Quy trình tố tụng
Hướng dẫn bị đơn
Sau khi Nguyên đơn nộp toàn bộ phí trọng tài theo hướng dẫn của VTA quy định tại Điều 8 Quy tắc tố tụng trọng tài tại VTA năm 2018, trong vòng 10 ngày VTA sẽ gửi thông báo vụ tranh chấp tới Bị đơn kèm theo toàn bộ tài liệu của Nguyên đơn
Trừ khi các bên có thỏa thuận khác về thời hạn, trong thời hạn 10 (mười) ngày kể từ ngày VTA nhận được Đơn khởi kiện, thỏa thuận trọng tài, các tài liệu khác có liên quan và phí trọng tài theo quy định tại Điều 35 Quy tắc tố tụng trọng tài VTA 2018, VTA gửi tới Bị đơn Thông báo, Đơn khởi kiện, thỏa thuận trọng tài và các tài liệu khác có liên quan.
Bản tự bảo vệ và việc gia hạn thời gian nộp Bản tự bảo vệ
Trừ khi các bên có thỏa thuận khác về thời hạn, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày tiếp theo của ngày nhận được Thông báo, Đơn khởi kiện, thỏa thuận trọng tài và các tài liệu khác có liên quan, Bị đơn phải gửi tới VTA Bản tự bảo vệ. Bản tự bảo vệ phải có các nội dung theo quy định tại Khoản 1 Điều 9 Quy tắc tố tụng trọng tài VTA 2018:
a) Ngày, tháng, năm làm Bản tự bảo vệ;
b) Tên, địa chỉ của Bị đơn;
c) Cơ sở tự bảo vệ;
d) Tên của người được Bị đơn chọn làm Trọng tài viên hoặc yêu cầu VTA chỉ định Trọng tài viên.
đ) Chữ ký của người đại diện theo pháp luật hoặc của người đại diện theo ủy quyền trong trường hợp Bị đơn là tổ chức; chữ ký của cá nhân hoặc của người đại diện theo ủy quyền trong trường hợp Bị đơn là cá nhân.
Bản tự bảo vệ và các tài liệu có liên quan phải được gửi đủ số bản theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Quy tắc tố tụng trọng tài của VTA năm 2018. Tố tụng trọng tài vẫn được tiến hành kể cả khi Bị đơn không gửi Bản tự bảo vệ.
VTA có thể gia hạn thời hạn gửi Bản tự bảo vệ khi có yêu cầu gia hạn của Bị đơn. Yêu cầu gia hạn phải được lập bằng văn bản và phải gửi để VTA nhận được trước khi hết thời hạn gửi Bản tự bảo vệ hoặc trước khi hết thời hạn gia hạn gửi Bản tự bảo vệ. Trong trường hợp có yêu cầu gia hạn thời hạn gửi Bản tự bảo vệ, Bị đơn vẫn phải chọn Trọng tài viên hoặc yêu cầu Trung tâm chỉ định Trọng tài viên.
Đơn kiện lại
Bị đơn có quyền kiện lại Nguyên đơn. Đơn kiện lại phải căn cứ vào thỏa thuận trọng tài mà dựa vào đó Nguyên đơn đã khởi kiện Bị đơn. Đơn kiện lại được được lập dưới dạng văn bản và tách riêng, độc lập với Bản tự bảo vệ. Đơn kiện lại phải được gửi tới VTA cùng thời điểm gửi Bản tự bảo vệ.
Đơn kiện lại phải có các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 10 Quy tắc tố tụng trọng tài VTA, cụ thể:
a) Ngày, tháng, năm làm Đơn kiện lại;
b) Tên, địa chỉ của các bên;
c) Tóm tắt nội dung của vụ kiện lại;
d) Cơ sở kiện lại;
đ) Trị giá của vụ kiện lại và các yêu cầu khác của Bị đơn.
e) Chữ ký của người đại diện theo pháp luật hoặc của người đại diện theo ủy quyền trong trường hợp Bị đơn là tổ chức; chữ ký của cá nhân hoặc của người đại diện theo ủy quyền trong trường hợp Bị đơn là cá nhân.
Đơn kiện lại và các tài liệu có liên quan phải được gửi đủ số bản theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Quy tắc tố tụng trọng tài của VTA năm 2018.
Trừ khi các bên có thỏa thuận khác về thời hạn, trong thời hạn 10 (mười) ngày kể từ ngày nhận được Đơn kiện lại, các tài liệu có liên quan và phí trọng tài, VTA gửi tới Nguyên đơn Thông báo, Đơn kiện lại và các tài liệu có liên quan.
Đơn kiện lại được giải quyết đồng thời bởi chính Hội đồng trọng tài giải quyết Đơn khởi kiện của Nguyên đơn.
*Lưu ý: Trường hợp Bị đơn cho rằng thỏa thuận trọng tài không tồn tại, thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được thì Bị đơn phải nêu rõ trong Bản tự bảo vệ. Nếu Bị đơn không nêu rõ điều đó trong Bản tự bảo vệ thì Bị đơn mất quyền phản đối. Trong trường hợp này, Bị đơn vẫn phải chọn Trọng tài viên hoặc yêu cầu VTA chỉ định Trọng tài viên.
Phiên họp giải quyết tranh chấp
Hội đồng trọng tài có nghĩa vụ xem xét các tài liệu của Nguyên đơn và Bị đơn để quyết định mở phiên họp giải quyết vụ tranh chấp. Theo quy định tại Điều 25 Quy tắc VTA, Giấy triệu tập được gửi tới các bên chậm nhất là 15 ngày trước ngày mở phiên họp
Thời gian và nơi tiến hành phiên họp giải quyết vụ tranh chấp do Hội đồng Trọng tài quyết định, trừ khi các bên có thỏa thuận khác. Giấy triệu tập tham dự phiên họp giải quyết vụ tranh chấp được Trung tâm gửi cho các bên chậm nhất là 15 ngày trước ngày mở phiên họp, trừ khi các bên có thỏa thuận khác. Trường hợp hoãn phiên họp hoặc Hội đồng Trọng tài quyết định mở phiên họp tiếp theo, thời hạn gửi giấy triệu tập do Hội đồng Trọng tài quyết định, trừ khi các bên có thỏa thuận khác.
Phiên họp giải quyết vụ tranh chấp không công khai, trừ khi các bên có thỏa thuận khác. Hội đồng Trọng tài có thể tiến hành phiên họp giải quyết vụ tranh chấp bằng hình thức teleconference, video-conference hoặc các hình thức thích hợp khác nhằm tối ưu hóa phương thức tiến hành mà vẫn đảm bảo thỏa thuận của các bên.
Các bên có quyền mời người làm chứng, mời người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp tham dự phiên họp giải quyết vụ tranh chấp và phải thông báo cho Hội đồng Trọng tài trước ngày mở phiên họp giải quyết vụ tranh chấp. Hội đồng Trọng tài tự mình hoặc theo yêu cầu của một bên, có quyền mời tổ chức, cá nhân giám định, định giá tài sản và chuyên gia theo quy định tại Điều 19 của Quy tắc này tham dự phiên họp giải quyết vụ tranh chấp. Trong trường hợp có sự đồng ý của các bên, Hội đồng Trọng tài có thể cho phép những người khác tham dự phiên họp giải quyết vụ tranh chấp.
Theo yêu cầu của các bên, Hội đồng Trọng tài ngay tại phiên họp có thể tiến hành hòa giải. Biên bản hòa giải thành phải được lập trong trường hợp hòa giải thành. Biên bản hòa giải thành phải có chữ ký của các bên và chữ ký của các Trọng tài viên hoặc Trọng tài viên duy nhất. Trong trường hợp này, Hội đồng Trọng tài ra Quyết định công nhận hòa giải thành. Quyết định công nhận hòa giải thành của Hội đồng Trọng tài có hiệu lực như Phán quyết trọng tài.
Nếu thấy các bên không còn bất kỳ tài liệu hoặc chứng cứ có liên quan nào để cung cấp, Hội đồng Trọng tài tuyên bố phiên họp giải quyết vụ tranh chấp này là phiên họp cuối cùng. Sau khi kết thúc phiên họp cuối cùng, Hội đồng Trọng tài không có nghĩa vụ xem xét bất kỳ tài liệu hoặc chứng cứ bổ sung nào, trừ khi các bên có thỏa thuận khác.
Thi hành phán quyết trọng tài
Phán quyết trọng tài là văn bản do Hội đồng Trọng tài lập, giải quyết tất cả các vấn đề mà các bên có yêu cầu trong quá trình giải quyết vụ tranh chấp. Phán quyết trọng tài tương đương Bản án có hiệu lực của Tòa án, Phán quyết trọng tài là chung thẩm
Trường hợp phán quyết trọng tài được thi hành tại Việt Nam
Theo Khoản 1 Điều 66 Luật Trọng tài thương mại, nếu hết thời hạn thi hành phán quyết trọng tài mà bên phải thi hành phán quyết không tự nguyện thi hành, bên được thi hành phán quyết trọng tài có quyền làm đơn yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài. Theo Khoản 1 Điều 8 Luật Trọng tài thương mại, cơ quan thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi Hội đồng Trọng tài ra phán quyết là cơ quan có thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài.
Như vậy, để tiến hành thủ tục yêu cầu thi hành phán quyết trọng tài, bên yêu cầu thi hành phán quyết trọng tài phải làm Đơn yêu cầu thi hành phán quyết trọng tài và nộp tại cơ quan thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi Hội đồng Trọng tài ra phán quyết trọng tài. Để xác định nơi Hội đồng Trọng tài ra phán quyết trọng tài, các bên cần dựa vào phán quyết trọng tài, trong đó chỉ rõ nơi lập phán quyết trọng tài. Ví dụ: Nếu phán quyết trọng tài ghi nơi lập phán quyết trọng tài là tại Hà Nội thì Đơn yêu cầu thi hành phán quyết trọng tài sẽ được nộp tại Cục thi hành án dân sự thành phố Hà Nội. Nếu phán quyết trọng tài ghi nơi lập phán quyết trọng tài là tại thành phố Hồ Chí Minh thì Đơn yêu cầu thi hành phán quyết trọng tài sẽ được nộp tại Cục thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh.
Trường hợp phán quyết trọng tài được thi hành tại nước ngoài
Việc thi hành phán quyết trọng tài tại nước ngoài sẽ được thực hiện theo thủ tục quy định tại Công ước New York năm 1958 về công nhận và thi hành các phán quyết trọng tài nước ngoài (Công ước New York) và pháp luật của quốc gia, vùng lãnh thổ nơi bên phải thi hành phán quyết trọng tài.
Theo Điều IV Công ước New York, để đạt được việc công nhận và thi hành một phán quyết trọng tài, bên yêu cầu công nhận và thi hành, khi nộp đơn yêu cầu phải cung cấp:
a) Bản chính hoặc bản sao hợp pháp phán quyết trọng tài;
b) Bản chính hoặc bản sao hợp pháp thỏa thuận trọng tài.
Nếu phán quyết hoặc thỏa thuận nói trên không được lập bằng thứ tiếng chính thức của nước nơi phán quyết sẽ được thi hành, bên yêu cầu công nhận và thi hành phán quyết trọng tài phải xuất trình bản dịch các tài liệu đó ra thứ tiếng nói trên. Bản dịch phải được chứng nhận bởi một thông dịch viên chính thức hay đã tuyên thệ hoặc bởi một cơ quan ngoại giao hoặc lãnh sự.
Do mỗi quốc gia có quy định khác nhau về trình tự, thủ tục công nhận và thi hành phán quyết trọng tài nên các bên cần tìm hiểu kỹ pháp luật của nước, vùng lãnh thổ nơi được yêu cầu công nhận và thi hành phán quyết trọng tài. Nơi được yêu cầu công nhận và thi hành phán quyết trọng tài thường là nơi bên phải thi hành có trụ sở chính hoặc nơi có tài sản của bên phải thi hành.
Các bên cần liên hệ với luật sư của nước nơi được yêu cầu công nhận và thi hành phán quyết trọng tài để được tư vẫn, hỗ trợ. Các bên cũng có thể liên hệ với cơ quan đại diện ngoại giao, thương mại của Việt Nam tại quốc gia nơi yêu cầu thi hành phán quyết trọng tài để được hỗ trợ và cung cấp các thông tin về luật sư.
Ví dụ: Trường hợp phán quyết trọng tài nước ngoài muốn được thi hành tại Việt Nam thì sẽ được thi hành theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự và Luật thi hành án dân sự:
Theo Điều 364 Bộ luật tố tụng dân sự, bên muốn yêu cầu công nhận và thi hành quyết định trọng tài nước ngoài tại Việt Nam phải làm Đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định của Trọng tài nước ngoài (Đơn yêu cầu). Đơn yêu cầu phải được gửi đến Bộ Tư pháp Việt Nam (Địa chỉ: 60 Trần Phú, Ba Đình, Hà Nội. Điện thoại: 04.62739450. Fax: 04.62739359. Email: plqt@moj.gov.vn ) và phải có các nội dung chính sau đây:
a) Họ, tên, địa chỉ nơi cư trú hoặc nơi làm việc của người được thi hành, người đại diện hợp pháp tại Việt Nam của người đó; nếu người được thi hành án là cơ quan, tổ chức thì phải ghi đầy đủ tên và địa chỉ trụ sở chính của cơ quan, tổ chức đó;
b) Họ, tên, địa chỉ nơi cư trú hoặc nơi làm việc của người phải thi hành; nếu người phải thi hành là cơ quan, tổ chức thì ghi đầy đủ tên và địa chỉ trụ sở chính của cơ quan, tổ chức đó; trường hợp người phải thi hành là cá nhân không có nơi cư trú hoặc nơi làm việc tại Việt Nam, người phải thi hành là cơ quan, tổ chức không có trụ sở chính tại Việt Nam thì trong đơn yêu cầu còn phải ghi rõ địa chỉ nơi có tài sản và các loại tài sản liên quan đến việc thi hành quyết định của Trọng tài nước ngoài tại Việt Nam;
c) Yêu cầu của người được thi hành.
Đơn yêu cầu bằng tiếng nước ngoài phải được gửi kèm theo bản dịch ra tiếng Việt, được công chứng, chứng thực hợp pháp. Kèm theo đơn yêu cầu phải có: (i) Bản chính hoặc bản sao hợp pháp quyết định trọng tài; (ii) Bản chính hoặc bản sao hợp pháp thỏa thuận trọng tài. Giấy tờ, tài liệu gửi kèm theo đơn yêu cầu bằng tiếng nước ngoài thì phải được gửi kèm theo bản dịch ra tiếng Việt, được công chứng, chứng thực hợp pháp.
Để được hướng dẫn thêm thông tin, xin vui lòng liên hệ Ban thư ký VTA.
Địa chỉ: Số 250 Nguyễn Thị Minh Khai, Phường 6, Quận 3, Tp.Hồ Chí Minh, Email: info@vtac.vn
Thẩm quyền của hội đồng trọng tài
Thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài được quy định tại các điều 18, 19, 20 và 21 Quy tắc tố tụng trọng tài tại VTA năm 2018 và quy định tại Luật Trọng tài thương mại năm 2010. Hội đồng Trọng tài có quyền xác minh sự việc, thu thập chứng cứ phục vụ giải quyết tranh chấp
Thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài được quy định tại các Điều 18, 19, 20 và 21 Quy tắc tố tụng trọng tài VTA năm 2018, cụ thể:
Điều 18. Thẩm quyền xác minh sự việc của Hội đồng Trọng tài
Hội đồng Trọng tài có quyền gặp hoặc trao đổi với một bên với sự tham gia của bên kia bằng các hình thức thích hợp để làm rõ các vấn đề có liên quan đến vụ tranh chấp. Hội đồng Trọng tài có thể tự mình hoặc theo yêu cầu của một hoặc các bên, tìm hiểu sự việc từ người thứ ba với sự có mặt của các bên hoặc sau khi đã thông báo cho các bên biết.
Điều 19. Thẩm quyền thu thập chứng cứ của Hội đồng Trọng tài
1. Hội đồng Trọng tài có quyền yêu cầu các bên cung cấp chứng cứ; các bên có nghĩa vụ phải cung cấp chứng cứ.
2. Hội đồng Trọng tài có quyền yêu cầu người làm chứng cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến vụ tranh chấp theo yêu cầu của một bên hoặc của các bên.
3. Hội đồng Trọng tài, tự mình hoặc theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, có quyền trưng cầu giám định, định giá tài sản trong vụ tranh chấp. Chi phí giám định, định giá tài sản do bên yêu cầu nộp hoặc do Hội đồng Trọng tài phân bổ. Trong mọi trường hợp, nếu chi phí giám định, định giá tài sản không được nộp đủ thì Hội đồng Trọng tài giải quyết vụ tranh chấp trên cơ sở hồ sơ hiện có.
4. Hội đồng Trọng tài, tự mình hoặc theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, có quyền tham vấn ý kiến của chuyên gia. Hội đồng Trọng tài có quyền yêu cầu các bên cung cấp cho chuyên gia các thông tin có liên quan, hoặc cho phép chuyên gia tiếp cận các tài liệu, hàng hóa hoặc tài sản có liên quan. Chuyên gia phải nộp báo cáo bằng văn bản cho Hội đồng Trọng tài. Sau khi nhận được báo cáo, Hội đồng Trọng tài gửi bản sao của báo cáo đó cho các bên và yêu cầu các bên cho ý kiến bằng văn bản về báo cáo. Chi phí tham vấn chuyên gia do bên yêu cầu chịu hoặc do Hội đồng Trọng tài phân bổ. Trong mọi trường hợp, nếu chi phí tham vấn chuyên gia không được nộp đủ thì Hội đồng Trọng tài giải quyết vụ tranh chấp trên cơ sở hồ sơ hiện có.
5. Trong trường hợp Hội đồng Trọng tài, một bên hoặc các bên đã áp dụng các biện pháp cần thiết để thu thập chứng cứ mà vẫn không thể tự mình thu thập được thì có thể gửi văn bản đề nghị Tòa án có thẩm quyền hỗ trợ theo quy định của pháp luật.
Điều 20. Thẩm quyền triệu tập người làm chứng của Hội đồng Trọng tài
1. Theo yêu cầu của một bên hoặc các bên và xét thấy cần thiết, Hội đồng Trọng tài có quyền triệu tập người làm chứng có mặt tại phiên họp giải quyết vụ tranh chấp. Chi phí cho người làm chứng do bên yêu cầu triệu tập người làm chứng chịu hoặc do Hội đồng Trọng tài phân bổ.
2. Trường hợp người làm chứng đã được Hội đồng Trọng tài triệu tập hợp lệ mà không đến dự phiên họp giải quyết vụ tranh chấp nhưng không có lý do chính đáng và việc vắng mặt của họ gây khó khăn cho việc giải quyết vụ tranh chấp thì Hội đồng Trọng tài có thể gửi văn bản đề nghị Tòa án có thẩm quyền ra quyết định triệu tập người làm chứng đến dự phiên họp giải quyết vụ tranh chấp. Văn bản đề nghị phải nêu rõ nội dung vụ tranh chấp đang được giải quyết; họ và tên, địa chỉ của người làm chứng; lý do cần triệu tập người làm chứng; thời gian, địa điểm người làm chứng cần phải có mặt.
3. Nếu người làm chứng đã được triệu tập hợp lệ mà vắng mặt thì Hội đồng Trọng tài quyết định hoãn phiên họp giải quyết vụ tranh chấp hoặc vẫn tiến hành phiên họp giải quyết vụ tranh chấp trên cơ sở hồ sơ hiện có.
Điều 21. Thẩm quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Hội đồng Trọng tài
1. Theo yêu cầu của một bên, Hội đồng Trọng tài có thể áp dụng một hoặc một số biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với các bên tranh chấp. Các biện pháp khẩn cấp tạm thời bao gồm:
a) Cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp;
b) Cấm hoặc buộc bất kỳ bên tranh chấp nào thực hiện một hoặc một số hành vi nhất định nhằm ngăn ngừa các hành vi ảnh hưởng bất lợi đến tố tụng trọng tài;
c) Kê biên tài sản đang tranh chấp;
d) Yêu cầu bảo tồn, cất trữ, bán hoặc định đoạt bất kỳ tài sản nào của một bên hoặc các bên tranh chấp;
đ) Yêu cầu tạm thời về việc trả tiền giữa các bên;
e) Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp.
2. Trình tự, thủ tục áp dụng, thay đổi, bổ sung, hủy bỏ áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.
3. Trong quá trình tố tụng trọng tài, nếu một trong các bên đã yêu cầu Tòa án áp dụng một hoặc một số biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định tại khoản 1 Điều này mà sau đó lại có đơn yêu cầu Hội đồng Trọng tài áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì Hội đồng Trọng tài phải từ chối. Bên yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải thông báo ngay cho Trung tâm biết về yêu cầu này.
4. Việc yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không bị coi là sự từ bỏ thỏa thuận trọng tài hoặc khước từ quyền được giải quyết tranh chấp bằng trọng tài.
Thành lập hội đồng trọng tài
Trọng tài viên thứ nhất và Trọng tài viên thứ hai sẽ cùng bầu ra Chủ tịch Hội đồng trọng tài , qua đó cùng thiết lập một Hội đồng Trọng tài hoạt động tương tự như một hội đồng xét xử của Tòa án để giải quyết tranh chấp giữa Nguyên đơn và Bị đơn.
Việc lựa chọn trọng tài viên
Trừ khi các bên có thỏa thuận khác, Nguyên đơn/Bị đơn phải chọn hoặc yêu cầu VTA chỉ định một Trọng tài viên. Trong trường hợp có nhiều Nguyên đơn/Bị đơn thì các Nguyên đơn/Bị đơn phải thống nhất chọn một Trọng tài viên hoặc thống nhất yêu cầu VTA chỉ định một Trọng tài viên và phải gửi thông báo cho VTA.
Trong trường hợp tên của người được chọn làm Trọng tài viên không có trong Danh sách Trọng tài viên của VTA thì Nguyên đơn/Bị đơn phải thông báo cho Trung tâm địa chỉ liên lạc của Trọng tài viên này.
Trong trường hợp Bị đơn không chọn Trọng tài viên hoặc không yêu cầu Trung tâm chỉ định Trọng tài viên trong thời hạn 30 ngày nêu trên, trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày hết thời hạn, Chủ tịch Trung tâm ra quyết định chỉ định một Trọng tài viên thay cho Bị đơn
Thành lập Hội đồng Trọng tài gồm 03 (ba) Trọng tài viên
Theo quy định tại điều 12 Quy tắc tố tụng trọng tài VTA năm 2018, trừ khi các bên có thỏa thuận khác, Nguyên đơn phải chọn hoặc yêu cầu Trung tâm chỉ định một Trọng tài viên. Trong trường hợp Nguyên đơn yêu cầu Trung tâm chỉ định Trọng tài viên, trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu này, Chủ tịch Trung tâm ra quyết định chỉ định một Trọng tài viên thay cho Nguyên đơn.
Đối với Bị đơn, nếu các bên không có thỏa thuận nào khác Bị đơn phải chọn một Trọng tài viên hoặc yêu cầu Trung tâm chỉ định một Trọng tài viên và phải thông báo cho Trung tâm trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày tiếp theo của ngày nhận được Thông báo, Đơn khởi kiện, thỏa thuận trọng tài và các tài liệu khác có liên quan. Trong trường hợp Bị đơn yêu cầu Trung tâm chỉ định Trọng tài viên, trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu này, Chủ tịch Trung tâm ra quyết định chỉ định một Trọng tài viên thay cho Bị đơn. Trong trường hợp Bị đơn không chọn được, không chọn hoặc không yêu cầu Trung tâm chỉ định Trọng tài viên trong thời hạn 30 ngày nêu trên trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày hết thời hạn, Chủ tịch Trung tâm ra quyết định chỉ định một Trọng tài viên thay cho Bị đơn.
Trong trường hợp tên của người được chọn làm Trọng tài viên không có trong Danh sách Trọng tài viên thì Nguyên đơn/Bị đơn phải thông báo cho Trung tâm địa chỉ liên lạc của Trọng tài viên này.
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày xác định được Trọng tài viên thứ nhất và Trọng tài viên thứ hai, các Trọng tài viên phải bầu người thứ ba làm Chủ tịch Hội đồng Trọng tài và thông báo cho Trung tâm. Hết thời hạn này mà Trung tâm không nhận được thông báo về việc bầu Chủ tịch Hội đồng Trọng tài thì trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày hết thời hạn, Chủ tịch Trung tâm ra quyết định chỉ định Chủ tịch Hội đồng Trọng tài.
Thành lập Hội đồng Trọng tài gồm Trọng tài viên duy nhất
Điều 13 Quy tắc tố tụng trọng tài VTA năm 2018 quy định trừ khi các bên có thỏa thuận khác, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày tiếp theo của ngày Bị đơn nhận được Thông báo, Đơn khởi kiện, thỏa thuận trọng tài và các tài liệu khác có liên quan, các bên phải thống nhất chọn Trọng tài viên duy nhất hoặc yêu cầu Trung tâm chỉ định Trọng tài viên duy nhất và phải thông báo cho Trung tâm. Trong trường hợp tên của người được chọn làm Trọng tài viên duy nhất không có trong Danh sách Trọng tài viên thì các bên phải thông báo cho Trung tâm địa chỉ liên lạc của Trọng tài viên này.
Trong trường hợp Trung tâm không nhận được thông báo này, trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày hết thời hạn 30 ngày nêu trên, Chủ tịch Trung tâm ra quyết định chỉ định Trọng tài viên duy nhất.
Các quy định chung đối với Trọng tài viên và thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài
Khi nhận được thông báo về việc được chọn hoặc được chỉ định làm Trọng tài viên cũng như trong quá trình tố tụng trọng tài, người được chọn hoặc được chỉ định làm Trọng tài viên phải thông báo kịp thời cho VTA về bất kỳ sự việc nào có thể gây nghi ngờ về sự vô tư, độc lập và khách quan của mình để VTA thông báo cho các bên. Trọng tài viên là người ở giữa lắng nghe, không hành động vì lợi ích của riêng bên nào.
Thẩm quyền của Hội đồng trọng tài được quy định tại điều 18, 19, 20 và 21 Quy tắc tố tụng trọng tài VTA năm 2018, theo đó Hội đồng Trọng tài có (1) Thẩm quyền xác minh sự việc; (2) Thẩm quyền thu thập chứng cứ; (3) Thẩm quyền triệu tập người làm chứng và (4) Thẩm quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Hội đồng Trọng tài có thẩm quyền quyết định về thẩm quyền của chính mình, cho dù có phản đối về sự tồn tại hoặc hiệu lực của thỏa thuận trọng tài. Điều khoản trọng tài là một phần của hợpđồng được coi là một thỏa thuận độc lập với các điều khoản khác của hợp đồng. Quyết định của Hội đồng Trọng tài rằng hợp đồng vô hiệu không làm mất hiệu lực của thỏa thuận trọng tài.
Khởi kiện trọng tài tại VTA
Khi một bên muốn khởi kiện tới VTA thì phải nộp Đơn khởi kiện đến VTA. Đơn khởi kiện cần nêu rõ và đủ các nội dung theo quy định tại Điều 7 và thực hiện theo các quy định liên quan tại Quy tắc tố tụng trọng tài VTA năm 2018
Đơn khởi kiện và thụ lý đơn khởi kiện
Để bắt đầu quá trình tố tụng trọng tài tại Trung tâm Trọng tài Thương nhân Việt Nam (VTA), Nguyên đơn phải gửi Đơn khởi kiện tới VTA. Trong đó, Đơn khởi kiện phải đáp ứng đầy đủ các thông tin quy định tại Điều 7 Quy tắc tố tụng Trọng tài VTA năm 2018 (sau đây gọi là “Quy tắc VTA”), bao gồm:
a) Ngày, tháng, năm làm Đơn khởi kiện;
b) Tên, địa chỉ của các bên;
c) Tóm tắt nội dung của vụ tranh chấp;
d) Cơ sở khởi kiện;
đ) Trị giá của vụ tranh chấp và các yêu cầu khởi kiện khác của Nguyên đơn;
e) Tên của người được Nguyên đơn chọn làm Trọng tài viên hoặc yêu cầu Trung tâm chỉ định Trọng tài viên theo quy định tại khoản 1 Điều 12 hoặc điều 13 Quy tắc VTA;
f) Chữ ký của người đại diện theo pháp luật hoặc của người đại diện theo ủy quyền trong trường hợp Nguyên đơn là tổ chức; chữ ký của cá nhân hoặc của người đại diện theo ủy quyền trong trường hợp Nguyên đơn là cá nhân.
*Vui lòng tham khảo mẫu Đơn khởi kiện tại đây
Kèm theo Đơn khởi kiện, Nguyên đơn cần gửi thỏa thuận trọng tài và các tài liệu khác có liên quan. Toàn bộ tài liệu kể trên được gộp chung thành Hồ sơ khởi kiện và phải được gửi đủ số bản để VTA gửi tới các thành viên của Hội đồng Trọng tài mỗi người một bản, tới bên kia một bản và lưu một bản theo quy định tại khoản 1 Điều 3 của Quy tắc VTA. Như vậy trong trường hợp Hội đồng trọng tài gồm Trọng tài viên duy nhất, Nguyên đơn cần nộp 03 (ba) bộ Hồ sơ khởi kiện, trong trường hợp Hội đồng trọng tài gồm ba Trọng tài viên, Nguyên đơn cần nộp 05 (năm) bộ Hồ sơ khởi kiện.
Tại VTA, Nguyên đơn có thể nộp hồ sơ khởi kiện theo hai cách (i) nộp trực tiếp tại văn phòng làm việc của trung tâm hoặc (ii) gửi hồ sơ khởi kiện qua bưu điện theo địa chỉ:
BAN THƯ KÝ VTA
Phòng 7.06, Lầu 7, Số 250 Nguyễn Thị Minh Khai, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
Điện thoại: 037 871 8998 Email: vtac.vnn@gmail.com
Trừ khi các bên có thỏa thuận khác về thời hạn, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày trung tâm nhận được hồ sơ khởi kiện và phí trọng tài, VTA gửi tới Bị đơn Thông báo kèm Hồ sơ khởi kiện.