CIEM: Tăng trưởng GDP năm 2024 có thể lên mức 6,48%

16-01-2024 - 08:10

Với nền tảng đạt được trong năm 2023, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng tăng trưởng GDP năm 2024 sẽ dao động từ 6,13% (kịch bản 1) tới 6,48% (kịch bản 2)…

Hai kịch bản tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2024.
Hai kịch bản tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2024.

Báo cáo Kinh tế Việt Nam năm 2023 và Triển vọng năm 2024 được CIEM công bố ngày 15/1 cho thấy, sau nửa đầu năm 2023 với nhiều khó khăn, kinh tế quý 3/2023 và quý 4/2023 đã tăng tốc trở lại với sự phục hồi đáng kể của ngành công nghiệp – xây dựng.

“Tăng trưởng GDP thực tế của Việt Nam đã vượt so với tiềm năng trong quý 3/2023 và quý 4/2023. Điều này có thể cho thấy những tác động tích cực của các giải pháp kích thích tổng cầu đối với nền kinh tế trong 6 tháng cuối năm 2023”, báo cáo nhận định.

Cụ thể hơn, theo bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM, thực tế cho thấy, Việt Nam không chỉ dựa vào các giải pháp tài khóa và tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mà đã tạo dựng không ít động lực mới từ cải cách thể chế kinh tế. Các động lực ấy đến từ thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển các mô hình kinh tế mới, cải cách môi trường kinh doanh, cơ cấu lại nền kinh tế, hoàn thiện quy hoạch và thể chế liên kết vùng.

“Chính phủ cũng đã nhìn nhận thẳng thắn, cầu thị về các vấn đề cần tháo gỡ, trong đó có tình trạng nợ đọng văn bản, kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động công vụ, khó khăn đối với hấp thụ vốn… để từ đó có những chỉ đạo, nghiên cứu tháo gỡ. Thực tế, kiến nghị của nhiều chuyên gia về việc tăng cường mở rộng tài khóa-tiền tệ nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế cũng dựa trên đánh giá về cải thiện nền tảng về chất lượng thể chế và năng lực cải cách-điều hành kinh tế vĩ mô. Nếu duy trì và làm sâu sắc hơn chất lượng cải cách thể chế, kinh tế Việt Nam có thể tự tin về khả năng có những kết quả tích cực trong thời gian tới”, bà Minh khẳng định.

Trên cơ sở này, CIEM dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2024 có thể đạt mức 6,13% theo kịch bản 1 và 6,48% theo kịch bản 2.

Cùng với đó, xuất khẩu tăng trưởng cả năm theo các kịch bản 1 và 2 lần lượt ở các mức 4,02% và 5,19%. Thặng dự thương mại dự báo tương ứng ở các mức 5,64 tỷ USD và 6,26 tỷ USD và lạm phát bình quân ở mức 3,94% và 3,72%.

Về thách thức trong năm 2024, theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp (CIEM), một số diễn biến từ thế giới có ảnh hưởng tới nền kinh tế Việt Nam cần được theo dõi. Đó là bầu cử ở nhiều trước trên thế giới, sự phuc hồi chậm của kinh tế toàn cầu, kịch bản điều hành lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), sự cạnh tranh ở các vấn đề mới như tài chính cho biến đổi khí hậu, AI hay thương mại số…

Toàn cảnh Hội thảo công bố báo cáo. 
Toàn cảnh Hội thảo công bố báo cáo. 

Do vậy, ông Nguyễn Anh Dương cho rằng bước vào năm 2024, Việt Nam càng phải quyết liệt hơn với cải cách thể chế kinh tế để tăng tốc phục hồi tăng trưởng.

“Tư duy nhấn mạnh hơn vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là phù hợp, song không đủ. Việt Nam phải sớm cụ thể hóa các giải pháp chính sách cho đổi mới sáng tạo gắn với cải thiện năng suất lao động và đơn giản hóa các thủ tục kinh doanh. Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và nhập khẩu thông qua các FTA là rất quan trọng, nhưng không làm mất vai trò của tư duy thích ứng với thị trường. Chính ở đây, tư duy chính sách cần tiếp sức cho doanh nghiệp trong quá trình thích ứng, và bản thân doanh nghiệp cũng cần nhận thức yêu cầu bán sản phẩm thị trường cần, chứ không phải bán sản phẩm mà doanh nghiệp có”, báo cáo nêu rõ.

Bên cạnh đó, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh vẫn, theo ông Nguyễn Anh Dương, vẫn là những ưu tiên quan trọng đối với Việt Nam. Việt Nam cần sớm có các cơ chế thử nghiệm phù hợp để “chắp cánh” cho các mô hình kinh doanh mới của doanh nghiệp hướng tới tận dụng cơ hội từ chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Bên cạnh đó, Việt Nam có thể tranh thủ hỗ trợ của các đối tác FTA thông qua các điều khoản về hợp tác phát triển (chẳng hạn như trong Chương Hợp tác và Nâng cao năng lực của CPTPP, EVFTA…).

Điều này, theo đại diện CIEM, có nghĩa là ưu tiên chính sách cần tiếp tục tập trung vào thúc đẩy phục hồi tăng trưởng kinh tế, trên cơ sở cải thiện vững chắc nền tảng kinh tế vi mô và đổi mới hệ thống thể chế kinh tế theo hướng thân thiện hơn với đổi mới sáng tạo và môi trường, gắn với xử lý hiệu quả những rủi ro trong môi trường kinh tế quốc tế đầy biến động.

“Trong bối cảnh phát triển mới, chúng tôi tâm niệm thể chế chính là một nguồn lực, thậm chí là “chìa khóa” cho tăng trưởng của Việt Nam”, Viện trưởng CIEM nhấn mạnh.

Theo Anh Nhi_Vneconomy