Lừa đảo trong thương mại quốc tế ngày càng tinh vi: Doanh nghiệp Việt cần chủ động phòng tránh

01-12-2023 - 08:27

Nhiều doanh nghiệp chưa quen sử dụng hình thức giải quyết tranh chấp thương mại như trọng tài thương mại hay hòa giải thương mại. Không ít doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam bị "sập bẫy" gian lận thương mại, lừa đảo hoặc “vướng vấn đề về pháp lý” trong thời gian gần đây...

100 container hạt điều bị lừa đảo tại Italia năm 2022 là bài học lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam. Ảnh minh họa.
100 container hạt điều bị lừa đảo tại Italia năm 2022 là bài học lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam. Ảnh minh họa.

Tại Hội nghị giao ban công tác xúc tiến thương mại với hệ thống cơ quan thương vụ kỳ tháng 11 với chủ đề “Phòng tránh lừa đảo trong thương mại quốc tế” ngày 30/11, ông Hoàng Minh Chiến, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng lừa đảo trong thương mại quốc tế là vấn đề tương đối nổi cộm hiện nay với phương thức đa dạng, thủ đoạn tinh vi.

DOANH NGHIỆP VIỆT DỄ BỊ LỪA

Theo kết quả ghi nhận trong năm 2022, các doanh nghiệp toàn cầu đã phải chịu thiệt hại khoảng 5% doanh thu mỗi năm vì lừa đảo với giá trị trung bình một vụ lừa đảo là 1,7 triệu USD. 

Dù có nhiều trải nghiệm xuất khẩu nhưng điểm yếu của doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam hiện nay theo ông Chiến, đa số là các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, chưa dày kinh nghiệm phòng ngừa và đối phó với các lừa đảo và tranh chấp thương mại quốc tế. 

Hơn nữa, rất nhiều doanh nghiệp chưa quen thuộc với văn hoá kinh doanh của các nước nhập khẩu, có khi chưa hiểu biết nhiều các đối tác, hệ thống cơ quan giải quyết tranh chấp, trình tự và thủ tục giải quyết tranh chấp. 

Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp chưa quen sử dụng hình thức giải quyết tranh chấp thương mại như trọng tài thương mại hay hòa giải thương mại. Không ít doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam bị "sập bẫy" gian lận thương mại, lừa đảo hoặc “vướng vấn đề về pháp lý” trong thời gian gần đây.

Lừa đảo trong thương mại quốc tế ngày càng tinh vi: Doanh nghiệp Việt cần chủ động phòng tránh - Ảnh 1

Bà Trần Thu Quỳnh, Tham tán Thương vụ Việt Nam tại Canada, cho biết từ đầu năm 2023 đến nay thị trường Canada ghi nhận số lượng lớn các vụ lừa đảo quy mô nhỏ nhưng số lượng tăng rất nhanh, trung bình mỗi tháng 10 vụ, liên quan tới những đòi hỏi của doanh nghiệp nước sở tại về những chứng chỉ không có thật. 

Nguyên nhân theo bà Quỳnh do thị trường toàn cầu khó khăn, đơn hàng sụt giảm nhiều, các doanh nghiệp nỗ lực tìm kiếm đơn hàng. Vì thế, khi nhận được đơn hàng doanh nghiệp có xu hướng chủ quan, tin cậy cao nên có sơ hở trong cách tiếp cận và soạn thảo hợp đồng. 

Các đối tượng lừa đảo thường là người nhập cư từ các nước Trung Đông, Ấn Độ, Pakistan. Đối tượng tiếp cận hồ sơ của những doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp uy tín Canada trên cổng thông tin điện tử của chính quyền Canada. Các đối tượng lừa đảo dễ dàng tải về giấy chứng nhận kinh doanh, hồ sơ thuế của doanh nghiệp lớn với đầy đủ các con dấu, hồ sơ kinh doanh… 

Các đối tượng chủ động tiếp cận các doanh nghiệp Việt Nam bằng cách gửi tin nhắn, email (chủ yếu là gmail, yahoo) đề nghị ký những đơn hàng lớn. Họ sẵn sàng cung cấp đầy đủ giấy tờ các doanh nghiệp Việt Nam yêu cầu như giấy chứng nhận của ngân hàng, hồ sơ đăng ký kinh doanh, chứng nhận tài khoản số dư… và đều được đóng dấu tươi. 

Khi doanh nghiệp Việt Nam đề nghị chuyển tiền đặt cọc, các đối tượng lừa đảo yêu cầu một số loại giấy tờ không tồn tại như: giấy chứng nhận không liên quan đến các nhóm khủng bố; xuất khẩu nông sản yêu cầu một số giấy chứng nhận an toàn thực phẩm của Canada... với lý do khi có đầy đủ các giấy chứng nhận trên mới được nhập hàng vào Canada.

Sau đó, các đối tượng này còn giới thiệu cho doanh nghiệp Việt Nam những luật sư, văn phòng luật có khả năng cung cấp những dịch vụ này nhanh và họ chuyển cho các luật sư làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp Việt Nam. Các luật sư giả mạo đưa ra báo giá dịch vụ của họ - dù không nhiều, từ 1.000 -2.000 đô la Canada nhưng phải chuyển tiền ngay trong thời gian ngắn. 

Ông Vũ Chiến Thắng, Tham tán Thương vụ Việt Nam tại Tây Ban Nha, cũng cho biết trong gần 3 năm qua Thương vụ đã trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp trong nước xử lý 7 vụ việc lừa đảo, trong đó có 5 vụ việc liên quan tới xuất khẩu hạt điều, 1 vụ việc hồ tiêu đen, 1 vụ việc xuất khẩu gang đúc.

Qua việc hỗ trợ này ông Thắng thấy rằng ngày càng có nhiều doanh nghiệp các nước bán hàng vào thị trường này nên việc cạnh tranh trên thị trường khá lớn. Do đó tâm lý muốn bán ngay, nóng vội trong bán hàng dẫn tới đàm phán và đưa ra điều khoản không có lợi, bị hớ trong hợp đồng. Cam kết lỏng lẻo trong hợp đồng mua bán từ phương thức thanh toán đến % đặt cọc… dẫn tới tranh chấp trong hợp đồng thương mại.

CẦN ĐẦU TƯ VÀO DỊCH VỤ TƯ VẤN VÀ PHÁP LÝ

Để tránh bị lừa đảo trong thương mại quốc tế, ông Thắng cho rằng doanh nghiệp, hiệp hội nên phối hợp với các thương vụ để xác minh đối tác. Trước khi đi đến ký kết cần yêu cầu đối tác cung cấp các thông tin có bản sao công chứng của nước sở tại về tình trạng hoạt động của doanh nghiệp, người đại diện pháp luật, nghĩa vụ hoàn thành thuế, báo cáo tài chính… 

Cần thảo luận kỹ các điều khoản trong hợp đồng như phương thức thanh toán cần có bảo lãnh của ngân hàng bên mua, cần nâng cao % đặt cọc (lên 35-40% giá trị lô hàng). Tăng cường phối hợp với các hiệp hội, ngành hàng nước sở tại để giúp xác minh tính xác thực cũng như uy tín của doanh nghiệp sở tại…

Bà Dương Phương Thảo, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Italia, khuyến nghị doanh nghiệp cần tỉnh táo khi khách hàng mua hàng với bất kỳ giá nào và mua với số lượng lớn bất thường so với hợp đồng giao dịch thương mại ban đầu. 

Với các đối tác lâu năm, đặc biệt sau bối cảnh Covid, tình trạng khủng hoảng năng lượng, lạm phát… nhiều doanh nghiệp của Ý trong tình trạng phá sản, vì vậy các doanh nghiệp nhập khẩu Việt Nam kể cả với đối tác đã làm việc 5-10 năm, khi giao dịch lại cần thẩm định, xác minh đối tác. 

Khi ký kết hợp đồng không được chung chung, sơ sài. Hiện nay nếu doanh nghiệp chưa có kinh nghiệm trong soạn thảo hợp đồng, có thể thuê công ty luật có kinh nghiệm trong thương mại quốc tế soạn những mẫu hợp đồng chuẩn nhằm bảo vệ lợi ích cho doanh nghiệp.

Doanh nghiệp cũng cần đề nghị các đối tác gửi các mẫu hợp đồng họ đã ký với các đối tác trước để tham khảo. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, phương thức thanh toán L/C được coi là đảm bảo lợi ích tối đa cho bên bán và bên mua, nhưng do các doanh nghiệp không muốn “chôn” vốn ở ngân hàng nên doanh nghiệp cần yêu cầu đặt cọc ở mức 15-20% tuỳ thuộc vào mức độ rủi ro của cảng đến cũng như uy tín của đối tác. 

Thêm nữa, để tránh tình trạng bên bán giao hàng không đúng chủng loại, không đúng chất lượng thì gài thêm điều khoản giám định, kiểm định hàng hoá trước khi niêm phong, kẹp chì. Đối tác giám định do bên mua chỉ định hoặc bên thứ 3 có uy tín được thống nhất, thoả thuận trong hợp đồng. Đặc biệt, người ký hợp đồng phải là người đại diện theo thẩm quyền của pháp luật. 

Một yếu tố nữa, thời gian vừa qua nhiều vụ gian lận thương mại liên quan nhiều đến môi giới. Do vậy, khi ký hợp đồng với môi giới doanh nghiệp cần làm rõ trách nhiệm của bên môi giới trong việc thu hồi tiền hàng hoặc các điều khoản thanh toán tiền hoa hồng. 

Nếu làm việc với môi giới mà không biết bên mua là ai thì cần có điều khoản “bên môi giới chịu trách nhiệm xác minh tín nhiệm của người mua”, các điều khoản này cần được quy định chặt chẽ, rõ ràng trong hợp đồng môi giới. Không nên ký hợp đồng môi giới có sẵn hoặc bên môi giới soạn sẵn vì rất chung chung, có những điều khoản không có lợi, nếu không đủ kinh nghiệm sẽ không nhận ra bẫy này. 

Bà Thảo cũng khuyến nghị doanh nghiệp nên làm quen với sử dụng dịch vụ tư vấn và dịch vụ pháp lý chuyên ngành. Coi các công ty tư vấn và pháp lý là người bạn đồng hành trong toàn bộ quá trình kinh doanh chứ không chỉ là tiếp cận họ khi xảy ra tranh chấp. Vì các công ty này có kinh nghiệm giúp doanh nghiệp tìm kiếm đối tác, rà soát hợp đồng, giúp doanh nghiệp tránh được các điều khoản bất lợi. 

Theo Vũ Khuê_Vneconomy