Chia sẻ dữ liệu: Những vấn đề về chia sẻ dữ liệu công dân

17-10-2018 - 08:11

(TBVTSG) - Estonia cùng với Singapore, quốc gia thông minh đầu tiên trên thế giới, đang đi tiên phong trong việc thiết lập một hệ thống công dân số với cả những điều thuận lợi và sự thách thức. Năm 2007, lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại một cuộc chiến tranh mạng không tuyên chiến nhắm đến quốc gia Estonia non trẻ, gây nên những thiệt hại và sự hoảng hốt. Từ đây Estonia biết rằng một nước nhỏ như họ với phần lớn các công dân làm việc ở nước ngoài chỉ có thể tồn tại trên bản đồ thế giới bằng một chính phủ điện tử, và cả việc sao lưu quốc gia trên mạng cùng việc hình thành một nền ngoại giao số, thiết lập các tòa đại sứ dữ liệu.

Mô hình công dân số của Estonia đã đi xa hơn những gì các nước đang thực hiện thiết lập dữ liệu số công dân. Ảnh: Internet

Công dân số trong môi trường chính phủ điện tử

Trên thực tế, mô hình công dân số của Estonia đã đi xa hơn những gì các nước đang thực hiện thiết lập dữ liệu số công dân. Quốc gia này đang nhắm tới việc hình thành một dòng chảy dữ liệu công dân xuyên qua biên giới với các nước thành viên của Cộng đồng châu Âu (European Community), và đưa ra ý niệm mới gọi là “Tự do thứ 5 của EU” hay sự di chuyển tự do dữ liệu công dân giữa các nước thành viên thuộc khối. Nhiều người sẽ không nhận ra tầm quan trọng của thứ mà họ gọi là tự do thứ 5 này, và Thủ tướng Jüri Ratas giải thích tại  cuộc Hội nghị Thị trường Số Duy nhất (DSM) ở Tallinn rằng “Ngày nay, dữ liệu là than, là sắt thép của xã hội số”. Và đây là lý do Estonia đưa ý niệm dòng chảy dữ liệu tự do này ra phiên họp Ủy ban Âu châu. Hội nghị DSM diễn ra trong tháng 7-2017 là một cột mốc mới đối với các nhà chính trị, nhà nghiên cứu, các lãnh đạo công nghiệp và các nhà tiên phong kỹ thuật số nhận ra lợi ích và tầm quan trọng của việc cho di chuyển tự do dữ liệu công dân giữa các nước.

Với quan niệm dữ liệu là một thứ hàng hóa dưới góc nhìn kinh tế, xã hội, chính trị và an ninh, nước này kêu gọi tăng cường sự hợp tác và cải thiện sự minh bạch trong việc chia sẻ dữ liệu giữa các quốc gia thành viên thuộc khối. Hiện tại, người dân các nước thuộc thị trường chung châu Âu đã được hưởng bốn sự tự do gồm lưu thông hàng hóa, đồng vốn, cư trú, thiết lập hay cung cấp dịch vụ, và có thể lưu thông dữ liệu sẽ là sự tự do thứ 5 mà người dân Cộng đồng châu Âu được hưởng. Chúng ta không thể coi thường khối lượng và chất lượng dữ liệu tạo ra mỗi ngày. Kristjan Vassil, nhà nghiên cứu tại Trường Đại học Tartu, nói: “Chúng ta đang sống vào thời điểm cuộc cách mạng công nghiệp thứ 4, và thứ mà cuộc cách mạng này tạo ra chính là khối lượng dữ liệu khổng lồ. Với nó, chúng ta có thể cảm nhận được thế giới chung quanh một cách tinh tế hơn bao giờ hết”. Vấn đề ngày nay là, ở mức độ chính phủ hay cá nhân, xác định cách chia sẻ dữ liệu một cách tốt nhất.

Trường Đại học Tartu đang làm việc với chính phủ Estonia để đánh giá khả năng sử dụng và truyền bá những dịch vụ số của chính phủ ra công chúng. Vassil mô tả: “Chúng tôi sử dụng dữ liệu tạo nên từ lĩnh vực công với hai mục đích là xem tác động của chúng lên chính phủ điện tử, và dùng chúng để tạo nguyên mẫu cho những dịch vụ số sắp tới. Những dòng chảy dữ liệu và những mô hình này giúp cho các chính phủ khả năng dự báo tốt hơn và cũng cố việc thiết lập chính sách cũng như những quyết định cho tương lai. Estonia đang đi trước, và sẽ truyền đạt kinh nghiệm của mình đến các nước khác. Trên thực tế ý niệm mà nhóm Vassil đưa ra có thể tạo nên một bức tranh kinh tế sống động nhất cho mỗi nước, vừa giúp cho các công ty hoạt động, vừa tạo nên giá trị tăng thêm từ chính dữ liệu, và hơn hết nó làm sáng tỏ mọi tình huống vào đúng thời gian thực của nó. Trong trường hợp này chính phủ điện tử giúp đẩy nhanh quy trình xây dựng chính sách nhằm tránh bị lỗi thời như tình trạng phổ biến hiện nay.

Dữ liệu công dân được bảo vệ bằng luật

Việc để cho dòng dữ liệu công dân lưu thông tự do trong mỗi nước và giữa các nước trong Cộng đồng châu Âu là điều rất đáng lo ngại. Nhưng các nhà nghiên cứu Estonia đang cho thấy hiệu quả chứng minh được của việc làm này, và kiến nghị nâng cấp ứng dụng lên mức Cộng đồng châu Âu. Chìa khóa để Estonia có cơ sở đưa ra kiến nghị là Luật quyền riêng tư GDPR châu Âu đã có hiệu lực và hoạt động hữu hiệu, trong đó có những quy định rất rõ ràng về những dữ liệu cá nhân nào đước phép thu thập, được phép chia sẻ hay khai thác. Châu Âu đang làm được điều mà cả thế giới chưa làm được, và hơn thế nữa Estonia đã kết nối vào những cơ sở dữ liệu bằng hạ tầng “X Road” đặt căn bản trên công nghệ blockchain, vừa công khai, minh bạch vừa không ai có thể xâm phạm, cắt đoạn hay sử dụng sai mục đích những dữ liệu số của công dân và những giao dịch của họ.

Có thể nói tương lai của Châu Âu là công nghệ số nơi dòng dữ liệu di chuyển tự do.

X Road là con đường mà Estonia sao lưu quốc gia mình, cả dữ liệu quốc gia lẫn dữ liệu công dân, và đây cũng là con đường mà chính phủ cũng như doanh nghiệp mang dịch vụ tới cho mỗi công dân. Trước khi xảy ra cuộc chiến tranh mạng, hơn 90% dịch vụ ngân hàng và các cuộc bầu cử quốc hội tại Estonia thực hiện qua Internet.

Người dân Estonia đóng thuế trực tuyến và sử dụng điện thoại di động để mua sắm. Mạng Wi-Fi đã phủ khắp cả nước, và công ty điện thoại miễn phí Skype được khai sinh và đặt đại bản doanh tại đây. Một nền văn hóa, một lãnh thổ hay một quốc gia có thể bị tổn thương trầm trọng, biến mất từng phần, hay thậm chí bị xóa tên trên bản đồ thế giới chỉ sau một cuộc chiến hay một thảm họa thiên nhiên. Công nghệ sao lưu (back-up) văn hóa hay quốc gia không chỉ để giữ lại những thực tế lịch sử mà còn để làm cho chúng tiếp tục sống, tiếp tục hoạt động, không chỉ trong môi trường mạng mà trên thực tế, tiếp tục tồn tại, phát triển, và thực hiện các chức năng hay dịch vụ vốn có.

Đất nước nhỏ bé bên vịnh Baltic này được coi là ‘một cửa sổ cho tương lai’, nơi mà các quốc gia có thể lấy làm mô hình xây dựng chính phủ điện tử. Hai động tác mà Estonia áp dụng nhằm sao lưu quốc gia bao gồm hình thành hệ thống căn cước công dân vững mạnh với việc giao dịch bằng chữ ký số và mã hóa các tài liệu khi tiếp cận dịch vụ chính phủ cũng như khi thực hiện thương mại điện tử. Động tác thứ hai, thuộc về chính phủ, là sao lưu tất cả dữ kiện liên quan đến quốc gia mình tại các trung tâm dữ liệu nằm ở nước ngoài. Estonia đã làm việc đó để đảm bảo mọi hoạt động của chính phủ và những dịch vụ thiết yếu của công dân trong những tình huống nguy ngập nhất, bằng cả việc thiết lập các ‘tòa đại sứ dữ liệu số’ (digital data embassies). Khởi đầu của ý tưởng này là làm sao giữ cho chính phủ vẫn hoạt động, vẫn thực hiện tất cả nghĩa vụ và dịch vụ trong mọi tình huống. Ý tưởng độc đáo này đang được nhiều nước chia sẻ. Ở đây người ta thấy công dân điện tử và chính phủ điện tử dính liền với nhau và cả hai cùng tạo nên một hệ thống dữ liệu thống nhất để duy trì mọi hoạt động kể cả trong thời bình cũng như thời chiến, nhất là vào thời đại mà các cuộc chiến tranh mạng có thể đột ngột diễn ra vào bất cứ lúc nào.

Singapore thiết lập luật chia sẻ dữ liệu công dân

Trở lại với Đông Nam Á, Singapore trở thành nước đi đầu trong việc chia sẻ luồng dữ liệu công dân, không phải bằng những văn bản hướng dẫn hay chỉ thị mà bằng một bộ luật được Quốc hội thông qua ngày 8-1-2018 gọi là Public Sector (Governance) Bill. Ở đây bộ luật quy định rõ bằng cách nào và bao giờ thì các cơ quan công quyền được phép trao đổi dữ liệu công dân cho nhau. Có thể tóm tắt trong bảy mục đích sau: Một là để nâng tầm giá trị lĩnh vực công; hai là để bảo đảm an toàn kinh tế hay hiệu năng của lĩnh vực công; ba là hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp cải thiện tính hiệu quả của các chính sách, chương trình quản lý và việc xây dựng chính sách nơi các cơ quan công quyền; thứ tư là để bảo đảm tính liên tục kinh doanh; năm là để bảo đảm cho quá trình quản lý thận trọng và có trách nhiệm đối với lĩnh vực tài chính và tài nguyên; sáu là để sử dụng vào việc quản lý rủi ro ngân sách chính phủ; và bảy là để hỗ trợ cho quá trình thực hiện chức năng chính phủ điện tử.

Người ta đã nghe nói nhiều về Citizen One hay công dân điện tử của Singapore, và nay bộ luật mới quy định rõ quyền và nghĩa vụ khi chính phủ chia sẻ dữ liệu công dân.

Bộ trưởng Giáo dục Ong Ye Kung, người đã đưa ra bản dự luật, giải trình trước Quốc hội rằng những điều luật mới nhằm củng cố cho những sửa đổi trong thông tư hướng dẫn về Dịch vụ Công dân. Theo đó, những dữ liệu quy định cá nhân sẽ được chia sẻ một khi có nhu cầu dịch vụ hay để thực hiện dịch vụ tốt hơn cho mỗi cá nhân, trong khi những dữ liệu không quy định là cá nhân được chia sẻ (rộng rãi) để củng cố việc phân tích, quy hoạch và thiết lập chính sách. Vị Bộ trưởng này  cũng cho biết những hình phạt đi kèm theo sự lạm dụng dữ liệu. Ông nói: “Đạo luật này sẽ điều chỉnh cân bằng và làm cho bất kỳ ai sử dụng dữ liệu công dân đều có trách nhiệm trong việc bảo vệ và bảo đảm an toàn mỗi khi các dữ liệu đó được chuyển tới”. Và ông cũng cho biết một dự luật khác cũng đang chờ được thông qua, đó là Đạo luật Bảo vệ Dữ liệu Cá nhân (PDPA). Sự việc Singapore trong hai năm trở lại đây đẩy nhanh thiết lập các điều luật liên quan đến công dân số và dữ liệu cá nhân nằm trong tham vọng sớm trở thành quốc gia thông minh đầu tiên trên thế giới.

Một lần nữa chúng ta thấy ý nghĩa của một cơ chế chính phủ điện tử gắn liền với dữ liệu số của công dân, hay nói cách khác một chính phủ điện tử ở tầm cao hoạt động hữu hiệu nhờ am hiểu và khai thác đúng cách nền tảng công dân số. Trên thực tế người ta vẫn có những phương cách, những luật lệ để bảo đảm quyền riêng tư mà không phải cất kho nguồn dữ liệu khổng lồ và luôn được cập nhật này. Ở đây việc phân định dữ liệu cá nhân pháp định (identifiable personal data) và dữ liệu không pháp định (non-identifiable data) là bước đầu để bảo đảm an toàn cho việc chia sẻ thông tin công dân, và trong nhiều trường hợp một chính phủ điện tử có thể phân tích, đóng gói thành những tập hợp dữ liệu khác nhau để cung cấp hay để bán cho các doanh nghiệp nhằm thúc đẩy nền kinh tế. Sự lo lắng nằm ở chỗ các quốc gia chưa có một hệ thống luật lệ vững vàng, và cả các quốc gia mới bắt tay vào việc xây dựng chính phủ điện tử, đây chính là nguyên nhân mà nhiều nhà nghiên cứu yêu cầu thận trọng. Nếu dữ liệu là than, là thép cho xã hội, thì công dân số là nguồn cung dữ liệu có ý nghĩa nhất ngày nay.

Theo Hoàng Việt

TBKTSG