Sự minh bạch trong mua sắm chính phủ theo quy định của WTO

18-05-2023 - 11:10

Trong thương mại quốc tế, khi tiến hành những hoạt động mua sắm, các chính phủ thường muốn dành “sự ưu tiên” cho các nhà cung cấp trong nước thông qua việc sử dụng một số biện pháp như quy định các quy tắc mua sắm ưu tiên; cấm mua các sản phẩm, dịch vụ nước ngoài hoặc từ nhà cung cấp nước ngoài;

Trong thương mại quốc tế, khi tiến hành những hoạt động mua sắm, các chính phủ thường muốn dành “sự ưu tiên” cho các nhà cung cấp trong nước thông qua việc sử dụng một số biện pháp như quy định các quy tắc mua sắm ưu tiên; cấm mua các sản phẩm, dịch vụ nước ngoài hoặc từ nhà cung cấp nước ngoài; hạn chế cơ hội tiếp cận đối với hoạt động mua sắm Chính phủ của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ nước ngoài hoặc nhà cung cấp nước ngoài thông qua chỉ định thầu và các hình thức lựa chọn nhà thầu khác, hoặc đưa ra các yêu cầu cụ thể “khép kín” về tiêu chuẩn kỹ thuật…


So với GPA 1994, GPA 2012 đã rút gọn và qui định rõ ràng hơn vấn đề minh bạch hóa trong đấu thầu mua sắm công

Thực tiễn nói trên phần nào đã làm cản trở quá trình tự do hóa thương mại ở cả cấp độ khu vực và toàn cầu. Do đó, để giảm thiểu những tác động tiêu cực, hạn chế sự bóp méo thương mại, thực hiện không phân biệt đối xử cũng như đảm bảo khả năng tiếp cận thị trường mua sắm Chính phủ của hàng hóa, dịch vụ và nhà cung cấp nước ngoài, Hiệp định Mua sắm chính phủ (GPA của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) ra đời năm 1994) và Hiệp định sửa đổi năm 2012 (GPA 2012 ) đã đưa ra những quy định cụ thể về minh bạch hóa.

GPA 1994 và GPA 2012 đều đặt ra các yêu cầu về minh bạch đối với cả các bên của Hiệp định – các chính phủ và những định chế nhà nước, bao gồm các cơ quan trung ương, các cơ quan địa phương và các doanh nghiệp nhà nước tiến hành những hoạt động mua sắm thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định. 

Theo quy định của GPA 1994, đối với các chính phủ thành viên, họ phải thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin cho các bên liên quan và tuân thủ cơ chế báo cáo tới Ủy ban Mua sắm Chính phủ của WTO. Các bên cần công bố trong các ấn phẩm phù hợp tại Phụ lục IV những luật lệ, quy định, phán quyết của tòa án, các quy định hành chính được áp dụng chung và thủ tục (bao gồm cả các điều khoản của hợp đồng mẫu) về những hoạt động mua sắm của chính phủ thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định này (Điều XIX của GPA 1994). Các thông tin cần được công bố theo cách thức mà các bên khác và các nhà cung cấp đều có thể tiếp cận được. Ngoài ra, các bên là thành viên của GPA 1994 còn có nghĩa vụ phải thông báo cho Ủy ban Mua sắm chính phủ của WTO những thông tin liên quan đến hệ thống chính sách và pháp luật của quốc gia, các cam kết song phương và đa phương điều chỉnh trong lĩnh vực này và các báo cáo hàng năm về việc thi hành Hiệp định.

Đối với các định chế nhà nước, họ cần tiến hành việc công bố thông tin, minh bạch trong thủ tục đấu thầu, theo đó, các thông báo mời thầu phải được gửi đi hoặc công bố theo một thủ tục minh bạch, đồng thời, phải chỉ rõ một cách trực tiếp trong chính thư mời hoặc trên phương tiện thông tin đại chúng, những hợp đồng mua sắm nào thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định.

Tuy nhiên, cần lưu ý là GPA 1994 không yêu cầu các bên phải công bố những thông tin tối mật. Đó là những thông tin mà nếu được cung cấp thì:

(i) sẽ làm cản trở việc thi hành pháp luật hoặc; 
(ii) đi ngược lại với các lợi ích chung hoặc; 
(iii) làm ảnh hưởng tới các lợi ích thương mại hợp pháp của các doanh nghiệp cụ thể của nhà nước hoặc tư nhân, hoặc; 
(iv) có thể ảnh hưởng tới cạnh tranh công bằng giữa các nhà cung cấp. 

So với GPA 1994, GPA 2012 đã rút gọn và quy định rõ ràng hơn vấn đề minh bạch hóa trong đấu thầu mua sắm chính phủ với chỉ 2 điều: Điều XVI và Điều XVII. Đối với nghĩa vụ công khai thông tin về mua sắm chính phủ, GPA 2012 đã gộp nghĩa vụ của các định chế nhà nước tiến hành hoạt động mua sắm và nghĩa vụ của các bên để quy định trong cùng một Điều, trong đó chỉ rõ: (1) Các đơn vị mua sắm có ba nghĩa vụ bao gồm: (i) cung cấp thông tin cho các nhà cung cấp; (ii) công bố thông tin về các hợp đồng đã trao; (iii) lưu trữ văn bản, các báo cáo và tài liệu điện tử trong vòng ít nhất là 3 năm kể từ ngày trao hợp đồng cho nhà thầu thắng thầu; (2) Các thành viên chỉ có một nghĩa vụ, đó là thu thập và báo cáo số liệu cho Ủy ban Mua sắm chính phủ của WTO (Điều XVI). 

Về vấn đề công bố thông tin, GPA 2012 quy định rõ những thông tin nào cần và không cần phải công bố (Điều XVII). Các thành viên, bao gồm cả các đơn vị mua sắm sẽ không phải công bố bất kỳ thông tin nào liên quan tới một nhà cung cấp cụ thể nếu điều đó có thể làm ảnh hưởng tới sự cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà cung cấp. Đối với các thông tin bảo mật, so với các trường hợp được nêu trong GPA 1994, GPA 2012 chỉ quy định chi tiết hơn và bổ sung thêm một lý do liên quan tới việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp.

Mua sắm Chính phủ và minh bạch hóa luôn là những vấn đề được quan tâm trong khuôn khổ các liên kết kinh tế quốc tế, trên các diễn đàn và tại các cuộc đàm phán thương mại, dù ở cấp độ khu vực hay toàn cầu. GPA 1994 hay GPA 2012 cũng như hàng loạt các hiệp định thương mại tự do được cho là mang tính “tiên tiến” và “hiện đại”, bao gồm cả Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), có lẽ cũng chỉ dừng lại ở việc thúc đẩy chứ chưa thể giải quyết được triệt để những xung đột về lợi ích và thực tiễn mang tính phân biệt đối xử và thiếu minh bạch trong lĩnh vực mua sắm của chính phủ. Cho đến nay, cả GPA 1994 và GPA 2012 vẫn chỉ là hiệp định nhiều bên, không mang tính bắt buộc đối với các thành viên WTO. Và như vậy, gần 120 thành viên còn lại của WTO chưa phải là các bên ký kết GPA và cả những quốc gia và vùng lãnh thổ chưa gia nhập WTO vẫn đứng ngoài các quy tắc mang tính ràng buộc về mua sắm chính phủ, bởi họ luôn muốn giữ một phần lớn “sân nhà” cho các nhà cung cấp nội địa và cho quyền tự quyết của chính họ.

(*) Bài đã đăng trên baodauthau.vn 

TS. Nguyễn Thị Thu Hiền, Trọng tài viên VTA