Hướng dẫn bị đơn

17-08-2018 - 09:08

Sau khi Nguyên đơn nộp toàn bộ phí trọng tài theo hướng dẫn của VTA quy định tại Điều 8 Quy tắc tố tụng trọng tài tại VTA năm 2018, trong vòng 10 ngày VTA sẽ gửi thông báo vụ tranh chấp tới Bị đơn kèm theo toàn bộ tài liệu của Nguyên đơn

Trừ khi các bên có thỏa thuận khác về thời hạn, trong thời hạn 10 (mười) ngày kể từ ngày VTA nhận được Đơn khởi kiện, thỏa thuận trọng tài, các tài liệu khác có liên quan và phí trọng tài theo quy định tại Điều 35 Quy tắc tố tụng trọng tài VTA 2018, VTA gửi tới Bị đơn Thông báo, Đơn khởi kiện, thỏa thuận trọng tài và các tài liệu khác có liên quan.

Bản tự bảo vệ và việc gia hạn thời gian nộp Bản tự bảo vệ

Trừ khi các bên có thỏa thuận khác về thời hạn, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày tiếp theo của ngày nhận được Thông báo, Đơn khởi kiện, thỏa thuận trọng tài và các tài liệu khác có liên quan, Bị đơn phải gửi tới VTA Bản tự bảo vệ. Bản tự bảo vệ phải có các nội dung theo quy định tại Khoản 1 Điều 9 Quy tắc tố tụng trọng tài VTA 2018:

a)     Ngày, tháng, năm làm Bản tự bảo vệ;
b)    Tên, địa chỉ của Bị đơn;
c)    Cơ sở tự bảo vệ;
d)    Tên của người được Bị đơn chọn làm Trọng tài viên hoặc yêu cầu VTA chỉ định Trọng tài viên.
đ) Chữ ký của người đại diện theo pháp luật hoặc của người đại diện theo ủy quyền trong trường hợp Bị đơn là tổ chức; chữ ký của cá nhân hoặc của người đại diện theo ủy quyền trong trường hợp Bị đơn là cá nhân.

Bản tự bảo vệ và các tài liệu có liên quan phải được gửi đủ số bản theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Quy tắc tố tụng trọng tài của VTA năm 2018. Tố tụng trọng tài vẫn được tiến hành kể cả khi Bị đơn không gửi Bản tự bảo vệ.

VTA có thể gia hạn thời hạn gửi Bản tự bảo vệ khi có yêu cầu gia hạn của Bị đơn. Yêu cầu gia hạn phải được lập bằng văn bản và phải gửi để VTA nhận được trước khi hết thời hạn gửi Bản tự bảo vệ hoặc trước khi hết thời hạn gia hạn gửi Bản tự bảo vệ. Trong trường hợp có yêu cầu gia hạn thời hạn gửi Bản tự bảo vệ, Bị đơn vẫn phải chọn Trọng tài viên hoặc yêu cầu Trung tâm chỉ định Trọng tài viên.

Đơn kiện lại

Bị đơn có quyền kiện lại Nguyên đơn. Đơn kiện lại phải căn cứ vào thỏa thuận trọng tài mà dựa vào đó Nguyên đơn đã khởi kiện Bị đơn. Đơn kiện lại được được lập dưới dạng văn bản và tách riêng, độc lập với Bản tự bảo vệ. Đơn kiện lại phải được gửi tới VTA cùng thời điểm gửi Bản tự bảo vệ.

Đơn kiện lại phải có các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 10 Quy tắc tố tụng trọng tài VTA, cụ thể:

a)    Ngày, tháng, năm làm Đơn kiện lại;
b)    Tên, địa chỉ của các bên;
c)    Tóm tắt nội dung của vụ kiện lại;
d)    Cơ sở kiện lại;
đ)   Trị giá của vụ kiện lại và các yêu cầu khác của Bị đơn.
e)    Chữ ký của người đại diện theo pháp luật hoặc của người đại diện theo ủy quyền trong trường hợp Bị đơn là tổ chức; chữ ký của cá nhân hoặc của người đại diện theo ủy quyền trong trường hợp Bị đơn là cá nhân.

Đơn kiện lại và các tài liệu có liên quan phải được gửi đủ số bản theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Quy tắc tố tụng trọng tài của VTA năm 2018.

Trừ khi các bên có thỏa thuận khác về thời hạn, trong thời hạn 10 (mười) ngày kể từ ngày nhận được Đơn kiện lại, các tài liệu có liên quan và phí trọng tài, VTA gửi tới Nguyên đơn Thông báo, Đơn kiện lại và các tài liệu có liên quan.

Đơn kiện lại được giải quyết đồng thời bởi chính Hội đồng trọng tài giải quyết Đơn khởi kiện của Nguyên đơn.

*Lưu ý: Trường hợp Bị đơn cho rằng thỏa thuận trọng tài không tồn tại, thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được thì Bị đơn phải nêu rõ trong Bản tự bảo vệ. Nếu Bị đơn không nêu rõ điều đó trong Bản tự bảo vệ thì Bị đơn mất quyền phản đối. Trong trường hợp này, Bị đơn vẫn phải chọn Trọng tài viên hoặc yêu cầu VTA chỉ định Trọng tài viên.