Bảo vệ món ăn Việt: Sao phải khác người!

18-08-2018 - 10:23

Cá nhân hay doanh nghiệp rất khó sở hữu độc quyền các tên món ăn gắn với địa danh do không đáp ứng điều kiện bảo hộ về tính phân biệt của nhãn hiệu. Việc đăng ký sở hữu đối với tên gọi món ăn chứa tên địa danh như bánh mì Sài Gòn, bún chả Hà Nội, phở Hà Nội, mì Quảng... đang gây tranh cãi sau khi tỉnh Thừa Thiên - Huế muốn bảo hộ thương hiệu bún bò Huế.

Không khả thi

Thực tế, một số nhãn hiệu tên gọi đồ ăn thức uống chứa tên địa danh đã được bảo hộ như “Bia Sài Gòn”, “Bia Hà Nội” hay nhãn hiệu nước ngoài như “Texas Chicken”. Tuy nhiên, các nhãn hiệu này được đăng ký cho các cơ sở kinh doanh tại chính địa danh nhãn hiệu chứa đựng.

Trước khi Luật Sở hữu trí tuệ chính thức có hiệu lực vào tháng 7-2006, quy định về tính phân biệt của nhãn hiệu được đánh giá thoáng hơn. Đối với các nhãn hiệu này, từng yếu tố như “Bia”, “Sài Gòn”, “Hà Nội”, “Texas” và “Chicken” đều bị loại trừ không bảo hộ riêng mà nhãn hiệu được bảo hộ tổng thể dựa trên tính phân biệt thông qua sử dụng hay nhãn hiệu nổi tiếng. Tức là đã đạt được tính phân biệt nhờ vào sự thừa nhận của người tiêu dùng như một nhãn hiệu trước khi đăng ký bảo hộ.

Trở lại với các món ăn gắn với địa danh, việc đăng ký sở hữu độc quyền các tên gọi món ăn gắn với tên địa danh như một nhãn hiệu cho từng cá nhân hoặc cơ sở kinh doanh riêng biệt là không khả thi.

Chẳng hạn, muốn đăng ký bảo hộ độc quyền nhãn hiệu “Bánh mì Sài Gòn” cho sản phẩm bánh mì hoặc dịch vụ kinh doanh sản xuất mua bán bánh mì không ở khu vực TP HCM thì yếu tố “bánh mì” là mô tả, yếu tố “Sài Gòn” là tên địa danh, nên hoặc sẽ bị xem là lừa dối người tiêu dùng về xuất xứ nếu không sản xuất kinh doanh tại TP HCM (điều 73.5 Luật Sở hữu trí tuệ) hoặc sẽ không được bảo hộ do chứa đựng tên địa danh mà chỉ nên được bảo hộ dưới dạng chỉ dẫn địa lý hơn là nhãn hiệu. Do đó, nhãn hiệu “Bánh mì Sài Gòn” sẽ không đáp ứng điều kiện bảo hộ theo quy định tại điều 74.2.c và d Luật Sở hữu trí tuệ.

Xét về góc độ bảo hộ tên gọi món ăn gắn với tên địa danh như một chỉ dẫn địa lý cũng vướng nhiều khó khăn. Theo quy định tại điều 79 Luật Sở hữu trí tuệ, để được bảo hộ dưới dạng chỉ dẫn địa lý, sản phẩm phải có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý. Sản phẩm có danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu do điều kiện địa lý nơi sản xuất quyết định. Do đó, các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý thường được sản xuất tại chính địa danh đó. Trong khi hiện nay, các món ăn mang tên địa danh này gần như được sử dụng mọi nơi. Ở TP HCM cũng có thể nấu và bán phở Hà Nội hay mì Quảng chứ không nhất thiết phải nấu, sản xuất ở Hà Nội, Quảng Nam rồi mang đi nơi khác.

Do vậy, đặc trưng chung của các món ăn chỉ mang yếu tố văn hóa của các vùng địa danh hơn là các đặc thù về địa lý. Nếu bảo hộ thì cần bảo hộ công thức nấu ăn đó.


Bún chả Việt Nam đã nổi tiếng khắp thế giới sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama ghé thăm một quán ăn tại Hà Nội Ảnh: NGỌC DUNG

Ai đứng ra giám sát?

Trên cơ sở này, chỉ có thể xem xét bảo hộ các tên gọi món ăn mang địa danh này theo nhãn hiệu chứng nhận. Điều 87.4 Luật Sở hữu trí tuệ quy định: “Tổ chức có chức năng kiểm soát, chứng nhận chất lượng, đặc tính, nguồn gốc hoặc tiêu chí khác liên quan đến hàng hóa, dịch vụ có quyền đăng ký nhãn hiệu chứng nhận với điều kiện không tiến hành sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đó; đối với địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý đặc sản địa phương của Việt Nam thì việc đăng ký phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép”.

Tuy nhiên, rất khó chọn tổ chức nào đứng ra giám sát, đánh giá, công nhận chất lượng công thức chế biến các món ăn mang đậm hương vị từng địa danh này và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép chính thức.

Ngoài ra, một khi đã có tổ chức giám sát, công nhận đạt chuẩn công thức chế biến các món ăn đó để đem đi đăng ký nhãn hiệu chứng nhận, chúng ta còn có thể xem xét đến việc cấp phép sử dụng công thức chế biến các món ăn đó cho từng cá nhân, tổ chức muốn kinh doanh. Chúng ta sẽ có một chuẩn hệ thống các cơ sở kinh doanh món ăn mang tên địa danh đạt chuẩn theo đúng quy định cả về pháp luật lẫn chất lượng sản phẩm.

Do Luật Sở hữu trí tuệ bảo hộ theo lãnh thổ và theo các tiêu chí riêng của từng quốc gia nên vẫn có thể xảy ra trường hợp các đối tượng không được bảo hộ ở Việt Nam nhưng vẫn được bảo hộ ở nước ngoài. Nếu không đăng ký thương hiệu, chẳng hạn ở Trung Quốc có cá nhân đăng ký sở hữu nhãn hiệu món ăn Việt Nam, sau này Việt Nam quảng bá, tổ chức các chương trình ẩm thực ở Trung Quốc liên quan đến các món đó sẽ gặp rắc rối. Bởi khi kinh doanh ở nước ngoài, cá nhân, tổ chức của Việt Nam phải tuân thủ pháp luật của nước sở tại. Trong trường hợp trên có khả năng sẽ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của nước khác nếu không được họ cho phép. Bằng chứng là Việt Nam đã gặp một trường hợp đáng tiếc ở quá khứ cho chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột.

Thực tế, tất cả mọi thứ đều cần phải xem xét bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ hoặc ban hành cụ thể cách thức sử dụng hợp lý tránh gây nhầm lẫn và bất lợi cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, cần xem xét kỹ bảo hộ dưới hình thức nào cho phù hợp với thực tiễn cũng như quy định của pháp luật. Đây là một câu hỏi không dễ vì Luật Sở hữu trí tuệ vẫn đang trong quá trình hoàn thiện và kiến thức cũng như nhận thức về quyền sở hữu trí tuệ trong người dân vẫn cần được nâng cao hơn.

Ông Nguyễn Văn Mỹ (Chủ tịch HĐTV Lửa Việt Tours):

Đừng sợ thiên hạ bắt chước!

Ở Việt Nam, chuyện bảo hộ thương hiệu lâu nay bị xem thường, từ nhà quản lý đến chủ sở hữu. Ẩm thực Việt Nam có nhiều thương hiệu nổi tiếng và đặc trưng, vùng miền nào cũng có nhưng chưa có chuẩn mực chung, mạnh ai nấy làm. Tôi cho rằng chỉ nên bảo hộ khi sản phẩm ẩm thực có sở hữu cá nhân cụ thể chứ không phải của tập thể vùng miền. Người tiêu dùng quyết định dựa vào chất lượng và giá cả chứ không phải tên gọi. Càng không nên xử phạt máy móc và áp đặt thương hiệu theo ý muốn chủ quan của cơ quan quản lý.

Trước khi tính chuyện bảo hộ thương hiệu ẩm thực đặc trưng các vùng miền Việt Nam, việc cần làm và cấp bách hơn là xác định chuẩn mực chung của sản phẩm để chấn chỉnh chất lượng, loại bỏ các sản phẩm ăn theo tạp nham. Tiếp theo là giám sát chặt chẽ chất lượng sản phẩm theo quy chuẩn. Từ các món ăn tại chỗ đến những đặc sản mang về dùng hoặc làm quà tặng. Những việc làm này sẽ góp phần cho du lịch phát triển.

Đừng sợ thiên hạ bắt chước! Càng bắt chước càng tốt vì đó là cách quảng bá cho đất nước mình mà không tốn tiền. Thậm chí, các nước còn khuyến khích nước khác phổ biến món ăn cho nước mình. Xin đừng làm khác thiên hạ, tự làm khó nhau vì những quyết định ngẫu hứng!

Chuyên gia truyền thông Nguyễn Phạm Khánh Vân:

Bảo hộ ẩm thực vì người tiêu dùng

Thừa Thiên - Huế và một số tỉnh, thành khác đã nỗ lực trong công tác bảo hộ các đặc sản địa phương.

Tôi đã đọc rất kỹ quy chế về tô bún bò được bảo hộ ở Huế. Với tư cách là một khách hàng, tôi ủng hộ việc này vì khách hàng được lợi. Quy chế quy định rất rõ về vệ sinh an toàn thực phẩm - điều được quan tâm nhất hiện nay.
Về thương hiệu, đăng ký sẽ giúp quảng bá và bảo vệ thương hiệu. Là một người đam mê du lịch trong nước, tôi xót xa khi nhiều món ăn đặc trưng địa phương bị biến tấu đến khi biến dạng. Việc bảo hộ và đưa ra những thành phần cơ bản của một món ăn rất nên làm để gìn giữ ẩm thực địa phương.

Chuyên gia ẩm thực Đỗ Quang Long:

Chưa cần thiết

Hiện nay, chúng ta chưa nhất thiết phải bảo hộ thương hiệu ẩm thực Việt Nam cho từng món ăn cụ thể vì những món ăn này vẫn chưa đồng nhất trong khẩu vị. Việc bảo hộ thương hiệu chỉ nên để từng doanh nghiệp tự đăng ký.
Ngoài ra, hiện có rất nhiều người Việt Nam ra nước ngoài mở bán các loại ẩm thực Việt để quảng bá hình ảnh đất nước. Điều này nên khuyến khích để ngày càng nhiều người biết đến đất nước Việt Nam thông qua ẩm thực Việt trên đất khách. Việc bảo hộ thương hiệu ẩm thực sẽ gây khó khăn cho những người Việt ở nước ngoài muốn quảng bá ẩm thực Việt. Vì thế, chỉ cần nhiều người biết đến món ăn đặc trưng của đất nước là thành công rồi; không cần đi vào chi tiết vùng miền.

A.Nhiên - X.Hòa ghi
(*) Bài đã đăng trên nld.com.vn 

LS. Nguyễn Thị Nhân Hậu, Trọng tài viên VTA