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài”_“ bà T cho rằng tranh chấp giữa các bên là tranh chấp lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, vì NDA là một phần không thể tách rời của các Hợp đồng lao động giữa bà T và Công ty R”. Tuy nhiên, lý do này không được Tòa án Nhân dân Tp.HCM chấp nhận, “…Hội đồng xét đơn xác định thỏa thuận NDA là một thỏa thuận độc lập, khi có tranh chấp thì thuộc thẩm quyền giải quyết của trọng tài như sự lựa chọn của các bên từ khi ký kết”. Tòa án Nhân dân Tp.HCM đã ban hành Quyết định 755/2018/QĐ-PQTT, ngày 12/6/2018, tuyên không chấp nhận yêu cầu của bà T. Theo đó, Phán quyết Trọng tài số 75/17 HCM được thi hành theo quy định của Luật Thi hành án Dân sự.
Quyết định 755/2018/QĐ-PQTT, ngày 12/6/2018 của Tòa án Nhân dân Tp.HCM đã trở thành nguồn của Án lệ số 69/2023/AL.
Vì sao Án lệ số 69/2023/AL lại cần thiết cho doanh nghiệp?
Theo quy định của Bộ luật Lao động, cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động giữa doanh nghiệp và người lao động là Tòa án nhân dân. Việc giải quyết tranh chấp tại Tòa án phải bảo đảm chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm và khi Bản án, Quyết định của Tòa án đã có hiệu lực thì vẫn có thể xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm; nên vụ tranh chấp thường kéo dài. Trong khi đó, Trọng tài là cơ quan tài phán tư, giải quyết tranh chấp theo sự lựa chọn của các bên, phán quyết Trọng tài là chung thẩm và có hiệu lực thi hành ngay; nên vụ tranh chấp được giải quyết nhanh chóng. Việc Án lệ số 69/2023/AL công nhận thẩm quyền của Trọng tài thương mại đối với các tranh chấp về thỏa thuận bảo mật thông tin và không cạnh tranh giữa người lao động và người sử dụng lao động, sẽ giúp cho các doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc bảo vệ thông tin, kịp thời yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu người lao động vi phạm thỏa thuận bảo mật thông tin và không cạnh tranh.
Doanh nghiệp nên lưu ý những gì từ Án lệ số 69/2023/AL?
Để bảo vệ thông tin, nhất là các bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ và các quyền sở trí tuệ của người sử dụng lao động trong mối quan hệ với người lao động, nhất là sau khi người lao động đã nghỉ việc, Doanh nghiệp nên thiết lập Thỏa thuận bảo mật thông tin và không cạnh tranh với người lao động [đặc biệt là các vị trí quản lý, chuyên gia...].
Thỏa thuận bảo mật thông tin và không cạnh tranh cần được xác lập tách rời với Hợp đồng lao động, và là một thỏa thuận dân sự độc lập. Các thỏa thuận này nên: (i) xác định cụ thể phạm vi thông tin cần bảo mật, “khoanh vùng” đối thủ cạnh tranh; (ii) quy định rõ chế tài, đưa ra cơ sở xác định thiệt hại thực tế cho hành vi vi phạm từ người lao động; (iii) đồng thời quy định các quyền hay “khoản lợi” mà người lao động nhận được hay các yếu tố hình thành “tính tự nguyện” ký kết thỏa thuận của người lao động; (iv) lựa chọn trọng tài là cơ chế giải quyết tranh chấp trong các thỏa thuận bảo mật thông tin và thỏa thuận không cạnh tranh.
Trọng tài viên Phạm Xuân Sang