THƯ CẢM ƠN & TỔNG KẾT WEBINAR “Pháp luật Dữ liệu – Giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài”
Hội thảo trực tuyến | Ngày 02/04/2025 | Trung tâm Trọng tài Thương nhân Việt Nam (VTA)
Ngày 02/04/2025, Trung tâm Trọng tài Thương nhân Việt Nam (VTA) đã tổ chức thành công Hội thảo trực tuyến với chủ đề “Luật Dữ liệu & Giải quyết Tranh chấp bằng Trọng tài”. Sự kiện diễn ra trên nền tảng Zoom, với sự đồng hành chuyên môn của các tổ chức uy tín gồm: Dentons LuatViet, Nishimura & Asahi, Veron Group (Hoa Kỳ) và Vietnam Data Protection – Privacy Compliance.
Chương trình đã thu hút sự tham gia của đông đảo chuyên gia pháp lý, luật sư, trọng tài viên, doanh nghiệp công nghệ và giới nghiên cứu.
Các diễn giả & điều phối viên tham gia:
- LS Trần Duy Cảnh – Luật sư điều hành, Dentons LuatViet
- TS Dương Văn Thịnh – Phó Chủ tịch Công nghệ AI, Veron Group (Hoa Kỳ)
- ThS Ứng Kim Phượng – Giám đốc Dữ liệu, InnoFlow Data
- LS, TTV VTA Nguyễn Đức Long – Chuyên gia pháp lý về Bảo mật Dữ liệu
- LS Trần Minh Tuấn – Luật sư cao cấp, Nishimura & Asah
- LS Phan Thành Tuấn – Trọng tài viên VTA, Luật sư nội bộ doanh nghiệp
- Điều phối viên: LS. Danh Nguyễn và LS, TTV Đặng Diêu Phương– Phó Chủ tịch VTA
Nội dung hội thảo
🔹 Phần 1: Cập nhật khung pháp lý dữ liệu tại Việt Nam
Luật sư, Trọng tài viên VTA Nguyễn Đức Long đã trình bày bức tranh toàn cảnh về pháp luật dữ liệu cá nhân tại Việt Nam, từ thực trạng phân mảnh pháp lý trước năm 2023 đến các bước tiến đáng kể với việc ban hành Nghị định 13/2023/NĐ-CP và dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Ông nhấn mạnh rằng Nghị định 13 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong việc điều chỉnh toàn diện và trực tiếp hoạt động xử lý dữ liệu cá nhân. Tuy nhiên, quá trình thực thi vẫn còn gặp nhiều khó khăn do thiếu hướng dẫn cụ thể, chưa phân tầng đối tượng, và gây áp lực đáng kể cho các doanh nghiệp có nguồn lực hạn chế. Ông Long cũng giới thiệu một số nội dung mới trong Dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân như: Phân loại dữ liệu cá nhân thành dữ liệu cơ bản và dữ liệu nhạy cảm; Bổ sung quy định về xử lý dữ liệu trong các lĩnh vực đặc thù như AI, tài chính, mạng xã hội; Áp dụng mức xử phạt từ 1%–5% doanh thu đối với tổ chức vi phạm.
Nội dung trình bày của LS Nguyễn Đức Long về Cập nhật khung pháp lý dữ liệu tại Việt Nam
Song song đó, ông cũng đề cập tới Luật Dữ liệu (ban hành 30/11/2024, có hiệu lực từ 01/7/2025), với mục tiêu xây dựng khung pháp lý thống nhất cho việc quản lý, khai thác và chia sẻ dữ liệu, thúc đẩy phát triển Chính phủ số, kinh tế số và thị trường dữ liệu tại Việt Nam.
🔹 Phần 2: Tranh chấp dữ liệu – Góc nhìn từ chuyên gia
🎙️ Theo LS Trần Duy Cảnh
- Các tranh chấp liên quan đến dữ liệu tại Việt Nam hiện vẫn còn khá ít, nếu so với các lĩnh vực tranh chấp khác. Một phần nguyên nhân là do các chủ thể dữ liệu – bao gồm cả doanh nghiệp và cá nhân – chưa thực sự quan tâm đúng mức đến việc bảo vệ dữ liệu, dù đây là vấn đề pháp lý quan trọng. Chỉ từ sau khi Nghị định 13/2023/NĐ-CP được ban hành, mức độ quan tâm và lo ngại về tuân thủ pháp luật dữ liệu mới bắt đầu gia tăng. Trong thực tiễn, các tranh chấp phát sinh chủ yếu đến từ xung đột lợi ích giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp, chẳng hạn: thông tin cá nhân bị tiết lộ ra bên ngoài khi sử dụng dịch vụ hoặc mua hàng. Trong khi đó, tranh chấp giữa bên kiểm soát dữ liệu và bên xử lý dữ liệu – ví dụ giữa một ngân hàng và các đối tác công nghệ như Amazon, Microsoft – hiện vẫn chưa phổ biến, hoặc nếu có thì chưa được công khai. Ngoài ra, ông cũng lưu ý đến nguy cơ từ nhân viên doanh nghiệp làm rò rỉ dữ liệu, dẫn đến tranh chấp giữa cá nhân đó và công ty – đặc biệt trong các lĩnh vực như bất động sản.
- LS Trần Duy Cảnh nhấn mạnh rằng, khi xây dựng hợp đồng liên quan đến xử lý dữ liệu, một trong những điều khoản quan trọng nhất chính là điều khoản về cơ chế giải quyết tranh chấp. Trong bối cảnh các doanh nghiệp ngày càng phải đối mặt với khiếu nại và tranh chấp từ chủ thể dữ liệu – đặc biệt là người tiêu dùng, thì việc chủ động thỏa thuận sử dụng trọng tài thương mại là lựa chọn nên được cân nhắc.
Theo ông, trọng tài là phương thức phù hợp đối với các tranh chấp liên quan dữ liệu vì bảo đảm được tính bảo mật thông tin – yếu tố đặc biệt quan trọng khi xử lý dữ liệu cá nhân và dữ liệu kinh doanh. Đây cũng là lý do nhiều tập đoàn lớn tại các quốc gia phát triển lựa chọn trọng tài thay vì tòa án với nguyên tắc xét xử công khai.
Bên cạnh đó, ông lưu ý rằng trong các hợp đồng giữa bên kiểm soát dữ liệu và bên xử lý dữ liệu, cần quy định rõ ràng: Loại dữ liệu được phép xử lý (không nên chuyển toàn bộ); Mục đích xử lý dữ liệu; Thời gian và địa điểm lưu trữ dữ liệu; Và đặc biệt là việc có hay không được chuyển giao dữ liệu cho bên thứ ba – theo quan điểm của ông, việc cho phép chuyển dữ liệu sang bên thứ ba nên được hạn chế nghiêm ngặt hoặc loại trừ hoàn toàn, trừ khi có sự đồng ý rõ ràng từ chủ thể dữ liệu.
🎙️Theo TS Dương Văn Thịnh
- Trong kỷ nguyên số hiện nay, dữ liệu không chỉ tăng trưởng về quy mô mà còn trở nên ngày càng đa dạng và phức tạp, đặc biệt là khi gắn với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI). Tại phương Tây – đặc biệt là Hoa Kỳ – các vụ kiện liên quan đến dữ liệu diễn ra rất phổ biến, với giá trị tranh chấp có thể lên đến hàng triệu, thậm chí hàng tỷ đô la Mỹ, và trong đó có tới 80% liên quan đến AI và các hệ thống AI agent.
Một trong những nguyên nhân tạo nên tranh chấp là do AI agent tự động thu thập dữ liệu mà không được phép, hoặc sử dụng nguồn dữ liệu không chính thống, gây ra rủi ro pháp lý nghiêm trọng. Việc xác định liệu có sự cho phép hợp pháp để thu thập, xử lý dữ liệu hay không, và ai là người chịu trách nhiệm trong chuỗi phát triển AI, đang là những vấn đề pháp lý rất lớn, ngay cả ở các nước phát triển như Mỹ, Pháp hay Thụy Sĩ.
Ông cũng nhấn mạnh rằng sự “phình to” và phức tạp hóa của dữ liệu khiến quá trình truy vết nguồn dữ liệu ngày càng khó khăn, trong khi khung pháp lý hiện hành chưa bắt kịp thực tiễn công nghệ, làm gia tăng rủi ro và số lượng tranh chấp pháp lý phát sinh từ các mô hình AI.
- TS Dương Văn Thịnh tiếp tục chia sẻ rằng, khi nhắc đến tranh chấp liên quan đến AI và dữ liệu, phần lớn các vấn đề hiện nay đều gắn với AI tạo sinh (generative AI) – đặc biệt là các mô hình ngôn ngữ dữ liệu lớn (Large Language Models – LLMs) và ngôn ngữ dữ liệu nhỏ (Small Language Models – SLMs).
Các quốc gia hiện đang tập trung phát triển và kiểm soát các mô hình AI dựa trên ngôn ngữ dữ liệu lớn, và trong quá trình này, các tổ chức kỹ thuật, học thuật và quản lý nhà nước thường sử dụng một bộ tiêu chí benchmark – tức là tập hợp các chỉ số chuẩn – để đánh giá và kiểm soát sự phát triển, tính minh bạch, độ tin cậy và an toàn của mô hình.
Về mặt lý thuyết, nếu luật pháp có thể bao quát đầy đủ các tiêu chí này, thì hệ thống pháp lý sẽ trở nên tương đối đầy đủ và hiệu quả. Tuy nhiên, trong thực tế, mức độ đa dạng và biến hóa của các mô hình AI tạo sinh vượt xa khả năng tiên lượng của cả giới công nghệ lẫn giới lập pháp. Điều này dẫn đến những khoảng trống pháp lý xuất hiện liên tục, buộc các quốc gia phải thường xuyên điều chỉnh, cập nhật và bổ sung khung pháp lý để theo kịp thực tiễn triển khai công nghệ AI.
Các diễn giả trao đổi trong chủ đề về "Tranh chấp dữ liệu-Góc nhìn từ chuyên gia"
🎙️ThS Ứng Kim Phượng
- Từ góc nhìn của một doanh nghiệp trực tiếp kiểm soát và sử dụng dữ liệu, ThS Ứng Kim Phượng chia sẻ rằng Nghị định 13/2023/NĐ-CP đã thực sự “thay đổi cuộc chơi” trong cách tiếp cận và vận hành dữ liệu tại doanh nghiệp.
Trước đây, các biện pháp phổ biến chủ yếu xoay quanh việc ký thỏa thuận bảo mật (NDA) với đối tác hoặc cá nhân liên quan, cùng với một số hướng dẫn nội bộ về xử lý dữ liệu. Tuy nhiên, từ khi Nghị định 13 có hiệu lực, doanh nghiệp phải triển khai nhiều thủ tục hành chính khắt khe hơn, bao gồm: Đánh giá tác động của việc xử lý dữ liệu, Lập phương án phản ứng khi xảy ra sự cố rò rỉ thông tin, Mã hóa dữ liệu và kiểm soát quyền truy xuất, Xây dựng quy trình xử lý – bảo mật – tuân thủ thống nhất giữa các bên.
Chị nhấn mạnh rằng khi làm việc với đối tác, doanh nghiệp cần thống nhất rõ phạm vi sử dụng dữ liệu, đảm bảo sự đồng thuận của chủ thể dữ liệu, và tuyệt đối không xâm nhập trực tiếp vào dữ liệu cá nhân nếu chưa được cho phép.
Ngoài ra, yếu tố con người – cụ thể là ý thức tuân thủ nội bộ – cũng là điểm mấu chốt. Các quy định nội bộ cần rõ ràng, minh bạch và đi kèm các cơ chế xử lý tranh chấp rõ ràng, đề phòng rủi ro như vụ việc nổi tiếng liên quan đến Meta thu thập dữ liệu của 87 triệu người dùng, trong bối cảnh ranh giới giữa dữ liệu nhạy cảm và không nhạy cảm chưa được xác định rõ ràng.
🔹 Phần 3: Trọng tài – Giải pháp hiệu quả cho tranh chấp dữ liệu
🎙️ LS, TTV Phan Thành Tuấn
- Từ góc độ nghiên cứu và thực tiễn, đặc biệt trong lĩnh vực y tế – nơi dữ liệu cá nhân có độ nhạy cảm rất cao, LS Thành Tuấn khẳng định rằng trọng tài thương mại là một cơ chế giải quyết tranh chấp phù hợp và hữu hiệu đối với các vấn đề liên quan đến dữ liệu.
Một trong những lợi thế nổi bật của trọng tài chính là tính bảo mật trong toàn bộ quá trình tố tụng. Đây là yếu tố đặc biệt quan trọng đối với các bên có yêu cầu giữ kín thông tin dữ liệu, nhất là khi dữ liệu đó liên quan đến khách hàng, bệnh nhân hoặc các bí mật thương mại. Diễn giả nhấn mạnh: “Khi một bên đã coi dữ liệu là tài sản bảo mật, họ cũng có quyền kỳ vọng rằng quy trình giải quyết tranh chấp phải bảo mật tương xứng.”
Ngoài ra, theo quy định của Luật Trọng tài Thương mại Việt Nam, cũng như thông lệ quốc tế, các Phiên họp giải quyết tranh chấp bằng trọng tài không công khai, và Phán quyết trọng tài không bắt buộc phải công bố công khai, trái ngược với nguyên tắc xét xử công khai và công bố bản án của tòa án. Chính vì vậy, trọng tài thường được các tổ chức – đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ, dữ liệu và y tế – ưu tiên lựa chọn để bảo đảm tính kín đáo và linh hoạt.
- LS Thành Tuấn nhấn mạnh rằng, việc soạn thảo điều khoản giải quyết tranh chấp liên quan đến dữ liệu ngay từ giai đoạn ký kết hợp đồng đang nhận được sự quan tâm lớn từ phía doanh nghiệp. Trong trường hợp các bên lựa chọn trọng tài làm cơ chế giải quyết tranh chấp, việc lựa chọn trung tâm trọng tài uy tín, có đội ngũ trọng tài viên có chuyên môn sâu trong lĩnh vực liên quan đến hợp đồng, là yếu tố then chốt để bảo đảm hiệu quả giải quyết tranh chấp.
Ông lưu ý rằng các trung tâm trọng tài hiện nay đều có điều khoản mẫu, thường được đăng tải công khai trên website, bao gồm: tên trung tâm, quy tắc tố tụng áp dụng, nơi giải quyết. Với các giao dịch phức tạp hơn, doanh nghiệp có thể chủ động soạn điều khoản trọng tài chi tiết hơn, bao gồm: Yêu cầu cụ thể về trình độ chuyên môn hoặc kinh nghiệm của trọng tài viên; Thành phần hội đồng trọng tài; Sự tham gia của chuyên gia độc lập hoặc đơn vị kỹ thuật liên quan; Và thậm chí là mở rộng phạm vi thẩm quyền của trọng tài để xử lý toàn diện các vấn đề phát sinh.
Theo ông Tuấn, các luật sư nội bộ doanh nghiệp cần đầu tư kỹ lưỡng hơn cho điều khoản trọng tài, nhất là trong các hợp đồng có yếu tố dữ liệu và công nghệ, nhằm dự liệu trước những tình huống rủi ro và bảo đảm hiệu lực thi hành của phán quyết trọng tài nếu tranh chấp xảy ra.
🎙️LS TTV Nguyễn Đức Long
- Việc cá nhân lựa chọn trọng tài để giải quyết tranh chấp với doanh nghiệp có những hạn chế nhất định bởi cá nhân thường có nhiều lựa chọn các cơ chế khác như gửi đơn khiếu nại đến cơ quan bảo vệ người tiêu dùng hoặc cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Tuy nhiên, đối với tranh chấp giữa các doanh nghiệp, ông Long hoàn toàn đồng tình rằng trọng tài là cơ chế phù hợp và hiệu quả, đặc biệt nhờ ưu điểm về tính nhanh chóng và bảo mật, giúp doanh nghiệp hạn chế gián đoạn hoạt động kinh doanh. Ông dẫn chứng một vụ việc gần đây mà ông tham gia, trong đó các bên đã quy định rõ trong hợp đồng rằng tranh chấp phát sinh phải được giải quyết trong vòng 24 giờ để không ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Trên thực tế, vụ việc đó đã được các Bên giải quyết hoàn tất chỉ trong 6 giờ để vừa thực hiện cam kết theo thỏa thuận, vừa để quay lại tiếp tục thực hiện dự án còn giang dỡ.
Ông Long cũng nhấn mạnh về tính thuận lợi trong thực thi phán quyết trọng tài quốc tế khi các bên đến từ các quốc gia là thành viên của Công ước New York 1958, giúp bảo đảm hiệu lực thi hành xuyên biên giới – điều đặc biệt quan trọng trong các tranh chấp dữ liệu có yếu tố nước ngoài.
Bên cạnh đó, về mặt pháp lý, ông đồng tình với quan điểm rằng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Việt Nam cho phép người tiêu dùng có thể thỏa thuận lựa chọn trọng tài làm cơ chế giải quyết tranh chấp – điều cũng đang được nhiều quốc gia khuyến khích, nhằm tăng tính linh hoạt và khả năng kiểm soát quy trình của các bên liên quan.
- Theo LS Long, một trong những lợi thế nổi bật của cơ chế trọng tài là khả năng lựa chọn người có chuyên môn sâu và đạo đức nghề nghiệp để giải quyết tranh chấp. Các bên được quyền lựa chọn trọng tài viên mà họ tin tưởng, không chỉ dựa trên danh sách trọng tài viên của một trung tâm cụ thể, mà còn có thể lựa chọn trọng tài viên đến từ các trung tâm khác hoặc quốc tế, miễn là được hai bên đồng thuận. Đặc biệt, khi thành lập hội đồng trọng tài gồm 3 người, các bên có thể bảo đảm sự kết hợp giữa năng lực chuyên môn – kinh nghiệm ngành – và tính độc lập, khách quan.
Bên cạnh đó, Hội đồng Trọng tài cũng có quyền mời chuyên gia độc lập để tham vấn kỹ thuật hoặc chuyên môn, làm cơ sở hỗ trợ trong quá trình phân tích và ra phán quyết – điều này rất quan trọng trong các tranh chấp có yếu tố công nghệ cao hoặc kỹ thuật phức tạp, như tranh chấp về dữ liệu hoặc trí tuệ nhân tạo.
Ông cho rằng cơ chế này khó được thực hiện tại Tòa án, do hạn chế về mặt nguồn lực, cơ chế tố tụng và đội ngũ hỗ trợ. Trong khi đó, trọng tài có tính linh hoạt cao hơn, cho phép hội đồng chủ động tiếp cận chuyên môn cần thiết để bảo đảm tính chính xác và công bằng của phán quyết.
- Theo LS Long, để hạn chế phát sinh tranh chấp hoặc nếu có tranh chấp thì quá trình giải quyết được thuận lợi, hệ thống pháp luật về dữ liệu cần được xây dựng một cách rõ ràng và dễ thực thi. Ông cho biết, hiện nay vẫn còn nhiều băn khoăn trong việc áp dụng Nghị định 13/2023/NĐ-CP, đặc biệt là ở cấp độ doanh nghiệp – nơi phải đối mặt trực tiếp với trách nhiệm tuân thủ nhưng lại thiếu hướng dẫn chi tiết và cơ chế giải thích thống nhất.
Từ góc độ giải quyết tranh chấp, ông nhấn mạnh rằng trọng tài chỉ thực sự phát huy được ưu thế khi đi cùng với năng lực chuyên môn hóa cao. Theo đó: Trọng tài viên cần có kiến thức chuyên sâu về dữ liệu và các vấn đề pháp lý liên quan; Các trung tâm trọng tài cần nâng cao năng lực chuyên môn, tổ chức đào tạo và xây dựng niềm tin về chất lượng chuyên môn của mình trong mắt cộng đồng doanh nghiệp.
🎙️LS Trần Minh Tuấn
- LS Minh Tuấn đồng tình với các diễn giả khi cho rằng tính bảo mật chính là yếu tố cốt lõi làm nên sự phù hợp của cơ chế trọng tài trong các tranh chấp liên quan đến dữ liệu. Theo ông, dữ liệu là lĩnh vực có mức độ nhạy cảm rất cao, đòi hỏi phải được xử lý trong môi trường tố tụng đảm bảo quyền riêng tư và bí mật kinh doanh của các bên.
Ông cũng lưu ý rằng ngay cả trong hệ thống tố tụng tại Tòa án, với các vụ việc liên quan đến bí mật kinh doanh, vẫn có cơ chế xét xử kín hoặc hạn chế công khai theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trọng tài mang lại mức độ bảo mật mặc định cao hơn, khi toàn bộ quá trình tố tụng và phán quyết đều không bắt buộc phải công khai.
Về tính minh bạch – một yếu tố thường được đặt ra trong tố tụng – ông khẳng định rằng: tính minh bạch và tính bảo mật trong trọng tài không loại trừ lẫn nhau. Minh bạch thể hiện qua việc: Các bên có quyền yêu cầu công khai thông tin về trọng tài viên do đối phương lựa chọn; Các chứng cứ được trao đổi công bằng giữa các bên; Và nếu có nghi ngờ về sự khách quan, độc lập hoặc minh bạch của trọng tài viên, các bên hoàn toàn có quyền đặt vấn đề lên hội đồng trọng tài hoặc tổ chức trọng tài.
Vì vậy, việc tố tụng không công khai trong trọng tài không làm giảm đi tính minh bạch, mà ngược lại, giúp cân bằng giữa quyền tiếp cận công lý và yêu cầu bảo vệ thông tin quan trọng của các bên trong kỷ nguyên số.
- Theo LS Minh Tuấn, điểm cốt lõi và khác biệt nhất của cơ chế trọng tài thương mại chính là tính linh hoạt. Trọng tài cho phép các bên toàn quyền lựa chọn “cuộc chơi”, bao gồm: lựa chọn trọng tài viên, thiết kế thủ tục tố tụng, quy định phạm vi tranh chấp, ngôn ngữ, địa điểm giải quyết, và thậm chí là mời chuyên gia độc lập tham gia hỗ trợ giải quyết vụ việc.
Chính vì vậy, ông cho rằng không nhất thiết phải thành lập một cơ chế trọng tài chuyên biệt chỉ để giải quyết các tranh chấp về dữ liệu. Bởi lẽ, thông qua quyền tự do thỏa thuận, các bên hoàn toàn có thể thiết lập một quy trình trọng tài phù hợp với đặc thù của tranh chấp dữ liệu – tương tự như trong các lĩnh vực tài chính, xây dựng, hoặc sở hữu trí tuệ.
Tuy nhiên, ông cũng khuyến nghị rằng các trung tâm trọng tài nên chủ động đầu tư và xây dựng nền tảng chuyên môn, bằng cách phát triển đội ngũ trọng tài viên có hiểu biết sâu về dữ liệu, công nghệ, trí tuệ nhân tạo… để khẳng định lợi thế của mình trước doanh nghiệp. Việc minh bạch thông tin về chuyên môn của trọng tài viên và năng lực xử lý tranh chấp dữ liệu sẽ là yếu tố then chốt để doanh nghiệp tin tưởng lựa chọn trung tâm.
Các diễn giả trao đồi về chủ đề "Trọng tài – Giải pháp hiệu quả cho tranh chấp dữ liệu"
Tổng kết & Lời Cảm ơn
Hội thảo trực tuyến “Pháp Luật Dữ liệu & Giải quyết Tranh chấp bằng Trọng tài” do Trung tâm Trọng tài Thương nhân Việt Nam (VTA) tổ chức ngày 02/04/2025 đã mang đến một bức tranh toàn diện, đa chiều và cập nhật về:
- Khung pháp lý hiện hành và dự kiến của Việt Nam trong lĩnh vực dữ liệu cá nhân;
- Những thách thức và rủi ro pháp lý thực tiễn mà doanh nghiệp đang đối mặt trong thời đại số;
- Góc nhìn từ công nghệ AI, đặc biệt là AI tạo sinh, và tác động đến quyền dữ liệu và các tranh chấp phát sinh;
- Các đề xuất pháp lý, kỹ thuật và tổ chức nội bộ nhằm phòng ngừa và xử lý rủi ro dữ liệu;
- Và đặc biệt là vai trò của trọng tài thương mại như một cơ chế giải quyết tranh chấp hiệu quả, linh hoạt và bảo mật, phù hợp với đặc thù của các tranh chấp về dữ liệu. Mặc dù pháp luật hiện hành về dữ liệu chưa có quy định riêng về cơ quan giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực này, tuy nhiên, căn cứ theo quy định của Luật Trọng tài Thương mại, các tranh chấp liên quan đến dữ liệu hoàn toàn có thể thuộc thẩm quyền giải quyết của trọng tài nếu thuộc một trong các trường hợp sau: (i) Tranh chấp phát sinh từ hoạt động thương mại; (ii) Tranh chấp giữa các bên, trong đó có ít nhất một bên có hoạt động thương mại; (iii) Tranh chấp mà pháp luật quy định được giải quyết bằng trọng tài.
Thông qua phần chia sẻ của các chuyên gia đến từ các lĩnh vực pháp lý, công nghệ và thực tiễn doanh nghiệp, hội thảo không chỉ giúp người tham dự hiểu rõ hơn về xu hướng phát triển và thực thi pháp luật dữ liệu, mà còn cung cấp nhiều gợi ý chuyên sâu về cách thức phòng ngừa, soạn thảo hợp đồng và giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài.
VTA trân trọng cảm ơn các đơn vị đồng hành gồm: Dentons LuatViet, Nishimura & Asahi, Veron Group (Hoa Kỳ), Vietnam Data Protection – Privacy Compliance, cùng quý diễn giả, khách mời và người tham dự đã góp phần tạo nên một không gian trao đổi chuyên môn sâu sắc và cởi mở.
VTA sẽ tiếp tục đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp và giới chuyên môn qua các sự kiện, ấn phẩm và sáng kiến chuyên sâu trong lĩnh vực giải quyết tranh chấp bằng trọng tài.
Theo dõi VTA để cập nhật những sáng kiến mới nhất:
- Website: www.vtac.vn
- LinkedIn: https://www.linkedin.com/company/vtac/
- Fanpage: https://www.facebook.com/vtac.vn
-VTA -
Điều khoản trọng tài mẫu (Model Arbitration Clause) của VTA: “Mọi tranh chấp phát sinh từ hoặc liên quan đến hợp đồng này sẽ được giải quyết bằng trọng tài tại Trung tâm Trọng tài Thương nhân Việt Nam (VTA) theo Quy tắc tố tụng trọng tài của Trung tâm này”. “Any dispute arising out of or in relation with this contract shall be resolved by arbitration at the Vietnam Traders Arbitration Centre (VTA) in accordance with its Rules of Arbitration”.
Trung tâm Trọng tài Thương nhân Việt Nam (VTA) là cơ quan tổ chức, điều phối hoạt động giải quyết tranh chấp trong kinh doanh bằng trọng tài quy chế, với thẩm quyền giải quyết các tranh chấp: (i) Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại; (ii) tranh chấp giữa các bên trong đó có ít nhất một bên có hoạt động thương mại; (iii) tranh chấp giữa các bên mà pháp luật quy định giải quyết bằng Trọng tài.