Để bắt kịp sự chuyển dịch dòng vốn FDI

11-12-2018 - 08:40

Những biến động khó lường của nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là những căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Theo nghiên cứu của Maybank, khoảng 30% trong tổng số hơn 430 doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc đã quyết định hoặc đang cân nhắc chuyển hoạt động sản xuất ra nước ngoài.

Một trong những khu vực được các doanh nghiệp FDI hướng đến là khu vực Đông Nam Á. Nhiều lĩnh vực như hàng điện tử tiêu dùng, công nghiệp, công nghệ, viễn thông, tự động hóa tại Đông Nam Á thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài. Ngay cả trước khi xảy ra cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ, đây cũng là một khu vực nhận được đầu tư khá cao. Trong năm 2017, nguồn FDI vào Đông Nam Á đạt 133,7 tỉ đô la Mỹ, chiếm khoảng 28% dòng vốn FDI vào châu Á. Trong đó nguồn FDI vào Việt Nam đứng thứ 3 khu vực, sau Singapore và Indonesia(1). 

Mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam

Lĩnh vực được kỳ vọng sẽ thu hút nhiều vốn đầu tư FDI vào Việt Nam trong bối cảnh hiện nay là điện thoại, máy tính và linh kiện điện tử. Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt, Trung Quốc đã xuất khẩu tới 70 tỉ đô la Mỹ(2) riêng mặt hàng điện thoại di động, chiếm tới 86% tổng giá trị nhập khẩu mặt hàng này tại Mỹ. Do đó, khi căng thẳng leo thang, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này sẽ cần thay đổi kế hoạch đầu tư tại cường quốc thứ 2 thế giới này và Việt Nam - quốc gia vốn có nhiều chính sách ưu đãi với các lĩnh vực công nghệ cao như trên sẽ là một trong những lựa chọn ưu tiên.

Thực tế cho thấy, 11 tháng đầu năm 2018, Việt Nam đã thu hút được hơn 2.714 dự án FDI đầu tư mới, với tổng vốn gần 15,8 tỉ đô la Mỹ(3), tăng 18,4% so với cùng kỳ năm trước; 1.059 dự án được bổ sung nâng vốn. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là khu vực thu hút đầu tư lớn nhất, tới 7,4 tỉ đô la Mỹ, tương đương 47,1% tổng vốn đăng ký.

Đặc biệt, Việt Nam cũng chứng kiến dòng vốn đầu tư nước ngoài thông qua hoạt động mua bán - sáp nhập doanh nghiệp (M&A) sôi động trong những tháng vừa qua với mức góp vốn và mua cổ phần lên tới 7,64 tỉ đô la Mỹ, tăng 44,4% so với cùng kỳ năm 2017.

Cần một chiến lược thu hút FDI thế hệ mới

Mặc dù dòng vốn FDI vào Việt Nam đang giữ xu hướng tăng trong thời gian qua nhưng yếu tố chất lượng vẫn chưa có sự thay đổi đáng kể. Theo đó, nhà đầu tư vẫn tìm đến Việt Nam như một thị trường lao động giá rẻ, chi phí dịch vụ tiện ích thấp và là một điểm đến nhằm phân tán rủi ro từ Trung Quốc.

Để thay đổi thực trạng này, chính sách thu hút FDI không chỉ dựa trên yếu tố số lượng mà còn phải tính đến cả yếu tố chất lượng, bao gồm chuyển dịch FDI sang các ngành sử dụng nhiều công nghệ và tri thức; nâng cao mức độ kết nối và chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp địa phương... Có như vậy chính sách thu hút FDI mới đi kèm với việc nâng cao năng suất, kích thích đổi mới sáng tạo.

(1) Unctad.org

(2) https://baomoi.com/co-hoi-thu-hut-von-fdi-vao-viet-nam-nho-cang-thang-thuong-mai-my-trung/c/27766062.epi

(3) Gso.gov.vn

Theo Lương Thu Hương - Trịnh Hoàng (TBKTSG)​​​​​​​