Hội nghị triển khai Thi hành án dân sự, hành chính năm 2019

16-11-2018 - 12:38

"Thi hành án là khâu cuối cùng để công lý được thực thi". Đây là ý kiến của Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019 của ngành thi hành án dân sự, hành chính diễn ra tại Hà Nội, sáng 15/11.

Còn một bộ phận cán bộ thi hành án sai phạm

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình ghi nhận và biểu dương những thành tích mà ngành thi hành án dân sự (THADS) đã đạt được. Nổi bật là số thụ lý mới tiếp tục tăng cả về việc và về giá trị nhưng ngành THADS đều thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu, với tỉ lệ 80,3% về việc và 38,35% về tiền.

Việc thi hành các khoản nợ của các tổ chức tín dụng, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế được tập trung chỉ đạo quyết liệt. Công tác tiếp công dân tiếp tục được nâng cao hiệu quả, giảm số việc khiếu nại, tố cáo và tăng tỉ lệ giải quyết xong so với năm 2017 (tăng 1,22%). Đặc biệt, lãnh đạo Bộ Tư pháp đã trực tiếp làm việc với UBND một số tỉnh, thành phố để giải quyết dứt điểm một số vụ việc tồn đọng, kéo dài. Công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động THADS tiếp tục đạt được một số kết quả nổi bật như đã bước đầu thực hiện hiệu quả phần mềm quản lý THADS trên toàn quốc...

"Những kết quả đạt được nêu trên đã góp phần tích cực bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội; quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân; giải phóng các nguồn lực kinh tế, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh", Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh.

Bên cạnh những kết quả và tiến bộ đạt được, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cũng chỉ ra những yếu kém mà ngành THADS, hành chính cần khắc phục.

Đó là còn một số sai sót, vi phạm của chấp hành viên, công chức trong thực hiện trình tự, thủ tục thi hành án. Số công chức vi phạm bị xử lý kỷ luật tuy giảm so với năm 2017 nhưng vẫn còn nhiều (17 trường hợp). Số vụ việc và số tiền chuyển kỳ sau tuy giảm nhưng vẫn còn nhiều; một số việc tồn đọng từ nhiều năm qua chưa được giải quyết dứt điểm.

Nguyên nhân một phần do thể chế vẫn còn vướng mắc, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho việc thi hành trên thực tiễn.

Riêng đối với việc thi hành án hành chính, mặc dù Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu năm 2018, nhưng kỷ luật, kỷ cương của các cơ quan Nhà nước trong việc chấp hành các bản án, quyết định hành chính có hiệu lực pháp luật còn chưa chuyển biến rõ rệt. Đến nay, vẫn còn 151 bản án mà người phải thi hành án là UBND, Chủ tịch UBND chưa được thi hành xong (tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước).

"Thi hành án là khâu cuối cùng để công lý được thực thi. Đây là trách nhiệm nặng nề của hệ thống THADS trong việc bảo đảm cho các bản án, quyết định của toà án phải được thực thi nghiêm minh, đúng pháp luật, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân", Phó Thủ tướng Thường trực nói.

Bên cạnh đó, hệ thống THADS còn có trách nhiệm tham mưu cho Chính phủ, Bộ Tư pháp trong công tác này. Đồng thời, tổ chức hướng dẫn nghiệp vụ, rút ra kinh nghiệm trong quá trình làm việc, kiến nghị cấp trên các vướng mắc, giải quyết khiếu nại tố cáo, đào tạo bồi dưỡng cho chấp hành viên, quản tài viên, thừa phát lại, thư ký thi hành án.

Đề cập đến những tồn tại, yếu kém của hệ thống THADS, Phó Thủ tướng Thường trực chỉ ra một số nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do trình độ nghiệp vụ, năng lực của một bộ phận chấp hành viên nhưng cũng có một bộ phận chấp hành viên do thoái hoá, biến chất dẫn đến tiêu cực, tham nhũng.

Theo Phó Thủ tướng Thường trực, để khắc phục điều này đòi hỏi mỗi cán bộ phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, nâng cao ý thức trách nhiệm, năng lực làm việc để phục vụ nhân dân, thực thi công lý của mỗi cán bộ nhằm hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Phải kê biên, phong toả tài sản của đối tượng tham nhũng

Nhấn mạnh đến những nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống THADS trong năm 2019, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị cần nỗ lực triển khai đồng bộ, toàn diện các mặt công tác, chú ý một số nội dung cấp bách như: Tập trung tham mưu, giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về THADS để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, kịp thời đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn tới. Nghiên cứu, sơ kết việc tổ chức thi hành Luật Thi hành án dân sự. Rà soát các vướng mắc trong việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu, sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án giải quyết việc THADS chưa có điều kiện thi hành, đã tồn đọng nhiều năm giai đoạn 2019-2023.

Tập trung chỉ đạo và tổ chức thi hành án, bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao theo Nghị quyết số 111/2015/QH13 của Quốc hội. Ưu tiên các nguồn lực tập trung thi hành dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành. Tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của công chức, tập trung, quyết liệt chỉ đạo, đôn đốc, tăng cường phối hợp liên ngành, nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế theo yêu cầu Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị.

"Tài sản phải thu hồi trong các vụ án tham nhũng là rất lớn. Do đó, đề nghị trình quá trình tố tụng, các cơ quan tiến hành tố tụng phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong việc kê biên, phong toả tài sản của các đối tượng tham nhũng để  về sau, việc thi hành án được thực hiện tốt. Trong quá trình thi hành án sau này, cơ quan thi hành án tiếp tục xác minh tài sản của các đối tượng để thi hành án. Đồng thời, phát huy hết trách nhiệm của hệ thống tư pháp, kiểm toán, ngân hàng trong việc phát hiện tài sản của các đối tượng tham nhũng để xử lý", Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Thường trực cũng lưu ý chấn chỉnh đến tình trạng tạm hoãn thi hành án hiện nay khi mà bản án có hiệu lực pháp luật nhưng vẫn bị tạm hoãn từ phía toà án, viện kiểm sát. Vì vậy cần nghiên việc xây dựng một văn bản về vấn đề này để các giải pháp thống nhất giữa các cơ quan tố tụng.

Báo cáo cấp có thẩm quyền về bản án, quyết định hành chính không thi hành

Đặc biệt, hệ thống THADS tiếp tục tham mưu giúp Chính phủ triển khai hiệu quả Luật Tố tụng hành chính; nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong chấp hành pháp luật tố tụng hành chính; tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác theo dõi thi hành án hành chính.

Theo đó, công tác thi hành án hành chính còn gặp nhiều khó khăn khi đối tượng phải thi hành là UBND các cấp, Chủ tịch UBND.

"Nếu ngành tư pháp thấy việc thi hành án hành chính không thi hành được thì báo cáo cấp có thẩm quyền, trao đổi và phối hợp, có chế tài với các cơ quan như kiểm sát, toà án hoặc kiến nghị cấp trên ra quyết định xử lý kỷ luật đối với người đứng đầu cơ quan hành chính không thi hành án hành chính. Đồng thời,cần nghiên cứu việc sửa đổi Luật Tố tụng hành chính cho phù hợp với thực tế hiện nay, công lý phải được thực thi, pháp luật phải đi vào cuộc sống với quyền năng buộc phải thi hành", Phó Thủ tướng Thường trực nói.

Tập trung công tác xây dựng ngành đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Chú trọng công tác đào tạo bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ công chức, chấp hành viên, quản tài viên, thẩm tra viên, thư ký thi hành án có năng lực, trình độ, phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, bản lĩnh nghề nghiệp. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ, nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thi hành công vụ.

Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh mỗi cán bộ ngành THADS phải giữ mình liêm chính, luôn thấy mình là công bộc của dân, bảo vệ pháp luật, bảo vệ công lý và bảo vệ nhân dân.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong THADS. Bộ Tư pháp cần tiếp tục hoàn thiện, vận hành hiệu quả phần mềm quản lý THADS tại các cơ quan THADS trên toàn quốc, nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu về thi hành án bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả.

Báo cáo của Tổng cục Thi hành án dân sự cho biết, tổng số thụ lý về việc là 927.249 việc, tăng 44.512 việc (5,04%) so với cùng kỳ. Tổng số phải thi hành là 914.083 việc, trong đó, số có điều kiện thi hành là 711.990 việc (77,89%).

Về tiền, tổng số thụ lý là trên 196.000 tỷ đồng, tăng trên 23.000 tỷ đồng (13,32%) so với năm 2017. Tổng số phải thi hành là 178.000 tỷ đồng, trong đó, số có điều kiện thi hành là hơn 90.000 tỷ đồng (51,28%). Kết quả, thi hành xong đạt hơn 34.520 tỷ đồng (38,35%)…

Bộ Tư pháp đã tham mưu Chính phủ thành lập đoàn kiểm tra tình hình chấp hành pháp luật về tố tụng hành chính và công tác thi hành án hành chính của UBND và Chủ tịch UBND tại một số tỉnh, thành phố, qua đó góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của UBND các cấp trong quá trình tham gia tố tụng hành chính, đặc biệt là trong các khâu đối thoại, tham dự phiên tòa và thi hành bản án, quyết định của tòa án.

*Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Thường trực đã trao Cờ thi đua của Chính phủ cho các đơn vị có thành tích xuất sắc trong công tác thi hành án dân sự.

Theo Chinhphu.vn