Thi hành phán quyết trọng tài

17-08-2018 - 09:07

Phán quyết trọng tài là văn bản do Hội đồng Trọng tài lập, giải quyết tất cả các vấn đề mà các bên có yêu cầu trong quá trình giải quyết vụ tranh chấp. Phán quyết trọng tài tương đương Bản án có hiệu lực của Tòa án, Phán quyết trọng tài là chung thẩm

Trường hợp phán quyết trọng tài được thi hành tại Việt Nam

Theo Khoản 1 Điều 66 Luật Trọng tài thương mại, nếu hết thời hạn thi hành phán quyết trọng tài mà bên phải thi hành phán quyết không tự nguyện thi hành, bên được thi hành phán quyết trọng tài có quyền làm đơn yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài. Theo Khoản 1 Điều 8 Luật Trọng tài thương mại, cơ quan thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi Hội đồng Trọng tài ra phán quyết là cơ quan có thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài.

Như vậy, để tiến hành thủ tục yêu cầu thi hành phán quyết trọng tài, bên yêu cầu thi hành phán quyết trọng tài phải làm Đơn yêu cầu thi hành phán quyết trọng tài và nộp tại cơ quan thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi Hội đồng Trọng tài ra phán quyết trọng tài. Để xác định nơi Hội đồng Trọng tài ra phán quyết trọng tài, các bên cần dựa vào phán quyết trọng tài, trong đó chỉ rõ nơi lập phán quyết trọng tài. Ví dụ: Nếu phán quyết trọng tài ghi nơi lập phán quyết trọng tài là tại Hà Nội thì Đơn yêu cầu thi hành phán quyết trọng tài sẽ  được nộp tại Cục thi hành án dân sự thành phố Hà Nội. Nếu phán quyết trọng tài ghi nơi lập phán quyết trọng tài là tại thành phố Hồ Chí Minh thì Đơn yêu cầu thi hành phán quyết trọng tài sẽ  được nộp tại Cục thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh.

Trường hợp phán quyết trọng tài được thi hành tại nước ngoài

Việc thi hành phán quyết trọng tài tại nước ngoài sẽ được thực hiện theo thủ tục quy định tại Công ước New York năm 1958 về công nhận và thi hành các phán quyết trọng tài nước ngoài (Công ước New York) và pháp luật của quốc gia, vùng lãnh thổ nơi bên phải thi hành phán quyết trọng tài.

Theo Điều IV Công ước New York, để đạt được việc công nhận và thi hành một phán quyết trọng tài, bên yêu cầu công nhận và thi hành, khi nộp đơn yêu cầu phải cung cấp:

a)  Bản chính hoặc bản sao hợp pháp phán quyết trọng tài;

b)  Bản chính hoặc bản sao hợp pháp thỏa thuận trọng tài.

Nếu phán quyết hoặc thỏa thuận nói trên không được lập bằng thứ tiếng chính thức của nước nơi phán quyết sẽ được thi hành, bên yêu cầu công nhận và thi hành phán quyết trọng tài phải xuất trình bản dịch các tài liệu đó ra thứ tiếng nói trên. Bản dịch phải được chứng nhận bởi một thông dịch viên chính thức hay đã tuyên thệ hoặc bởi một cơ quan ngoại giao hoặc lãnh sự.

Do mỗi quốc gia có quy định khác nhau về trình tự, thủ tục công nhận và thi hành phán quyết trọng tài nên các bên cần tìm hiểu kỹ pháp luật của nước, vùng lãnh thổ nơi được yêu cầu công nhận và thi hành phán quyết trọng tài. Nơi được yêu cầu công nhận và thi hành phán quyết trọng tài thường là nơi bên phải thi hành có trụ sở chính hoặc nơi có tài sản của bên phải thi hành.

Các bên cần liên hệ với luật sư của nước nơi được yêu cầu công nhận và thi hành phán quyết trọng tài để được tư vẫn, hỗ trợ. Các bên cũng có thể liên hệ với cơ quan đại diện ngoại giao, thương mại của Việt Nam tại quốc gia nơi yêu cầu thi hành phán quyết trọng tài để được hỗ trợ và cung cấp các thông tin về luật sư.

Ví dụ: Trường hợp phán quyết trọng tài nước ngoài muốn được thi hành tại Việt Nam thì sẽ được thi hành theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự và Luật thi hành án dân sự:

Theo Điều 364 Bộ luật tố tụng dân sự, bên muốn yêu cầu công nhận và thi hành quyết định trọng tài nước ngoài tại Việt Nam phải làm Đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định của Trọng tài nước ngoài (Đơn yêu cầu). Đơn yêu cầu phải được gửi đến Bộ Tư pháp Việt Nam (Địa chỉ: 60 Trần Phú, Ba Đình, Hà Nội. Điện thoại: 04.62739450. Fax:  04.62739359. Email: plqt@moj.gov.vn ) và phải có các nội dung chính sau đây:

a)  Họ, tên, địa chỉ nơi cư trú hoặc nơi làm việc của người được thi hành, người đại diện hợp pháp tại Việt Nam của người đó; nếu người được thi hành án là cơ quan, tổ chức thì phải ghi đầy đủ tên và địa chỉ trụ sở chính của cơ quan, tổ chức đó;

b)  Họ, tên, địa chỉ nơi cư trú hoặc nơi làm việc của người phải thi hành; nếu người phải thi hành là cơ quan, tổ chức thì ghi đầy đủ tên và địa chỉ trụ sở chính của cơ quan, tổ chức đó; trường hợp người phải thi hành là cá nhân không có nơi cư trú hoặc nơi làm việc tại Việt Nam, người phải thi hành là cơ quan, tổ chức không có trụ sở chính tại Việt Nam thì trong đơn yêu cầu còn phải ghi rõ địa chỉ nơi có tài sản và các loại tài sản liên quan đến việc thi hành quyết định của Trọng tài nước ngoài tại Việt Nam;

c)  Yêu cầu của người được thi hành.

Đơn yêu cầu bằng tiếng nước ngoài phải được gửi kèm theo bản dịch ra tiếng Việt, được công chứng, chứng thực hợp pháp. Kèm theo đơn yêu cầu phải có: (i) Bản chính hoặc bản sao hợp pháp quyết định trọng tài; (ii) Bản chính hoặc bản sao hợp pháp thỏa thuận trọng tài. Giấy tờ, tài liệu gửi kèm theo đơn yêu cầu bằng tiếng nước ngoài thì phải được gửi kèm theo bản dịch ra tiếng Việt, được công chứng, chứng thực hợp pháp.

Để được hướng dẫn thêm thông tin, xin vui lòng liên hệ Ban thư ký VTA.

Địa chỉ: Số 250 Nguyễn Thị Minh Khai, Phường 6, Quận 3, Tp.Hồ Chí Minh, Email: info@vtac.vn