Câu hỏi thường gặp
Theo Khoản 2 Điều 20 Luật Trọng tài thương mại, trường hợp sau đây không được làm Trọng tài viên:
a) Người đang là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên, Chấp hành viên, công chức thuộc Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Cơ quan điều tra, Cơ quan thi hành án;
b) Người đang là bị can, bị cáo, người đang chấp hành án hình sự hoặc đã chấp hành xong bản án nhưng chưa được xóa án tích.
Theo Khoản 3 Điều 7 Quy tắc VTA, kèm theo Đơn khởi kiện phải có thỏa thuận trọng tài và các tài liệu khác có liên quan.
Theo khoản 2 Điều 7 Quy tắc VTA, Đơn khởi kiện gồm các nội dung sau đây:
a) Ngày, tháng, năm làm Đơn khởi kiện;
b) Tên, địa chỉ của các bên;
c) Tóm tắt nội dung của vụ tranh chấp;
d) Cơ sở khởi kiện;
đ) Trị giá của vụ tranh chấp và các yêu cầu khác của Nguyên đơn;
e) Tên của người được Nguyên đơn chọn làm Trọng tài viên hoặc yêu cầu Trung tâm chỉ định Trọng tài viên theo quy định tại khoản 1 Điều 12 hoặc Điều 13 của Quy tắc.
g) Chữ ký của người đại diện theo pháp luật hoặc của người đại diện theo ủy quyền trong trường hợp Nguyên đơn là tổ chức; chữ ký của cá nhân hoặc của người đại diện theo ủy quyền trong trường hợp Nguyên đơn là cá nhân
VTA có thể gửi ngay Thông báo và Đơn khởi kiện của Nguyên đơn cho Bị đơn trong trường hợp Nguyên đơn đã nộp Đơn khởi kiện theo Khoản 2 Điều 7 Quy tắc VTA và Nguyên đơn nộp đủ phí trọng tài theo Quy định tại Điều 35 Quy tắc VTA.
Theo Điều 8 Quy tắc VTA, trừ khi các bên có thỏa thuận khác về thời hạn, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày VTA nhận được Đơn khởi kiện, thỏa thuận trọng tài, các tài liệu khác có liên quan và phí trọng tài quy định tại Điều 35 của Quy tắc VTA, VTA gửi tới Bị đơn Thông báo, Đơn khởi kiện, thỏa thuận trọng tài và các tài liệu khác có liên quan.
Các tài liệu kèm theo Đơn khởi kiện, Bản tự bảo vệ, Đơn kiện lại và các tài liệu khác có thể là bản chính, bản sao hoặc bản sao có công chứng. Trong trường hợp cần thiết Hội đồng Trọng tài có thể yêu cầu các bên cung cấp tài liệu theo hình thức mà Hội đồng Trọng tài quyết định.
Thông báo, tài liệu có thể nộp trực tiếp tại VTA hoặc Chi nhánh của VTA được VTA ủy quyền bằng những hình thức sau:
- Thư bảo đảm, chuyển phát nhanh;
- Thư điện tử (email);
- Fax;
- Nộp trực tiếp tại VTA hoặc Chi nhánh của VTA được VTA ủy quyền.
Theo Khoản 1 Điều 3 Quy tắc VTA, Thông báo, tài liệu do một bên gửi tới VTA phải đủ số bản để VTA gửi cho thành viên của Hội đồng Trọng tài mỗi người một bản, cho bên kia một bản và lưu một bản. Từ thực tiễn giải quyết tranh chấp tại VTA, nếu Hội đồng Trọng tài gồm ba Trọng tài viên thì số bản mỗi bên phải gửi là năm (05). Nếu Hội đồng Trọng tài gồm một trọng tài viên thì số bản mỗi bên phải gửi là ba (03). Khi gửi thông báo, tài liệu tới VTA bằng fax hoặc thư điện tử, các bên phải đồng thời gửi các thông báo, tài liệu đó tới VTA với số bản nêu trên qua phương thức thư bảo đảm, chuyển phát nhanh hoặc nộp trực tiếp tại VTA.
Tố tụng trọng tài tại VTA bắt đầu bằng việc Nguyên đơn gửi Đơn khởi kiện tới VTA.
Quy tắc VTA không quy định về thời điểm kết thúc tố tụng trọng tài nhưng theo Khoản 10 Điều 43 Luật Trọng tài thương mại thì tố tụng trọng tài chấm dứt từ thời điểm Hội đồng Trọng tài ban hành (lập) Phán quyết trọng tài.