Quy tắc tố tụng trọng tài

Quy tắc tố tụng trọng tài củaVTA được áp dụng để giải quyết các vụ tranh chấp tại Trung tâm Trọng tài Thương nhân Việt Nam

Điều khoản trọng tài mẫu

VTA khuyến nghị các bên đưa điều khoản trọng tài sau đây vào ngay trong hợp đồng

Biểu phí trọng tài

Biểu phí của Trung tâm trọng tài thương nhân Việt Nam áp dụng từ 20/07/2018

Danh sách trọng tài viên

Danh sách các trọng tài viên hiện đang tham gia vào VTA

Tin tức khác

17 10/2024
Phát triển Trọng tài Thương mại tại Việt Nam: Những lợi ích từ góc độ kinh tế và đào tạo pháp lý

Trong tháng 9 năm 2024 tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, BritCham Việt Nam đã tổ chức Hội thảo Loseby Lecture 2024 với chủ đề “Phát triển Trọng tài Thương mại tại Việt Nam: Những lợi ích từ góc độ kinh tế và đào tạo pháp lý”. Bài giảng Loseby 2024 được trình bày bởi Trọng tài viên, TS. Đặng Xuân Hợp, Chủ tịch Hop Dang’s Chamber. Với sự cho phép của đơn vị tổ chức và tác giả, VTA hân hạnh được giới thiệu toàn văn bài giảng đầy cảm hứng này.

26 9/2024
Tìm kiếm và Bổ nhiệm Chuyên gia

Bài viết này là phần mở rộng của bài thuyết trình mà tác giả đã trình bày tại Hội nghị BICAM trong khuôn khổ Tuần lễ ADR Borneo 2024, diễn ra vào ngày 15 tháng 7 năm 2024. Bài thuyết trình tập trung vào chủ đề ‘Tìm kiếm và Bổ nhiệm Nhân chứng Chuyên gia’. Trong bài viết này, chúng ta sẽ thảo luận về các tiêu chuẩn được quốc tế công nhận liên quan đến việc bổ nhiệm chuyên gia bởi hội đồng trọng tài hoặc các bên tranh chấp trong quá trình trọng tài quốc tế. Chúng ta sẽ không đề cập đến các trọng tài viên - chuyên gia hoặc các quyết định của chuyên gia.

18 9/2024
Một Bước Tiến Quan Trọng trong Sự Phát Triển của Trọng Tài tại Kazakhstan

Gần đây, một sự kiện quan trọng đã diễn ra trong việc thúc đẩy trọng tài như một phương thức giải quyết tranh chấp thay thế tại Kazakhstan. Vào ngày 13 tháng 9 năm 2024, Tòa án Hiến pháp Cộng hòa Kazakhstan đã thông qua Nghị quyết thi hành số 51-НП “Về tính phù hợp của Khoản 3 Điều 52 Luật Cộng hòa Kazakhstan về Trọng tài, ngày 8 tháng 4 năm 2016, với Hiến pháp Cộng hòa Kazakhstan”.

27 8/2024
Vai trò của Luật sư trong tương lai của Trọng tài thương mại việt nam

Chủ đề trình bày của TS. Đặng Xuân Hợp, Trọng tài viên [HopDang's Chambers] là về vai trò của luật sư trong tương lai ngành trọng tài thương mại (TTTM) ở Việt Nam. Trọng tài viên Đặng Xuân Hợp nhận định: các luật sư sẽ đóng một vai trò quyết định phần lớn, và ít nhất là trên 50%, sự thành công trong việc phát triển lĩnh vực TTTM ở Việt Nam trong 10 năm, 20 năm tới và hơn nữa.

Quản lý và điều hành công ty cổ phần: Chủ tịch hay tổng giám đốc có thẩm quyền cao hơn?

LS. Phương Đặng(*) (KTSG) – Trong Bản án sơ thẩm số 1297/2017/KDTM-ST ngày 22-09-2017 của TAND TPHCM về tranh chấp giữa thành viên công ty và công ty, phía nguyên đơn là bà L.H.D.Th đã có một trong số các yêu cầu khởi kiện là yêu cầu Hội đồng xét xử hủy bỏ quyết định bãi nhiệm chức danh phó tổng giám đốc thường trực mà ông Đ.L.N.V. đã ký với tư cách là chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) vì cho đây là sự lạm quyền. Chiếu theo điều lệ hay Luật Doanh nghiệp 2014, chủ tịch HĐQT không có thẩm quyền phù hợp, mà thuộc thẩm quyền của HĐQT và yêu cầu này vào lúc đó đã được Hội đồng xét xử chấp thuận(1).

20:57 27/08/2024 by VTA

Ông chủ tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam những năm 2015-2016 nơi tôi làm việc khoảng gần mười năm trước và một vị tôi được dịp tư vấn gần đây – ông chủ một tập đoàn cũng thuộc vào hàng tốp 1 trong lĩnh vực hoạt động – đều giữ chức danh chủ tịch HĐQT của tập đoàn. Hai ông chủ này cũng giống vị chủ tịch là bị đơn trong vụ án năm 2017 đều cho rằng “Chủ tịch HĐQT có thẩm quyền cao hơn tổng giám đốc (TGĐ) trong quản lý và điều hành doanh nghiệp mà việc ban hành quyết định bãi nhiệm chức danh phó TGĐ thường trực bị yêu cầu hủy bỏ trong vụ án nói trên là ví dụ điển hình.

Chủ tịch HĐQT “cao” hơn TGĐ: không chính xác

Người viết muốn khẳng định rằng “cách hiểu” này là không chính xác và sự hiểu lầm này cần phải được nhìn nhận lại theo đúng bản chất của chức danh và quy định của pháp luật hiện hành.

Trước hết, pháp luật hiện hành cho phép công ty cổ phần(2) lựa chọn mô hình quản lý, điều hành giữa “Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc”(3) hoặc “Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc”. Như vậy, chức danh chủ tịch HĐQT và TGĐ là hai trong số các chức danh quản trị, điều hành(4) của một công ty cổ phần. Hai chức danh này được quy định cụ thể, rõ ràng về quyền hạn, trách nhiệm liên quan trong pháp luật. Tuy nhiên, nhà làm luật cũng để lại “room” cho các cổ đông được quyết định và trao quyền nhất định theo đặc thù của công ty mình lập ra, được quy định trong điều lệ.

Không có điều khoản quy định Chủ tịch HĐQT thẩm quyền quyết định hay phủ quyết

Với chức danh chủ tịch HĐQT, pháp luật quy định: “Chủ tịch HĐQT do HĐQT bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm trong số các thành viên HĐQT”(5) và chủ tịch HĐQT có quyền và nghĩa vụ sau đây:

a. Lập chương trình, kế hoạch hoạt động của hội đồng quản trị; b. Chuẩn bị chương trình, nội dung, tài liệu phục vụ cuộc họp; triệu tập, chủ trì và làm chủ tọa cuộc họp hội đồng quản trị; c. Tổ chức việc thông qua nghị quyết, quyết định của hội đồng quản trị; d. Giám sát quá trình tổ chức thực hiện các nghị quyết, quyết định của hội đồng quản trị; đ. Chủ tọa cuộc họp đại hội đồng cổ đông; e. Quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của luật này và điều lệ công ty”(6).

Theo đó, quyền, nhiệm vụ của chức danh chủ tịch HĐQT là người giữ vai trò đại diện thường xuyên, thường trực để tổ chức, hoạt động cho HĐQT để cơ quan này thực hiện được các quyền, nghĩa vụ của mình(7). Trong nội dung trên không có điều khoản nào cho chủ tịch HĐQT thẩm quyền quyết định hay phủ quyết bất cứ nội dung hay phạm vi lĩnh vực nào liên quan đến hoạt động điều hành, quản lý doanh nghiệp. Đối với quy định mở tại điểm e “quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của luật này và điều lệ công ty” là “room” mà các ông chủ (cổ đông) sẽ bổ sung thêm quyền cho “Chủ tịch HĐQT” của công ty mình nhưng cần khẳng định rằng dù được trao thêm quyền, quyền của chủ tịch HĐQT không thể hoặc không bao gồm hoặc không thể thay thế quyền luật định được trao cho HĐQT.

Đây chính là điểm mấu chốt gây ra hiểu lầm rằng: “Chủ tịch HĐQT có quyền hạn cao hơn TGĐ” – ứng xử xuất phát từ sự hiểu lầm chính là vì đã trao cho chủ tịch HĐQT không đúng quyền hạn của HĐQT.

HĐQT, trong hoạt động điều hành, quản lý công ty cổ phần có quyền hạn và nhiệm vụ sau:

“a. Quyết định chiến lược, kế hoạch phát triển trung hạn và kế hoạch kinh doanh hàng năm của công ty;… b. Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm chủ tịch HĐQT; bổ nhiệm, miễn nhiệm, ký kết hợp đồng, chấm dứt hợp đồng đối với giám đốc hoặc TGĐ và người quản lý quan trọng khác do điều lệ công ty quy định…; c. Giám sát, chỉ đạo giám đốc hoặc TGĐ và người quản lý khác trong điều hành công việc kinh doanh hàng ngày của công ty; d. Quyết định cơ cấu tổ chức, quy chế quản lý nội bộ của công ty, quyết định thành lập công ty con, chi nhánh, văn phòng đại diện và việc góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp khác”(8).

Như vậy, quyền “bổ nhiệm, bãi nhiệm các chức danh quan trọng của công ty”, hay “giám sát, chỉ đạo TGĐ” hoặc “quyết định cơ cấu tổ chức của công ty” đều thuộc thẩm quyền “cứng” của HĐQT, là quyền luật định mà không có ngoại lệ. Điều này có nghĩa là thẩm quyền không thể thay thế, không thể bị tước bỏ bằng cách chuyển giao hay ủy quyền dù là một phần hay toàn bộ cho một chủ thể khác.

Bởi lẽ, HĐQT là một cơ quan quyền lực của công ty cổ phần hoạt động theo cơ chế tập thể thông qua các cuộc họp và bỏ phiếu biểu quyết. Việc ủy quyền, chuyển giao thẩm quyền, nhiệm vụ của HĐQT cho bất cứ chủ thể nào, kể cả là chủ tịch HĐQT sẽ làm mất đi tính tập thể đặc thù, vô hiệu hóa cơ chế làm việc dựa trên trí tuệ tập thể của cơ quan quản lý ở một công ty cổ phần; nên cách “ứng xử” như vậy trong nhiều doanh nghiệp hiện nay là không đúng, không chính xác với bản chất của chức danh hay quy định của pháp luật!

Một số quan điểm khác

(i). Quan điểm áp dụng nguyên tắc bắc cầu cho rằng vì HĐQT có thẩm quyền “giám sát, chỉ đạo TGĐ” mà chủ tịch HĐQT lại có quyền “giám sát quá trình tổ chức thực hiện các nghị quyết, quyết định của HĐQT” nên chủ tịch HĐQT có quyền giám sát, chỉ đạo TGĐ. Ý kiến này vừa không chính xác về cách áp dụng nguyên tắc, vừa sai về cách hiểu luật và áp dụng pháp luật.

Trước hết, HĐQT có thẩm quyền giám sát, chỉ đạo TGĐ nhưng thẩm quyền này phải thể hiện bằng quyền lực của HĐQT với vai trò là một tập thể, thông qua họp, ban hành các nghị quyết, quyết định đúng thẩm quyền. Thứ nữa, giả định ở vị trí của chủ tịch HĐQT khi thực hiện giám sát quá trình tổ chức thực hiện các nghị quyết, quyết định của HĐQT và phát hiện TGĐ hoặc các chức danh quản lý khác thực hiện không đúng, vi phạm các nghị quyết này thì chủ tịch HĐQT phải báo cáo, thông tin cho HĐQT để hội đồng xem xét thực hiện các quyền về nhân sự như “miễn nhiệm, bãi nhiệm” các chức danh quản lý; chủ tịch HĐQT không được trao quyền hành động theo bất cứ cách nào khác.

(ii). Quan điểm cho rằng nếu chủ tịch HĐQT đồng thời là người đại diện pháp luật thì chủ tịch HĐQT có thẩm quyền lớn nhất (hơn cả TGĐ). Nhưng đối với quan điểm này, e rằng học giả đã có sự nhầm lẫn về quan hệ pháp luật – người đại diện pháp luật là người đại diện, thay mặt doanh nghiệp trong quan hệ với bên thứ ba(9); còn chủ tịch HĐQT và TGĐ, là chức danh trong quản trị, điều hành tại doanh nghiệp. Nếu chủ tịch HĐQT đồng thời là người đại diện pháp luật thì chủ tịch HĐQT cũng không thể được trao quyền thay mặt cho HĐQT với vai trò là cơ quan quản lý, điều hành tại công ty.

Trở lại với câu chuyện hiểu lầm, có lẽ xuất phát từ yếu tố văn hóa, lịch sử của Việt Nam và cách sử dụng từ ngữ mang tính trọng quyền nên chức danh “Chủ tịch HĐQT” hay được diễn giải theo ý nghĩa có quyền hạn cao nhất tại một doanh nghiệp. Tuy nhiên, như đã phân tích trên có lẽ các vị chủ tịch HĐQT nên trả lại cho chức danh này đúng ý nghĩa, bản chất của nó và hành xử theo đúng những gì mà pháp luật quy định và ghi nhận cho mình.

(*) Trọng tài viên – Trung tâm Trọng tài Thương nhân Việt Nam

(1) https://congbobanan.toaan.gov.vn/2ta171901t1cvn/chi-tiet-ban-an, truy cập ngày 17-4-2024.

(2) Công ty cổ phần đại chúng, niêm yết phải tuân theo mô hình quản lý, điều hành chặt chẽ hơn theo quy định của Luật Chứng khoán 2019.

(3) Điểm a khoản 1 điều 137 Luật Doanh nghiệp 2020

(4) Khoản 24 điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020.

(5) Khoản 1 điều 156 Luật Doanh nghiệp 2020

(6) Khoản 3 điều 156 Luật Doanh nghiệp 2020.

(7) Hội đồng quản trị là cơ quan quản lý công ty, có toàn quyền nhân danh công ty để quyết định, thực hiện quyền và nghĩa vụ của công ty, trừ các quyền và nghĩa vụ thuộc thẩm quyền của đại hội đồng cổ đông.

(8) Lược trích khoản 2 điều 153 Luật Doanh nghiệp 2020.

(9) Khoản 1 điều 12 Luật Doanh nghiệp 2020.

Theo Saigontimes.