Làm gì để xây dựng năng lực cho doanh nghiệp xuất khẩu?

23-11-2018 - 08:32

Tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương (FTA) đồng nghĩa với việc mở ra cơ hội lớn cho hàng xuất khẩu của Việt Nam. Song hàng Việt có đủ sức vượt qua được các rào cản phi thuế quan ở những thị trường này hay không lại là câu chuyện khác.

Ông Hoàng Minh Chiến, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương cho rằng, ngoài những thuận lợi do các FTA mang lại, Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức từ tiến trình này, đặc biệt là những trở ngại trong giao thương quốc tế.

Gia tăng rào cản phi thuế quan

Trong các FTA thế hệ mới, những quy định như: quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn; yêu cầu về an toàn, chất lượng; yêu cầu về ghi nhãn, thông tin tiêu dùng; các thủ tục đăng ký nhập khẩu; các thủ tục kiểm tra, chứng nhận phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn... ngày càng chặt chẽ hơn. Điều đáng quan ngại, các nước có xu hướng tìm cách tận dụng triệt để các vấn đề này sau khi hàng rào thuế quan gần như được hoàn toàn xóa bỏ.

Mặc dù xuất khẩu lớn vào thị trường Liên minh châu Âu (EU), nhưng số lần cảnh báo về vấn đề an toàn thực phẩm từ phía nhà nhập khẩu EU đối với doanh nghiệp Việt Nam không phải là ít. 

Theo số liệu của Eurocham, trong năm 2017, EU có 77 cảnh báo đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có 23 lô bị từ chối. Mấy tháng đầu năm 2018, EU tiếp tục từ chối 11 lô hàng trong tổng số 33 lô hàng bị cảnh báo. Thực tế, Việt Nam đã bị cấm nhập khẩu một số mặt hàng vào thị trường EU vì sản phẩm tồn dư chất kháng sinh, kim loại nặng...

Bà Nguyễn Thị Xuân Thuý, Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho rằng, EU sử dụng biện pháp phi thuế quan nhiều nhất, áp dụng trên 94% trên tổng trị giá sản phẩm vào EU. Hoa Kỳ có tỷ lệ áp dụng thấp hơn trên 77%; Nhật Bản 76%... còn Việt Nam vẫn áp dụng khá ít biện pháp phi thuế quan (gần 38%) so với các đối tác thương mại.

Với từng loại mặt hàng xuất khẩu, thì da giày là sản phẩm ít chịu tác động từ các biện pháp phi thuế quan nhất. Sản phẩm điện, điện tử, dệt may biện pháp được áp dụng chủ yếu là tiêu chuẩn kỹ thuật. Nhưng sản phẩm thực phẩm, rau củ quả và gỗ vừa có yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật, lại cả kiểm soát về chất lượng nghiêm ngặt... do đó số lượng biện pháp phi thuế quan tăng lên rất nhiều.

Song bà Thuý nhấn mạnh: "Quy tắc xuất xứ là vấn đề cốt lõi của các FTA. Nếu đáp ứng các tiêu chuẩn phi thuế quan nhưng không đáp ứng quy tắc xuất xứ cũng không được hưởng ưu đãi".

Nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp

Ông Alain Chevaleir, Cố vấn cao cấp của Cục Xúc tiến Thương mại cho rằng, tham gia nhiều FTA nên việc xác định các rào cản phi thuế quan rất quan trọng với Việt Nam. Song ở Việt Nam, các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường không chú ý nên không hiểu về các rào cản phi thuế quan. Trong khi đó, các cơ quan hữu quan cũng chỉ hiểu về vấn đề này một cách hạn chế.

Vị chuyên gia này dẫn chứng thống kê của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, hiện Việt Nam có đến 379 rào cản phi thuế quan bao trùm ở nhiều loại hình. Trong đó, chiếm chủ yếu là các biện pháp kiểm dịch động thực vật cũng như các rào cản kỹ thuật đối với thương mại.

"Đây là các biện pháp Việt Nam chủ động đưa ra thay vì thực hiện theo các quy định quốc tế. Tuy nhiên, khi tham gia thương mại quốc tế Việt Nam cần phải tuân thủ quy định chung và phải tuân thủ các biện pháp phi thuế quan", ông Alain Chevaleir nói. 

Do đó, giải pháp vị chuyên gia đưa ra là, các bộ ngành của Việt Nam cần phải liệt kê tất cả các rào cản phi thuế quan, sau đó phân tích giữa chi phí và lợi ích từ việc tuân thủ các quy định, biện pháp phi thuế quan để cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Với doanh nghiệp, bà Thuý cho rằng, cần nghiên cứu sản phẩm xuất khẩu của mình chịu tác động từ những biện pháp phi thuế quan nào, từ đó tính được chi phí và lợi ích đạt được khi xuất khẩu sang thị trường mục tiêu, đặc biệt chú trọng vào thị trường thành viên CPTPP, EVFTA.

Bên cạnh đó, cần sự phối hợp của doanh nghiệp với cơ quan hoạch định chính sách. Bản thân biện pháp Việt Nam triển khai trong nước gây đội chi phí cho doanh nghiệp, nên việc hợp tác sẽ giúp đề xuất các giải pháp chính sách tạo thuận lợi thương mại, giảm chi phí tuân thủ.

Các cơ quan quản lý cũng cần nghiên cứu định lượng về tác động của các biện pháp phi thuế quan tại Việt Nam. Đánh giá, phân loại các biện pháp mà Việt Nam đang thực hiện để giảm chi phí, gánh nặng cho doanh nghiệp xuất khẩu, đồng thời góp phần bảo vệ người tiêu dùng trong nước...

Để doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam hiểu rõ các hàng rào kỹ thuật, những rào cản phi thuế quan cũng như những giải pháp trong việc thay đổi sản xuất theo hướng đổi mới và bền vững, ngày 21/11, Cục Xúc tiến Thương Mại (Bộ Công Thương) và Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC) đã phối hợp triển khai "Dự án nâng cao năng lực cạnh tranh thương mại của Việt Nam đối phó với vấn đề phi thuế quan trong thương mại", dự án triển khai trong 2 năm 2019-2020.

Ông Chiến cho biết, dự án sẽ tâp trung vào 4 nội dung chính gồm: tiến hành khảo sát doanh nghiệp về vấn đề phi thuế quan tập trung vào 2 lĩnh vực là hàng hóa và dịch vụ. Hoạt động này hướng đến mục tiêu nhận diện các quy định và thủ tục thương mại mà các công ty Việt Nam phải đối mặt trong xuất khẩu. 

Thứ hai, tiến hành tham vấn các bên liên quan nhằm tìm hiểu về phương hướng khả thi để khắc phục các trở ngại thương mại hiện có và giảm chi phí trong giao dịch thương mại. Thứ ba, xây dựng năng lực về để đối phó với vấn đề phi thuế quan nhằm củng cố và nâng cao năng lực của các nhà hoạch định chính sách, các tổ chức hỗ trợ thương mại, các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thứ tư, tăng cường tính minh bạch về các quy tắc và thủ tục. 

"Dự án kỳ vọng nâng cao năng lực, hỗ trợ cạnh tranh thương mại Việt Nam", ông Chiến nhấn mạnh.

Theo Vũ Khuê

Vneconomy