Quy tắc tố tụng trọng tài

Quy tắc tố tụng trọng tài củaVTA được áp dụng để giải quyết các vụ tranh chấp tại Trung tâm Trọng tài Thương nhân Việt Nam

Điều khoản trọng tài mẫu

VTA khuyến nghị các bên đưa điều khoản trọng tài sau đây vào ngay trong hợp đồng

Biểu phí trọng tài

Biểu phí của Trung tâm trọng tài thương nhân Việt Nam áp dụng từ 20/07/2018

Danh sách trọng tài viên

Danh sách các trọng tài viên hiện đang tham gia vào VTA

Tin tức khác

26 9/2024
Tìm kiếm và Bổ nhiệm Chuyên gia

Bài viết này là phần mở rộng của bài thuyết trình mà tác giả đã trình bày tại Hội nghị BICAM trong khuôn khổ Tuần lễ ADR Borneo 2024, diễn ra vào ngày 15 tháng 7 năm 2024. Bài thuyết trình tập trung vào chủ đề ‘Tìm kiếm và Bổ nhiệm Nhân chứng Chuyên gia’. Trong bài viết này, chúng ta sẽ thảo luận về các tiêu chuẩn được quốc tế công nhận liên quan đến việc bổ nhiệm chuyên gia bởi hội đồng trọng tài hoặc các bên tranh chấp trong quá trình trọng tài quốc tế. Chúng ta sẽ không đề cập đến các trọng tài viên - chuyên gia hoặc các quyết định của chuyên gia.

18 9/2024
Một Bước Tiến Quan Trọng trong Sự Phát Triển của Trọng Tài tại Kazakhstan

Gần đây, một sự kiện quan trọng đã diễn ra trong việc thúc đẩy trọng tài như một phương thức giải quyết tranh chấp thay thế tại Kazakhstan. Vào ngày 13 tháng 9 năm 2024, Tòa án Hiến pháp Cộng hòa Kazakhstan đã thông qua Nghị quyết thi hành số 51-НП “Về tính phù hợp của Khoản 3 Điều 52 Luật Cộng hòa Kazakhstan về Trọng tài, ngày 8 tháng 4 năm 2016, với Hiến pháp Cộng hòa Kazakhstan”.

27 8/2024
Vai trò của Luật sư trong tương lai của Trọng tài thương mại việt nam

Chủ đề trình bày của TS. Đặng Xuân Hợp, Trọng tài viên [HopDang's Chambers] là về vai trò của luật sư trong tương lai ngành trọng tài thương mại (TTTM) ở Việt Nam. Trọng tài viên Đặng Xuân Hợp nhận định: các luật sư sẽ đóng một vai trò quyết định phần lớn, và ít nhất là trên 50%, sự thành công trong việc phát triển lĩnh vực TTTM ở Việt Nam trong 10 năm, 20 năm tới và hơn nữa.

27 8/2024
Chi phí trong một vụ tranh chấp trọng tài tại Việt Nam

Việc tối ưu hóa chi phí trong tố tụng trọng tài đã và đang trở thành chủ đề được thảo luận khá nhiều trong thời kỳ mà phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại đang trở nên phổ biến tại Việt Nam. Một luật sư không cân nhắc hoặc không có kỹ năng để cân nhắc vấn đề này có khả năng sẽ gây ra tổn hại lớn cho khách hàng, vì phí trọng tài cần nộp đầy đủ trong giai đoạn đầu luôn tỷ lệ thuận với giá trị tranh chấp trong các yêu cầu khởi kiện hoặc yêu cầu kiện lại, nghĩa là giá trị tranh chấp càng lớn thì phí trọng tài càng cao.

THẨM QUYỀN CỦA TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI: Đối với các tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Trọng tài

Thẩm quyền của Trọng tài được quy định tại Điều 2 Luật Trọng tài Thương mại năm 2010; theo đó Trọng tài thương mại được giải quyết các tranh chấp: Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại (Khoản 1); Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại (Khoản 2); và Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Trọng tài (Khoản 3).

20:57 27/08/2024 by VTA

Nếu như thẩm quyền của Trọng tài đối với việc giải quyết các tranh chấp quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 có thể được xác định khá rõ; thì thẩm quyền của Trọng tài thương mại đối với “Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Trọng tài” (Khoản 3) cần được xác định căn cứ vào các văn bản pháp luật có liên quan. Trên cơ sở quy định pháp luật hiện hành, bài viết này sẽ xác định các “tranh chấp khác giữa các bên” là những tranh chấp nào mà khi phát sinh sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết của Trọng tài thương mại.

Pháp luật về Đầu tư

Nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, hoạt động đầu tư diễn ra khá mạnh mẽ và trên nhiều lĩnh vực khác nhau, theo đó các tranh chấp trong quá trình đầu tư ngày càng phức tạp, pháp luật hiện hành không chỉ cho phép Trọng tài thương mại trong nước mà các Trung tâm trọng tài nước ngoài cũng có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp trong hoạt động đầu tư.

Thẩm quyền giải quyết tranh chấp của Trọng tài Thương mại được quy định tại định tại Điều 14 Luật Đầu tư năm 2014. Theo đó, Tranh chấp liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam được giải quyết thông qua thương lượng, hòa giải. Trường hợp không thương lượng, hòa giải được thì tranh chấp được giải quyết tại Trọng tài hoặc Tòa án; Cụ thể: (i) Tranh chấp giữa các nhà đầu tư trong nước, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài hoặc giữa nhà đầu tư trong nước, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài với cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam được giải quyết thông qua Trọng tài Việt Nam hoặc Tòa án Việt Nam, trừ trường hợp (ii) Tranh chấp giữa các nhà đầu tư trong đó có ít nhất một bên là nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế quy định tại khoản 1 Điều 23 của Luật Đầu tư được giải quyết thông qua một trong những cơ quan, tổ chức sau đây: Tòa án Việt Nam, Trọng tài Việt Nam, Trọng tài nước ngoài, Trọng tài quốc tế, Trọng tài do các bên tranh chấp thỏa thuận thành lập; (iii) Tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài với cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam được giải quyết thông qua Trọng tài Việt Nam hoặc Tòa án Việt Nam, trừ trường hợp có thỏa thuận khác theo hợp đồng hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác.

Pháp luật về Doanh nghiệp

Luật Doanh nghiệp 2014 kế thừa những nội dung tiến bộ của Luật doanh nghiệp 2005, đồng thời bổ sung rất nhiều điểm mới tích cực, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, phù hợp hơn với thông lệ quốc tế. 

Điều 147 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định: Trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày nhận được biên bản họp Đại hội đồng cổ đông hoặc biên bản kết quả kiểm phiếu lấy ý kiến Đại hội đồng cổ đông, cổ đông, nhóm cổ đông quy định tại khoản 2 Điều 114 của Luật Doanh nghiệp có quyền yêu cầu Tòa án hoặc Trọng tài xem xét, hủy bỏ nghị quyết hoặc một phần nội dung nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông trong các trường hợp: (i) Trình tự và thủ tục triệu tập họp và ra quyết định của Đại hội đồng cổ đông không thực hiện đúng theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 148 của Luật Doanh nghiệp; (ii) Nội dung nghị quyết vi phạm háp luật và Điều lệ công ty.

Tại Điều 63 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định: Trường hợp Điều lệ công ty không có quy định khác, nghị quyết của Hội đồng thành viên có hiệu lực thi hành kể từ ngày được thông qua hoặc từ ngày có hiệu lực được ghi tại nghị quyết đó.

Trường hợp thành viên, nhóm thành viên yêu cầu Tòa án hoặc Trọng tài hủy bỏ nghị quyết đã được thông qua thì nghị quyết đó vẫn có hiệu lực thi hành cho đến khi có quyết định của Tòa án hoặc Trọng tài có hiệu lực thi hành.

Như vậy, Luật doanh nghiệp 2014 không chỉ cho phép các cổ đông, thành viên góp vốn được quyền yêu cầu hủy bỏ Nghị quyết của đại hội đồng cổ đông, Nghị quyết của Hội đồng thành viên mà còn tạo hành lang cho họ được lựa chọn phương thức tố tụng Trọng tài thương mại hoặc Tòa án để thực hiện quyền này.  

Pháp luật về Xây dựng

Các tranh chấp trong lĩnh vực xây dựng chủ yếu liên quan đến Hợp đồng xây dựng (thi công, tư vấn giám sát, thiết kế, cung cấp nhân lực, chìa khóa trao tay…), các hợp đồng này phần lớn là đồng mẫu hoặc các điều khoản của hợp đồng được quy định khá rõ tại Nghị định 37/2015/NĐ-CP ngày 22/05/2015 và hướng dẫn chi tiết tại các Thông tư của Bộ Xây dựng ban hành.

Khi phát sinh tranh chấp các bên phải theo nguyên tắc và trình tự quy định tại Khoản 8 Điều 146 Luật Xây dựng năm 2014: (i) Tôn trọng các thỏa thuận hợp đồng và các cam kết trong quá trình thực hiện hợp đồng, bảo đảm bình đẳng và hợp tác; (ii)Các bên hợp đồng có trách nhiệm tự thương lượng giải quyết tranh chấp. Trường hợp các bên hợp đồng không tự thương lượng được thì tranh chấp được giải quyết thông qua hòa giải, trọng tài thương mại hoặc tòa án theo quy định của pháp luật.

Qua quy định này chúng ta có thể nhận định: Trong quá trình đàm phán, ký kết hợp đồng xây dựng các bên có quyền thỏa thuận điều khoản Trọng tài trong hợp đồng xây dựng hoặc khi phát sinh tranh chấp các bên có thể lựa chọn Trọng tài thương mại để giải quyết tranh chấp.

Pháp luật về Chứng khoán

Các chủ thể tham gia thị trường chứng khoán bao gồm: Nhà phát hành (cung cấp chứng khoán, chủ yếu các công ty đại chúng, các tổ chức tài chính…); nhà đầu tư (các cá nhân, các tổ chức mua bán chứng khoán); Các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến thị trường chứng khoán như: Bộ Tài chính, Ủy ban chứng khoán, Sở Giao dịch chứng khoán, các công ty chứng khoán, các công ty quản lý quỹ chứng khoản, Quỹ đầu tư chứng khoán, các công ty kiểm toán độc lập….

Thị trường chứng khoán Việt Nam khá non trẻ và Luật chứng khoán 2006 cũng là văn bản Luật đầu tiên điều chỉnh thị trường này (trước đó chỉ là Nghị định, Thông tư..) và tại Khoản 1 Điều 131 Luật chứng khoán năm 2006 đã có quy định: Tranh chấp phát sinh trong hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán tại Việt Nam có thể được giải quyết thông qua thương lượng, hoà giải hoặc yêu cầu Trọng tài hoặc Toà án giải quyết theo quy định của pháp luật.

Như vậy, trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, Trọng tài là một trong các phương thức giải quyết tranh chấp, bên cạnh thương lượng, hòa giải, Tòa án. Nói cách khác Trọng tài không phải là cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, nhưng là cơ chế để các bên tranh chấp có thể lựa chọn nhằm giải quyết các tranh chấp phát sinh.

Pháp luật về Hàng không dân dụng

Điều 173 Luật Hàng không dân dụng 2006 sửa đổi bổ sung 2014 quy định:  (i) Các bên của hợp đồng vận chuyển hàng hóa có thể thoả thuận giải quyết tranh chấp phát sinh bằng Trọng tài. Thoả thuận trọng tài phải được lập thành văn bản; (ii) Đối với tranh chấp phát sinh từ hợp đồng vận chuyển hàng hóa quốc tế liên quan đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người vận chuyển, việc giải quyết bằng Trọng tài tại Việt Nam chỉ được thực hiện trong các trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 172 của Luật Hàng không dân dụng; Quy định này được coi là một phần của bất kỳ điều khoản hoặc thoả thuận trọng tài nào. Mọi điều khoản và thoả thuận trọng tài trái với quy định này đều bị coi là vô hiệu.

Tuy nhiên khi xem xét các bên trong Hợp đồng vận chuyển hàng hóa quốc tế liên quan đến trách nhiệm bồi thường quy định tại Điều luật này, cần lưu ý: Người vận chuyển có trụ sở chính hoặc địa điểm kinh doanh chính tại Việt Nam; Người vận chuyển có địa điểm kinh doanh và giao kết hợp đồng vận chuyển tại Việt Nam; Việt Nam là địa điểm đến của hành trình vận chuyển.

Và hợp đồng vận chuyển quốc tế mà theo thoả thuận của các bên trong hợp đồng, địa điểm xuất phát và địa điểm đến trên lãnh thổ của hai quốc gia hoặc trên lãnh thổ của một quốc gia nhưng có địa điểm dừng thoả thuận trên lãnh thổ của một quốc gia khác, không kể có gián đoạn trong vận chuyển hoặc chuyển tải.

Pháp luật Hàng hải

Có thể nói rằng trong lĩnh vực hàng hải, pháp luật đã quy định khá rõ nét về khái niệm, nguyên tắc giải quyết, thẩm quyền và tố tụng trong Bộ luật Hàng hải 2015. Tranh chấp hàng hải được hiểu là các tranh chấp phát sinh liên quan đến hoạt động hàng hải (các hoạt động có liên quan về tàu biển, thuyền viên, cảng biển, luồng hàng hải, cảng cạn, vận tải biển, an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, bảo vệ môi trường biển, quản lý nhà nước về hàng hải). 

Tại Điều 338 Bộ luật Hàng hải 2015 quy định nguyên tắc giải quyết tranh chấp hàng hải: (i) Các bên liên quan có thể giải quyết tranh chấp hàng hải bằng thương lượng, thỏa thuận hoặc khởi kiện tại Trọng tài hoặc Tòa án có thẩm quyền; (ii) Tranh chấp hàng hải được Trọng tài hoặc Tòa án giải quyết theo thẩm quyền thủ tục do pháp luật quy định

Và Điều 339 quy định rõ hơn về chủ thể trong quan hệ tranh chấp hàng hải quy định: (i) Trường hợp hợp đồng có ít nhất một bên là tổ chức, cá nhân nước ngoài thì các bên tham gia hợp đồng có thể thỏa thuận đưa tranh chấp ra giải quyết tại Trọng tài hoặc Tòa án ở nước ngoài; (ii) Trường hợp các bên liên quan đến tranh chấp hàng hải đều là tổ chức, cá nhân nước ngoài và có thỏa thuận bằng văn bản giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài Việt Nam thì Trọng tài Việt Nam có quyền giải quyết đối với tranh chấp hàng hải đó, ngay cả khi nơi xảy ra tranh chấp ngoài lãnh thổ Việt Nam; (ii) Tranh chấp hàng hải tại (ii) cũng có thể được giải quyết tại Tòa án Việt Nam nếu căn cứ xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ giữa các bên liên quan đến tranh chấp hàng hải theo pháp luật Việt Nam hoặc tài sản liên quan đến quan hệ đó ở Việt Nam.

Cũng như Luật Đầu tư 2014, Bộ Luật Hàng hải 2015 cho phép các Trung tâm Trọng tài nước ngoài được giải quyết các tranh chấp có liên quan khi có ít nhất một bên là nước ngoài. Điều này mở rộng thêm phạm vi lựa chọn Trọng tài của các bên tranh chấp, phù hợp hơn với thông lệ quốc tế.

Pháp luật về Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Trong những năm gần đây, người tiêu dùng đã tiến hành khởi kiện bên cung cấp hàng hóa, dịch vụ khá nhiều vì họ cho rằng, quyền và lợi ích của họ đã bị xâm phạm. Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 tại Điều 30 quy định: (i) Tranh chấp phát sinh giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ được giải quyết thông qua: Thương lượng, Hòa giải, Trọng tài, Tòa án; (ii) Không được thương lượng, hòa giải trong trường hợp tranh chấp gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích của nhiều người tiêu dùng, lợi ích công cộng.

Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ phải thông báo về điều khoản trọng tài trước khi giao kết hợp đồng và được người tiêu dùng chấp thuận. Trường hợp điều khoản trọng tài do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đưa vào hợp đồng theo mẫu hoặc điều kiện giao dịch chung thì khi xảy ra tranh chấp, người tiêu dùng là cá nhân có quyền lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp khác.

Thông qua điều luật này, chúng ta thấy, người tiêu dùng hoàn toàn chủ động trong việc lựa chọn giữa Tòa án, Trọng tài là phương thức giải quyết tranh chấp, kể cả trong trường hợp có thỏa thuận Trọng tài.

Theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, khi có Thỏa thuận trọng tài mà thỏa thuận đó có giá trị pháp lý thì Tòa án sẽ từ chối nhận đơn khởi kiện của người khởi kiện và hướng dẫn người khởi kiện nộp đơn kiện tại Trung tâm trọng tài mà các bên đã chọn. Tuy nhiên với Điều 38 này, người tiêu dùng vẫn có thể yêu cầu Tòa án thụ lý đơn kiện và giải quyết vụ án nếu người tiêu dùng khởi kiện nhà cung cấp hàng hóa dịch vụ.

Pháp luật về Môi trường

Trong Luật bảo vệ môi trường 2014 không quy định thẩm quyền của Trọng tài được giải quyết tranh chấp về môi trường, nhưng tại Điều 14 Nghị định 03/2015/NĐ-CP ngày 06/01/2015 hướng dẫn Luật bảo vệ môi trường 2015 quy định việc giải quyết bồi thường thiệt hại đối với môi trường, theo đó: Trên cơ sở dữ liệu, chứng cứ và kết quả tính toán thiệt hại, cơ quan quy định tại Khoản 2 Điều 3 Nghị định này quyết định giải quyết bồi thường theo các hình thức: Thỏa thuận việc bồi thường với người gây thiệt hại, yêu cầu trọng tài giải quyết, khởi kiện tại tòa án.

Pháp luật về chuyển giao công nghệ.

Trước đây tại Điều 55 Luật chuyển giao công nghệ 2006 có quy định việc giải quyết tranh chấp trong hoạt động chuyển giao công nghệ được thực hiện bằng các hình thức : Thương lượng giữa các bên, hòa giải giữa các bên do một tổ chức hoặc cá nhân được các bên thỏa thuận chọn làm trung gian hòa giải, giải quyết tại Trọng tài hoặc Tòa án trong nước hoặc nước ngoài. Nhưng đến khi Luật chuyển giao công nghệ năm 2017 (có hiệu lực thi hành ngày 01/07/2018) thì không có điều khoản quy định rõ giải quyết tranh chấp trong hoạt động chuyển giao công nghệ bằng Trọng tài. Tuy nhiên tôi cho rằng, Hợp đồng chuyển giao công nghệ là một trong những giao dịch dân sự có tính quốc tế rất phổ biến. Để đa dạng hóa phương thức giải quyết tranh chấp và phù hợp với xu hướng chung của thế giới, pháp luật nên quy định hình thức giải quyết bằng Trọng tài như là một sự lựa chọn của các bên khi có phát sinh tranh chấp.

Kết luận

Thẩm quyền giải quyết của Trọng tài có phạm vi khá rộng, không chỉ các tranh chấp ít nhất một bên có hoạt động thương mại mà còn có các tranh chấp khác không phát sinh trong hoạt động thương mại thì Trọng tài vẫn có thẩm quyền giải quyết khi có quy định của pháp luật nhưng khi giải quyết tranh chấp đó buộc phải viện dẫn các quy định của pháp luật có liên quan và Khoản 3 Điều 2 Luật Trọng tài thương mại năm 2010.

Chúng ta biết rằng: Hạn chế của phương pháp liệt kê có thể dẫn đến sự thiếu sót, tác giả bài viết này đã cố gắng liệt kê trên đây những lĩnh vực quan trọng mà pháp luật chuyên ngành đã quy định khi có tranh chấp các bên có thể thỏa thuận lựa chọn Trọng tài là phương thức giải quyết. Tác giả mong muốn nhận được sự góp ý, chia sẽ thêm từ các đồng nghiệp là Trọng tài viên, Luật sư và các chuyên gia pháp lý nhằm làm rõ hơn quy định tại Khoản 3 Điều 2 Luật Trọng tài thương mại năm 2010.

 Trọng tài viên Hoàng Văn Tài