Pháp chế doanh nghiệp: cần hay không?

18-08-2018 - 10:04

Hiện nay nước ta có khoảng hơn 300.000 Doanh nghiệp đăng ký và hoạt động theo luật doanh nghiệp, trên thực tế thì doanh nghiệp hoạt động khác hẳn với con số trên bởi có nhiều doanh nghiệp "ma" hay doanh nghiệp hoạt động tự do không đăng ký kinh doanh và con số này đang tăng lên từng ngày.

Tuy nhiên một thực tế đáng buồn hơn những con số đó là sự quan tâm đến vấn đề pháp chế trong mỗi doanh nghiệp. Trong quá trình xây dựng Nghị định hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp (đã ký ban hành ngày 28/5/2008) tại cuộc toạ đàm lấy ý kiến cho dự thảo Nghị định, có những con số được đưa ra mà không chỉ những nhà làm luật thấy buồn lòng mà bất kỳ ai đọc đến cũng thấy vừa buồn vừa lo cho nền kinh tế hội nhập: có 50 - 80% doanh nghiệp phải nhờ cậy tất cả các mối quan hệ như: bạn bè, người thân hoặc với cơ quan nhà nước mới tiếp cận thông tin đặc biệt là thông tin pháp lý . Tại địa phương đang đứng số một hiện nay trong việc thu hút đầu tư và phát triển kinh tế là Vĩnh Phúc nhưng kết quả điều tra của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc cũng cho thấy, khoảng 70-80% trong số hơn 1.300 doanh nghiệp không hiểu hoặc hoặc hiểu không đầy đủ pháp luật về kinh doanh.

Thực trạng đó liệu có ảnh hưởng gì đến doanh nghiệp?

Nếu không hiểu biết pháp luật thì doanh nghiệp giống như lạc vào mê hồn trận và vướng vào những rủi ro pháp lý là điều tất yếu, nhất là khi Việt Nam đã hội nhập, rủi ro đó càng lớn bởi ngoài khối lượng kiến thức pháp luật đồ sộ trong nước thì khi vươn ra thị trường quốc tế đòi hỏi doanh nghiệp phải có kiến thức cũng như sự hiểu biết nhất định về thị trường, về truyền thống văn hoá mà đặc biệt là pháp luật các nước đối tác và pháp luật quốc tế chung.

Khi vướng vào rủi ro pháp lý dù ít hay nhiều cũng gây cho doanh nghiệp nhiều thiệt hại và bất lợi như: thiệt hại đầu tiên thể hiện ở mặt vật chất đó là tiền bạc; để giải quyết rủi ro đó, doanh nghiệp không có kiến thức pháp luật phải tìm đến những đối tượng có thể giúp họ tìm phương án giải quyết tốt nhất có thể và chi phí cho việc đó không phải nhỏ. Bên cạnh đó, thời gian, công sức để giải quyết khiến họ mệt mỏi, không tập trung được công việc... và một tổn thất lớn không tính được bằng tiền đó là "uy tín" của doanh nghiệp.

Vậy doanh nghiệp có cần chăng một bộ phận pháp chế cho chính doanh nghiệp mình?

Pháp chế doanh nghiệp mang lại điều gì cho doanh nghiệp?

 Lợi ích đầu tiên mà pháp chế mang lại cho doanh nghiệp là lợi ích lâu dài và quan trọng đó là sự tồn tại và phát triển bền vững của doanh nghiệp. Bởi lẽ, trong kinh doanh mục tiêu lợi nhuận là yếu tố hàng đầu, nhưng để đạt được lợi nhuận một cách an toàn, hiệu quả mà không rủi ro là phải bảo đảm an toàn pháp lý. Vì nếu doanh nghiệp kinh doanh trái pháp luật thì lợi nhuận có được sớm muộn gì cũng sẽ bị pháp luật tước bỏ. Vì vậy, việc dẫn dắt doanh nghiệp trong hành lang pháp lý an toàn là trách nhiệm của pháp chế. Hơn nữa trong hành lang pháp lý an toàn đó, doanh nghiệp không chỉ tìm kiếm giải pháp cho hướng đi của doanh nghiệp trên nhiều phương diện mà doanh nghiệp luôn tự tin để tiến bước trên mọi thương trường, bởi họ đã có một đội ngũ gác cổng chuyên nghiệp cho vấn đề pháp lý. Không những thế về phương diện xã hội, doanh nghiệp xây dựng được nếp văn hoá tuân thủ pháp luật, góp phần bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Thứ hai, các doanh nghiệp khi đã xây dựng được đội ngũ cán bộ pháp chế vững mạnh thì những cuộc đàm phán với đối tác mà đặc biệt là đối tác nước ngoài, vị thế của doanh nghiệp được nâng lên, bởi để phát triển kinh, doanh nghiệp không thể chỉ quẩn quanh trị trường nội địa mà phải trở mình thâm nhập vào thị trường quốc tế, mà doanh nghiệp nước ngoài, theo kinh nghiệm, trong bất kỳ cuộc đám phán nào nếu không có chuyên gia pháp lý bên cạnh thì họ sẽ từ chối làm việc. Điều này thể hiện sự hiểu biết pháp luật và khẳng định "tầm" là một doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng, minh bạch luôn tuân thủ pháp luật rất đáng tin cậy.

Thứ ba, chủ doanh nghiệp luôn yên tâm về tất cả các hợp đồng, các hồ sơ tài liệu của doanh nghiệp bởi những rủi ro pháp lý đã được loại bỏ bởi sự thẩm định của các cán bộ pháp chế với đầy đủ thông tin pháp luật, am hiểu chính sách... biết nên đi đường nào, nên tránh rủi ro nào.

Thứ tư, khi doanh nghiệp có bộ phận pháp chế chuyên nghiệp, họ thường xuyên trau dồi chuyên môn và biết cách liên hệ đến những cơ quan nhà nước có thẩm quyền và trách nhiệm giải quyết trong từng lĩnh vực, qua đó họ nắm rõ được hơn quy trình, thủ tục làm việc, hạn chế được sự nhũng nhiễu, phiền hà tiết kiệm được thời gian, công sức, tiền bạc so với một doanh nghiệp không am hiểu gì về pháp luật.

Thứ năm, pháp chế cũng giúp doanh nghiệp luôn tìm hiểu, nắm bắt kịp thời những thay đổi về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước được thể chế hoá dưới những chế định luật. Chính sự kịp thời này tránh cho doanh nghiệp những thiệt hại không đáng có từ những thay đổi đó. Một ví dụ điển hình vừa qua về sự thay đổi của thuế nhập khẩu, lần thay đổi mức thuế suất đó đã có nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng khóc dở, mếu dở với những contener hàng, đặc biệt là ôtô nhập khẩu ... Nếu như doanh nghiệp có bộ phận pháp chế kịp thời nắm bắt sự thay đổi đó thì liệu doanh nghiệp có phải bị thiệt hại hàng chục tỷ đồng trong vòng chưa đầy 1 tháng hay không? Bên cạnh đó, thực tế đã có nhiều ý tưởng kinh doanh mới được khởi phát từ sự thay đổi pháp luật và là cơ hội để doanh nghiệp tìm kiếm được những khoản lợi nhuận khổng lồ từ việc biết nắm cơ hội trong việc thay đổi cơ chế chính sách.

Như vậy, để thấy rằng lợi ích của việc sử dụng tư vấn pháp luật hay chính doanh nghiệp mình xây dựng cho mình một đội ngũ "bác sỹ" chuyên chữa trị những căn bệnh pháp lý cho chính doanh nghiệp là thật sự cần thiết trước khi thành lập doanh nghiệp và phát triển doanh nghiệp.

Không chỉ Việt Nam mà trên toàn thế giới, pháp luật là công cụ quan trọng nhất để quản lý và điều hành mọi lĩnh vực để phát triển đất nước. Đất nước phát triển cần có hệ thống pháp luật chặt chẽ, hoàn chỉnh và thực sự đi vào đời sống kinh tế xã hội và quan trọng hơn là ý thức tuân thủ chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật của những chủ thể pháp luật. Bởi vậy, mọi người dân Việt Nam nói chung, doanh nghiệp Việt Nam nói riêng cần hình thành cho mình nếp sống và làm việc tuân thủ pháp luật thì mới mong có một xã hội, một nền kinh tế phát triển bền vững.

(*) Bài đã đăng trên website chính thức của Bộ Tư pháp

Cao Thị Huyền Thương, Trọng tài viên VTA